Muỗi gây bệnh sốt rét khác muỗi gây bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Tin liên quan
Sốt rét là một chứng bệnh gây ra bởi ký sinh trùng tên Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi đốt. Bệnh sốt rét lưu hành chủ yếu ở các nước có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới. Bệnh có thể gây thành dịch lớn nếu không có cách phòng ngừa. Sốt rét là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có những biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân không được điều trị sớm có thể gây những biến chứng nặng nề các tạng trong cơ thể, não thậm chí là tử vong.
Phòng bệnh sốt rét bằng cách ngủ bỏ màn, mặc áo dài tay.
Bệnh sốt rét lưu hành chủ yếu ở vùng rừng núi, nhất là những khu vực giáp ranh biên giới, nơi có điều kiện khó khăn... Hiện nay, có một số thông tin cho rằng bệnh sốt rét đang có xu hướng dịch chuyển xuống khu vực trung du và đồng bằng do xuất hiện một số ca mắc.
TS. Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho hay, không có chuyện bệnh sốt rét đang dịch chuyển xuống vùng này. Những trường hợp ở khu vực đồng bằng, thành phố mắc bệnh thường là đã từng đi chơi, làm việc sinh sống tại khu vực vùng núi có lưu hành dịch bệnh. Do thời gian ủ bệnh sốt rét thường kéo dài trung bình từ 10 ngày cho tới gần một tháng khiến mọi người hiểu lầm và không nghĩ đã mang mần bệnh từ trước đó rất lâu.
“Tại Việt Nam, bệnh sốt rét thường lưu hành ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các vùng còn khó khăn về kinh tế, điều kiện y tế. Một số tỉnh vẫn duy trì ký sinh trùng sốt rét ở mức cao trong nhiều năm như: Bình Phước, Kon Tum,Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh.. Tại khu vực vùng núi phía Bắc, ký sinh trùng sốt rét lưu hành thường ít”, TS. Chính nói.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu không phải dân bản địa tại vùng núi có dịch bệnh lưu hành, khi mắc bệnh thường sẽ rất nặng do khả năng miễn dịch thích ứng kém. Cho nên, khi công tác, nghỉ dưỡng tại vùng núi cần phải chú ý phòng muỗi sốt rét đốt. Nếu như muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đốt người vào ban ngày thì muỗi gây bệnh sốt rét thường đốt người vào ban đêm.
Ký sinh trùng sốt rét sản sinh trong cơ thể muỗi khi đốt người ký sinh trùng sốt rét sẽ theo nước bọt đi vào máu người. Khi vi trùng xâm nhập được vào cơ thể sẽ phát triển tại gan. Lúc này ký sinh trùng sẽ liên tục phát triển và phân chia. Ký sinh trùng non từ gan xâm nhập vào hồng cầu phá vỡ hồng cầu và gây nên các triệu chứng bệnh lâm sàng.
Biến chứng nguy hiểm
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, triệu chứng sốt rét do muỗi Anopheles đốt thường rất đặc trưng. Bệnh nhân thường rét run, sốt nóng, ra mồ hôi, đau mỏi người, nhức cơ, rối loạn tiêu hóa… Trong khi đó sốt xuất huyết sốt cao đột ngột, mỏi người, đau hốc mắt, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da…
PGS.TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo: “Sốt rét nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Biến chứng thận là khi bị vỡ hồng cầu hàng loạt gọi là sốt rét đái huyết cầu tố. Biến chứng phổi gây khó thở suy hội hấp cấp gọi là sốt rét thể phổi. Biến chứng vào hệ tiêu hoá gây tiêu chảy dữ dội gọi là sốt rét thể tả”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, hiện tại ở Việt Nam đã có ca bệnh sốt rét kháng thuốc. Sốt rét kháng thuốc điều trị sẽ rất khó khăn nguy cơ biến chứng tử vong thường cao.
Sốt rét là căn bệnh nguy hiểm vì vậy cách phòng bệnh tốt nhất ngủ bỏ màn, phát quang bụi rậm bờ tường. Người đi công tác, du lịch ở vùng núi nên thoa kem chống muỗi, mặc áo dài tay sáng màu, ngủ phải bỏ màn. Khi thấy các triệu chứng sốt cao cần phải nhanh chóng tới các cơ sở y tế để nhận được sự chăm sóc kịp thời.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất