Khám phá Hongkong – "Điểm nóng" thời trang châu Á
2015-02-03 11:01
- Hongkong là nơi hội tụ của rất nhiều tín đồ mua sắm, các thương hiệu thời trang và cũng có thể coi là một biểu tượng cho phong cách thời trang châu Á.
Tin liên quan
Nhắc đến những thành phố được coi trung tâm giải trí, mua sắm với lối sống thượng lưu hàng đầu châu Á, có lẽ sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Hongkong. Đây là nơi hội tụ của rất nhiều tín đồ mua sắm, các thương hiệu thời trang và cũng có thể coi là một biểu tượng cho phong cách thời trang châu Á mang đậm chất nghệ thuật và điện ảnh.
1. Vòng quanh Hongkong, học cách tiêu tiền như người giàu với ngân sách “bình dân”
Bạn có thể nghe đâu đó rằng phần lớn dân số của Hongkong là người giàu, chính vì vậy họ luôn mua sắm tại những trung tâm sang trọng và xa hoa. Quả thật là tại Hongkong có rất nhiều những trung tâm mua sắm sang trọng nằm trong những tòa nhà hiện đại và hoành tránh, với vô số những thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới. Nhưng thành phố này cũng là nơi hội tụ rất nhiều chuỗi cửa hàng bán đồ giảm giá siêu rẻ, những khu chợ truyền thống mang đậm hơi thở nhộn nhịp, bình dân của nếp sống Á Đông, không chỉ đáp ứng nhu cầu của những tín đồ săn hàng giá rẻ mà còn là một thú vui của chính một bộ phận người tiêu dùng nơi xứ Cảng Thơm.
Khi đến thăm Hongkong, bạn sẽ luôn được giới thiệu tới chơi ở khu Causeway Bay đầu tiên. Đây là khu trung tâm luôn thu hút giới trẻ năng động tới mua sắm, giải trí, vui chơi không ngừng nghỉ, với rất nhiều trung tâm thương mại được đặt tại đây. Vào các ngày thứ Bảy, khu Causeway có thể coi là nhộn nhịp và đông đúc nhất. Chỉ cần vừa ra khỏi ga tàu điện, bạn sẽ bước ngay vào Sogo – một siêu thị hàng hiệu của Nhật Bản với rất nhiều thương hiệu lớn như Salvatore Ferragamo, Gucci, agnes b, Miu Miu, Anna Klein, Armani, Calvin Klein jeans, Burberry, Chanel và cả những thương hiệu cấp 2 như Helly Hansen hay Evisu. Mở cửa từ 10 giờ sáng đến 11 giờ tối hàng ngày, Sogo sẽ là điểm đến lý tưởng cho bạn, với rất nhiều giày dép, đồ da ở tầng hầm B1 và mỹ phẩm tràn ngập tầng 1.
Một điểm đến cực sôi động ở Causeway Bay còn phải kể đến là Times Square – điểm tụ tập yêu thích của mọi tầng lớp, từ thanh thiếu niên đến giới doanh nhân và khách du lịch. Tòa nhà cao chọc trời này không chỉ là nơi tổ chức sự kiện đếm ngược tới giao thừa hàng năm, mà còn là địa bàn của nhiều cửa hàng giảm giá hấp dẫn như Lane Crawford, cung cấp nhiều thương hiệu như Chloe, Lanvin, Stella McCartney, Giorgio Armani, Paul Smith, với những đợt giảm giá tới tận 70% , những đôi giày có giá khoảng 600-900 đô la Hongkong (1.500.000 – 2.500.000 VNĐ). Một số cửa hàng nổi tiếng khác trong trung tâm Time Square gồm có thương hiệu Zara ở tầng 3 và Mark & Spencer ở tầng 6. Dưới tầng hầm có siêu thị City Super.
Một khu vực khác mà bạn sẽ muốn tới thăm khi đến Hongkong là khu Wanchai, đoạn giao nhau giữa Fleming, Wanchai, chợ Wanchai và đường Johnston. Đây là nơi bạn có thể thử mua sắm tại các khu chợ mang phong cách truyền thống của Hongkong, hoặc và một số trung tâm như Tòa nhà Tai Yau (số 181 đường Johnston), ghé thăm gian hàng Rock Gallery để mua những chiếc túi xách, quần jeans phong cách disco sôi động.
Tiếp đó, bạn sẽ không thể không nhận ra tòa nhà The Pawn, với tầng 1 dành trọn cho cửa hàng Tang Tang Tang Tang – một cửa hàng Trung Hoa chuyên bán những sản phẩm thời trang cao cấp thượng hạng, ví dụ như những bộ pyjama bằng lụa cho trẻ em có giá tới 1600 đô la HK (4.400.000 VNĐ), những chiếc áo khoác dài bằng len cashmere giá 5600 đô la HK (15.400.000 VNĐ), váy ngủ bằng lanh cao cấp v.v...
