Lương 5 triệu đồng/tháng, cô giáo mầm non vẫn chi tiêu thoải mái và tiết kiệm 1,5 triệu đồng

Trung Hiếu 2017-05-14 18:30
- Mức lương 5 triệu đồng/tháng so với mức sinh hoạt ở thủ đô quả là khó khăn nhưng Cẩm Nhung (25 tuổi, giáo viên mầm non) vẫn chi tiêu một cách thoải mái nhờ vạch kế hoạch chi tiêu khoa học.

1. Tiền ăn: 1 triệu đồng

Đang sống cùng bố mẹ nhưng khi kiếm được tiền, hàng tháng Nhung vẫn chủ động nộp cho mẹ 1 triệu tiền ăn. Nhung ở trên lớp cả ngày nên từ thứ 2 đến thứ 6 cô chỉ ăn ngày hai bữa ở nhà, bữa trưa ăn ở trường. Thứ 7, chủ nhật ăn ngày ba bữa.

Bố mẹ không bắt Nhung nộp tiền ăn nhưng Nhung vẫn muốn đóng góp tiền ăn cho mẹ dù chỉ là chút ít. Vì thế, Nhung đưa cho mẹ 1 triệu tiền ăn mỗi tháng. 

Bữa cơm gia đình Nhung cũng rất đơn giản với 3 món mặn, xào, canh vào bữa tối, sáng ăn nhẹ nên Nhung nhẩm tính, mỗi ngày cô ăn uống tại nhà mất khoảng 30 ngàn đồng/ngày ăn.

Lương 5 triệu đồng/tháng, cô giáo mầm non vẫn chi tiêu thoải mái và tiết kiệm 1,5 triệu đồng

2. Tiền sinh hoạt: 500 ngàn đồng

Tham khảo hóa đơn thanh toán tiền điện nước trong vòng một năm trở lại, Nhung nhận thấy bình quân mỗi tháng, gia đình nộp từ 500 đến 800 tiền điện nước. Vì thế, Nhung quyết định gánh trách nhiệm chi trả 1/3 số tiền trên để phụ giúp cha mẹ.

Cứ tới ngày lĩnh lương, Nhung đưa cho mẹ 500 ngàn đồng. Trong đó 300 ngàn tiền điện, nước. 200 ngàn đồng để mua sắm đồ dùng sinh hoạt như dầu gội, kem đánh răng, bột giặt…

3. Tiền mua sắm: 500 ngàn đồng

Chỉ dành 500 ngàn/tháng cho việc mua sắm nhưng Nhung vẫn mặc đồ hàng hiệu, luôn được đồng nghiệp khen đẹp, hợp mốt.

Cô chia sẻ, nếu đưa 500 ngàn đồng vào shop thời trang sẽ không mua được gì vì giá cả quá đắt đỏ. Thay vì mua sắm hàng tháng, Nhung lên kế hoạch góp tiền lại 2 tháng đi mua sắm một lần. Cầm 1 triệu đồng trong tay, cô có thể thoải mái chọn cho mình một bộ đồ, chiếc váy hợp mốt, đẹp mắt mà không phải lăn tăn về giá cả.

“Thời còn là sinh viên chưa phải lo lắng đến việc kiếm tiền nên tôi hay cùng bạn bè đi mua sắm linh tinh. Có những thứ mua về nhưng không bao giờ sử dụng, cộng lại tốn hàng đống tiền. Nay đi làm rồi, đồng tiền giới hạn, tôi đã tự ra một quy định không mua sắm những thứ không cần thiết. Chỉ mua vừa đủ, sử dụng tốt là được”.

Những thứ cần sắm như quần áo, váy, giày dép, cài tóc thì hai tháng Nhung sắm một lần. Riêng mỹ phẩm thì chọn một bộ như son, phấn nền, kem lót, chì… phù hợp, khi nào sử dụng hết mới mua.

Nếu còn dư tiền quỹ, hoặc không sử dụng cho việc mua sắm thì Nhung sẽ dùng nó vào việc làm tóc hoặc tiết kiệm vào ống heo, cuối năm dùng vào việc khác.

4. Tiền hiếu hỉ, sinh nhật: 500 ngàn đồng

Khi lĩnh lương về, cô giáo luôn dành ra 500 ngàn đồng để riêng cho việc cưới hỏi, sinh nhật. Nhung nhẩm tính, bình quân mỗi tháng ít nhất hai lần phải dự đám cưới, sinh nhật của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Mỗi lần như vậy ít nhất phải 300 ngàn đồng.

5. Tiền du lịch, hội hè: 600 ngàn đồng

Được nghỉ hai ngày cuối tuần nên bạn bè, đồng nghiệp của Nhung thường xuyên rủ nhau đi xem phim, café, du lịch…

“Để chơi thoải mái mà không phải lăn tăn, khúc mắc chuyện tiền bạc, nhóm tôi đề ra kế hoạch chi tiêu cho những chuyến đi, hội họp bằng cái tên hài hước là “campuchia”, nghĩa là cả nhóm cùng gom tiền lại để chi trả chứ không riêng một cá nhân nào. Thực hiện theo kế hoạch này không chỉ tiết kiệm cho cá nhân mà cho cả nhóm”.

Nhung chia sẻ thêm, nếu dự định mời người thân, bạn bè, đồng nghiệp đi ăn uống thì phải lên kế hoạch trước để chọn địa điểm, tham khảo thực đơn, giá cả trước để vừa ngon, rẻ, chất lượng.

chi tiêu

6. Tiền điện thoại, xăng xe: 400 ngàn đồng

Nhà cách trường 2km nên Nhung dành khoảng 200 ngàn đổ xăng xe đi lại hàng ngày. Tính ra mỗi ngày 7 ngàn đồng cho cả hai lượt đi và về.

Số tiền còn lại, cô đầu tư vào điện thoại. Cô đưa ra quy định chặt chẽ, mỗi tháng sử dụng tối đa 200 ngàn điện thoại. Ngoài ra, Nhung tận dụng face, zalo để chuyện trò cùng người thân, bạn bè thoải mái mà không sợ tốn kém.

Sau khi tính toán chi tiêu hết các khoản, hàng tháng, cô giáo trẻ còn dư 1,5 triệu đồng. Nhung vui vẻ cho biết: “Nhiều đồng nghiệp cùng chung bậc lương như tôi, không phải đóng góp tiền ăn, sinh hoạt cho cha mẹ mà cứ kêu trời vì chưa hết tháng đã hết tiền. Tôi thì ngược lại.

Nhờ vạch ra kế hoạch chi tiêu hợp lí, tôi không phải lo nghĩ nhiều về tiền bạc mà vẫn sống thoải mái. Hàng tháng, tôi còn tiết kiệm được 1,5 triệu đồng làm vốn”.

Trung Hiếu

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bụng phẳng lì, eo thon gọn sau 1 tuần chỉ với bài tập cực kỳ đơn giản này thôi