Sữa bột và "tội ác" trong quá khứ ít người biết đến

2017-10-07 15:30
- Làn sóng phẫn nộ bắt đầu nổ ra vào thập niên 1970, khi hãng sữa bị buộc tội khiến các bà mẹ đến từ các nước thuộc thế giới thứ 3 “chìm đắm” trong sữa công thức – không tốt và đắt hơn sữa mẹ.

Trong các quảng cáo được chiếu nhan nhản trên ti vi, hình ảnh bình sữa bột luôn gắn liền với trẻ sơ sinh, nhưng nhiều người mẹ lại không hề hay biết câu chuyện đằng sau những chiếc hộp vỏ thiếc cách đây gần nửa thế kỷ. Câu chuyện được đăng tải trên trang Business Insider. 

 Sữa bột “mê hoặc” các bà mẹ và cả nhân viên y tế như thế nào?     

 Sữa bột và 'tội ác' trong quá khứ

   Hãng sữa bột dùng mánh khóe mê hoặc các bà mẹ cho con bú. (Ảnh: What to Expect)     

Làn sóng phẫn nộ bắt đầu nổ ra vào thập niên 1970, khi Nestlé bị buộc tội khiến các bà mẹ đến từ các nước thuộc thế giới thứ 3 “chìm đắm” trong sữa công thức – không tốt và đắt hơn sữa mẹ.  

Tại thời điểm đó, các cáo buộc đối với Nestlé đã dẫn tới các phiên điều trần ở Thượng viện và sau đó Tổ chức Y tế Thế giới buộc phải ban hành luật về quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ.  

Vào năm 1973, The New Internationalist đã tổ chức triển lãm về các phương thức quảng cáo của Nestlé với tên gọi "Babies Mean Business" nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực về cách thức Nestlé “mê hoặc” các bà mẹ sử dụng sữa bột của hãng.  

Theo đó, Nestlé đã sử dụng “mánh khóe”:  

- Tạo ra lượng nhu cầu lớn nhưng thực chất không hề tồn tại.  

- Thuyết phục người tiêu dùng rằng các sản phẩm này không thể thiếu đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh.  

- Liên kết sản phẩm với nhu cầu thiết yếu nhưng không thể đạt được, sau đó đưa ra mẫu thử để tạo hiệu ứng.     

   Không chỉ bà mẹ, các nhân viên y tế cũng bị hãng sữa bột "mua chuộc". (Ảnh: BabyCenter)     

Đánh trúng tâm lý của người phụ nữ nghèo muốn được “Tây hóa”, Nestlé đã lôi kéo họ, khiến họ rời bỏ vùng nông thôn đến chốn đô thị để quảng cáo cho các sản phẩm của mình. Khi vị thế xã hội thay đổi, phụ nữ có thể chủ động kiếm tiền, họ sẽ coi trọng tính thẩm mỹ của phần ngực hơn là nguồn dinh dưỡng cho các con.  

Bên cạnh việc cung cấp các cuốn sách hướng dẫn và mẫu thử sữa bột cho các bà mẹ, các công ty đã thuê những cô gái bán hàng mặc trang phục y tá gõ cửa từng nhà và thuyết phục các bà mẹ rằng sữa mẹ tuy tốt nhưng vẫn cần cho trẻ uống sữa bột để bổ sung các loại thực phẩm trong sữa mẹ không có. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và lòng tin của những người đang nuôi con sữa mẹ. Bởi khi người mẹ căng thẳng, lo lắng, buồn bã, sữa sẽ tiết ra ít hơn. Vậy là họ tìm đến sữa bột như giải pháp hoàn hảo trong tình thế ấy.  

Không dừng lại ở đó, các bệnh viện cũng bị “mua chuộc” để khiến các bà mẹ phải sử dụng sữa bột. Không chỉ nhận được đồ uống miễn phí như sữa công thức, bình sữa…, các bệnh viện còn “thu về” nội thất văn phòng, đồ dùng, các dự án nghiên cứu, quà tặng, hội thảo, ấn phẩm và những chuyến du lịch của ngành y… Tất cả đều nhờ tiền của Nestlé.  Sữa bột – nguyên nhân chính khiến trẻ em ở các quốc gia nghèo bị suy dinh dưỡng  

Tại các thành phố nghèo ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, trẻ sơ sinh dần thoi thóp vì những bình sữa bột kiểu phương Tây được mẹ cho ăn mỗi ngày. Bởi họ phải pha loãng sữa bột mới đủ cho các con ăn. Thậm chí, một gia đình người Jamaica vì chỉ kiếm được trung bình 7 USD/tuần nên người mẹ phải pha loãng sữa bột với gấp ba lần lượng nước được đề nghị để có thể nuôi được 2 đứa trẻ.     

   Sáu tháng được bú sữa mẹ, khả năng sống sót của một đứa trẻ sẽ được tăng lên sáu lần. (Ảnh: The Root)     

Nestlé không bao giờ biết rằng những người phụ nữ này đang sống trong nghèo đói và phải đấu tranh từng giờ để được tồn tại. Họ không có đủ khả năng chi trả cho những sản phẩm của Nestlé – vốn được quảng cáo “như rót mật” vào tai các bà mẹ với lợi ích “thần kỳ”.  

Vẫn biết rằng sữa công thức cần pha với nước, nhưng đôi khi các bà mẹ thuộc thế giới thứ ba lại sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, khiến trẻ khó hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thực phẩm và dẫn đến suy dinh dưỡng. Điều này dẫn đến cái chết thương tâm của nhiều trẻ em bị tử vong do suy dinh dưỡng và bệnh tiêu chảy vì sử dụng sữa bột không đúng cách. War on Want cho rằng sữa bột cũng cản trở sự phát triển của trẻ sơ sinh.  

Theo báo cáo của tổ chức State of the World , vitamin A có trong sữa mẹ có khả năng ngăn ngừa chứng nhược thị, làm giảm nguy cơ tử vong của trẻ từ các bệnh thông thường, trong khi đó chất kẽm có thể ngăn ngừa bệnh tiêu chảy. Sáu tháng được bú sữa mẹ, khả năng sống sót của một đứa trẻ sẽ được tăng lên sáu lần. Các nghiên cứu cũng chỉ ra việc cho con bú sẽ tốt hơn nuôi con bằng sữa bột.  

Năm 1981, WHO ban hành Bộ Quy tắc Quốc tế về quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ     

   Năm 1981, WHO ban hành Bộ Quy tắc Quốc tế về quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ. (Ảnh: Nguyễn Vân Anh)     

Năm 1974, Nestlé kiện một dịch giả người Đức vì tội bôi nhọ danh dự khi dịch giả này đăng tải báo cáo mang tên Nestlé Kills Babies . Năm 1976, Nestlé tuy thắng kiện nhưng đã bị buộc phải thay đổi chiến dịch quảng cáo.  

Một cuộc tẩy chay Nestlé đã được phát động ở Mỹ và nhanh chóng lan sang Pháp, Phần Lan, Na Uy và các nước khác. Nhiều phụ huynh từ chối mua các sản phẩm của Nestlé. Tuy bị đình chỉ vào năm 1984, nhưng phong trào tẩy chay Nestlé lại nổi lên vào những năm cuối của thập niên 80, khi được Ireland, Úc, Mexico, Thụy Điển và U.K hưởng ứng.  

Năm 1978, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy đã tổ chức một loạt phiên điều trần của Thượng viện Hoa Kỳ về các hoạt động quảng cáo phi đạo đức. Các cuộc họp quốc tế diễn ra với sự có mặt của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF và The International Baby Food Action Network .  

Đến năm 1981, Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 34 đã thông qua Nghị quyết WHA34.22, bao gồm Bộ quy tắc quốc tế về quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ. Theo đó, các công ty cung cấp thực phẩm dành cho trẻ nhỏ không được: Quảng bá sản phẩm tại bệnh viện, cửa hàng…, Phát các mẫu thử miễn phí, Tặng quà cho người mẹ hoặc các nhân viên y tế, Cung cấp thông tin gây hiểu nhầm.  

Các nhóm quyền lợi xã hội cho biết các công ty thực phẩm dành cho trẻ nhỏ vẫn không tuân thủ bộ luật. Tuy nhiên, cho đến nay, Nestlé vẫn được các công dân và các tổ chức phi chính phủ trên thế giới giám sát nghiêm ngặt.  

Theo Diễm Linh / Đời sống & Pháp lý  

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Điểm danh 6 món chè thanh mát mùa hè mẹ đảm không thể bỏ qua