1001 NỖI LO KHÔNG TƯỞNG của mẹ bầu khiến bác sĩ phải “ngã ngửa"

Thu Hà 2018-10-15 18:49
- Khi mang thai, mẹ bầu vừa mừng vui vừa có quá nhiều nỗi lo. Có những nỗi lo lắng không tưởng khiến bác sĩ sản khoa phải “ngã bổ chửng” sau khi nghe xong.

Nhiều năm theo dõi sức khỏe cho các thai phụ, bác sĩ Lê Tiểu My, khoa Phụ Sản, Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) đã gặp rất nhiều thắc mắc "không ngờ" của mẹ bầu.

Có mẹ lo đau đẻ dù lúc đó mới mang bầu chỉ 2 tháng. 9 tháng 10 ngày dài dằng dặc với 1001 thắc mắc luôn ngự trị trong đầu mẹ bầu.

1001 NỖI LO KHÔNG TƯỞNG của mẹ bầu khiến bác sĩ phải “ngã bổ chửng

Con đạp ít hơn mọi ngày cũng trở thành mối lo cho mẹ bầu. Ảnh minh họa.

Dành một vài hôm tìm hiểu thị trường sách dành cho bà mẹ mang thai, chính bác sĩ Tiểu My cũng cảm thấy “ngộp thở”. Nào là “Mẹ Nhật và trách nhiệm”, “Mẹ Do Thái và tư duy”, “Mẹ Đức và kỷ luật”, “Mẹ Mỹ và tự tin”. Chẳng trách Mẹ Việt “ngụp lặn” trong đống hỗn mang đó và cảm thấy hoang mang, lo lắng đến…phờ phạc.

Có những thắc mắc, lo lắng của mẹ bầu khiến bác sĩ Lê Tiểu My cũng phải “ngã bổ chửng” sau khi nghe.

1001 NỖI LO KHÔNG TƯỞNG của mẹ bầu khiến bác sĩ phải “ngã bổ chửng

Con nặng bao nhiêu gram, không biết mặt mũi con giống ai nhỉ?

“Bác sĩ ơi, bác sĩ xem con em có tóc không? Sao em lo quá, gần đến ngày sinh rồi mà em...không ho tiếng nào. Ông bà mình nói, ho là con mọc tóc!”

Bác sĩ Lê Tiểu My giải đáp, theo định nghĩa y học, ho là phản xạ của cơ giúp loại bỏ chất bài tiết, chất kích thích ở đường hô hấp. Có nhiều nguyên nhân gây ho nhưng không hề có nguyên nhân do "con mọc tóc". “Nếu thật là ho khi con mọc tóc, không ho là trọc lóc thì chắc những bà mẹ có em bé tóc tốt phải ho chết mất thôi!”, bác sĩ My hóm hỉnh giải thích.

“Sao bác sĩ đo cân nặng thai nhi không vậy? Con em cao bao nhiêu bác sĩ đo luôn đi chứ! Em lo quá, nó lùn quá thì sao?”

Bác sĩ Lê Tiểu My khẳng định cân nặng thai nhi ước đoán trên siêu âm dựa vào số đo các chỉ số trên cơ thể như đo đầu, bụng và xương đùi rồi dùng công thức toán học để tính. Con số này là ước đoán và có sai số.

Còn đo chiều dài của thai nhi, đặc biệt là khi thai đã lớn là nhiệm vụ...bất khả thi! Lý do đơn giản thôi, người lớn mỗi lần đo chiều cao phải đứng nghiêm, thẳng mới có kết quả chính xác. Vậy mà thai nhi nằm cuộn tròn, lăn qua lăn lại, tay chân khua khoắng, đá đạp trong bụng mẹ thì sao có thể đo chiều dài được?

“Dây rốn siết cổ em bé, em lo quá! Nhỡ dây rốn siết lại, sao em bé thở được hả bác sĩ?”

Sự thực là em bé nằm hoàn toàn trong nước ối, không thể tự hít thở và trao đổi khí bằng phổi. Dây rốn đóng vai trò mang khí, dưỡng chất từ mẹ truyền sang em bé.  

1001 NỖI LO KHÔNG TƯỞNG của mẹ bầu khiến bác sĩ phải “ngã bổ chửng

Mẹ biết không? Có đến 1/3 thai nhi bị dây rốn quấn cổ, do em bé cử động, nghịch ngợm, xoay người nhào lộn hoặc cũng có thể do dây rốn quá dài, mẹ bị đa ối.

Nhưng mẹ hãy yên tâm nhé! Dây rốn rất mềm, rất êm nên em bé không đau và dây rốn quấn cổ không làm bé ngạt thở. Không ít mẹ bầu hạn chế vận động nhằm mục đích giảm khả năng dây rốn quấn cổ là sai lầm đó. Vì mẹ nằm bất động một chỗ sẽ gây đau nhức cơ thể và thêm phần căng thẳng.

Cực kỳ ít xảy ra trường hợp dây rốn quấn chặt quá gây siết cổ, tạo vết hằn đỏ, bé bị nổi ban xuất huyết trên mặt.

Lời khuyên của bác sĩ Tiểu My dành cho mẹ bầu là khi phát hiện dây rốn quấn cổ, mẹ đừng lo lắng quá. Việc mẹ cần làm là theo dõi thai bình thường, ăn ngủ nghỉ khoa học. Nếu thai bị dây rốn quấn cổ lúc sinh, bác sĩ sẽ lưu ý và dễ dàng tháo dây rốn quanh cổ. Tuy nhiên, nếu quấn nhiều vòng, mẹ bầu cần để ý cử động của bé, khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào mẹ cảm thấy bất thường.

“Bụng em nhỏ quá, ai cũng chê. Chắc con bị suy dinh dưỡng rồi”

Đây là nỗi lo của biết bao mẹ bầu, đặc biệt là những mẹ mang thai lần đầu tiên. “Vác” cái bụng ra đường, ai cũng chê “sao bụng bé quá, con lại còi tin hin”, mẹ lại cuống cuồng tẩm bổ để bụng “nở ra”.

1001 NỖI LO KHÔNG TƯỞNG của mẹ bầu khiến bác sĩ phải “ngã bổ chửng

Bác sĩ Lê Tiểu My khuyên mẹ đừng lo lắng thái quá. Nếu sau khi khám, đo đạc chỉ số của bé trong giới hạn phát triển bình thường, ối bình thường thì không có gì phải băn khoăn cả. Thậm chí, bụng nhỏ mẹ phải thấy…mừng vì mai mốt sinh xong bớt gian nan giảm bụng. Đừng vì kích cỡ cái bụng mà suy nghĩ mệt óc nha mẹ!

“Sao chị kia bằng tuổi thai em mà con chị nặng 2kg, con em có 1.5kg? Vậy mà bác sĩ nói con em bình thường là sao?”

Mẹ bầu hãy coi chừng thai nhi có trọng lượng lớn “vượt trội” có thể do mẹ bị… tiểu đường thai kỳ đó. Bác sĩ khám thấy các chỉ số bình thường thì hãy yên tâm thai nhi đang phát triển bình thường!

“Chỉ em ăn gì chỉ vào con mà không vào mẹ với?”

Mẹ bầu cứ “kháo” nhau cách ăn để “vào con” chứ không vào mẹ. Điều này y học cũng phải “chào thua”! Vì mẹ ăn xong, cơ thể mẹ tiêu hóa, tạo chất dinh dưỡng rồi dinh dưỡng đó truyền lại cho con. Ăn kiểu gì thì thức ăn cũng phải vào dạ dày mẹ trước, không thể “chui tọt” vào thai nhi ngay tắp lự!

Điều mẹ cần làm là ăn uống cân bằng các nhóm chất, chớ quên ăn hoa quả, rau xanh và thật thoải mái tinh thần. Tránh xa các chất kích thích, đồ ăn quá nhiều chất dầu mỡ, đường, căng thẳng tinh thần vì những thứ này gây hại cho cả mẹ và thai nhi.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chế độ ăn kiêng trong 3 giai đoạn giúp bạn gái béo ục ịch sở hữu thân hình thon gọn, nuột nà