Tiếp tục cuộc hành trình, nhịp sống năng động sẽ đưa bạn đến khu Trung tâm (Central) của Hongkong, nơi được coi là “hố đen” cho ví tiền của bạn. Tại đây, bạn sẽ thấy ba tòa nhà được coi là bộ ba biểu tượng kiến trúc hiện đại của Hongkong, gồm Landmark, Tòa nhà Hoàng tử (Prince's Building) và Chater House. Quanh đây cũng có rất nhiều đại lý lớn của các thương hiệu nổi tiếng, như đại lý của Gucci nằm cạnh Landmark Mandarin Oriental ở Trung tâm đường Queen; hay cửa hàng của Louis Vuitton nằm ở góc của tòa Landmark, đối diện phố Pedder. Còn tại tòa nhà Chater House là một cửa hàng của Emporio Armani. Vào bên trong khách sạn Mandarin Oriental, bạn sẽ thấy một số thương hiệu cao cấp như BVLGARI, Piaget, còn trong Prince's Building là cửa hàng của Cartier.
Đi qua đường đi bộ của cảng Central, bạn sẽ nhìn thấy hai tòa tháp IFC Một và Hai – "tổng hành dinh" của một trong những trung tâm thương mại lớn nhất, nhộn nhịp nhất của hòn đảo này – Trung tâm IFC. Nơi đây tụ hội những cái tên xa xỉ, đáng ngưỡng mộ nhất như Alfred Dunhill, Anteprima Wirebag, Ascott Chang, Bally, BVLGARI, Cartier, COACH, Ermenigildo Zegna, Lanvin, La Prairie, Prada, Georg Jensen, Roberto Cavalli, Furrla.
Khi đến tham quan những địa điểm danh thắng nổi tiếng nhất ở Hongkong, bạn vẫn có thể tiện đường ghé qua những tụ điểm mua sắm nổi tiếng khác. Ghé thăm Trung tâm thương mại The Peak Galleria, bạn sẽ có thể mua sắm đồ của Baleno Boy, Bossini, giày của Clarks, Florsheim, CAT, GEOX và Hush Puppies, đồ của COACH v.v... Với những tín đồ mỹ phẩm, sẽ có cửa hàng của SaSa, và thương hiệu uy tín cả trăm năm của Hong Kong – Two Girls. Ở tầng 2 sẽ có gian hàng của GOD (Goods of Desire) với những món đồ cá tính, và gian trang sức hiệu Chow Tai Fook. Lên tầng trên cùng, bạn sẽ thấy cửa hàng bán đồ giảm giá của Tommy Bahama với những món đồ được giảm tới 70%, những chiếc áo sơ mi hoa có giá 300 đô la HK (830.000 VNĐ), đẹp và rẻ là những điều không khiến bạn thất vọng.
Nếu đi xuống khu phía Nam của thành phố, bạn sẽ đến Stanley – nơi đây từng là một làng chài, giờ đã trở thành một địa điểm mua sắm và tham quan dành cho khách du lịch với những gian hàng sặc sỡ sắc màu nằm ngay gần bãi biển, cùng nhiều cửa hàng bán đồ giảm giá (outlet). Đi vào chợ Stanley, bạn sẽ được tràn ngập trong thiên đường của các loại áo phông giá 100 đô la HK (275.000 VNĐ) cho 3 chiếc, túi xách và quà lưu niệm, dép xỏ ngón và vali có giá khoảng 395 đô la HK (1.100.000 VNĐ), áo phông in hình Che Guevara giá 130 đô la HK (360.000 VNĐ).
Cũng ở khu phía nam của Hongkong, tại Ap Lei Chau, bạn sẽ thấy tòa nhà Horizon Plaza, với rất nhiều cửa hàng bán đồ giảm giá của những thương hiệu nổi tiếng, như đồ giảm giá của Armani với những đôi giày cao gót có giá chỉ 2600 đô la HK (7.200.000 VNĐ), đồ của Ralph Lauren với những chiếc áo phông Polo giá 525 (14.500.000 VNĐ) đô la HK, Moiselle, Nhà kho bán lẻ Pompei với những thương hiệu như Bally, Dolce & Gabbana, Marc Jacobs và TOD's; ngoài ra còn có Max Mara, Juice Couture, Diesel, i.t chuyên bán váy dạ hội và đồ đính kim sa với giá từ 2000 đô la HK (5.500.000 VNĐ) và nhiều đợt giảm giá 70-80%; Lane Crawford, và Nhà kho thời trang Bluebell.
Ngoài những khu vực trên, bạn có thể đến Tsimshatsui (thường được gọi tắt là TST), một khu rất nổi tiếng cho những người thích mua sắm đồ hiệu, nhờ nằm gần nhiều khách sạn 5 sao như The Penisula, The Langham, và khách sạn Marco Polo Hongkong. Những năm gần đây, khu này đã mở rộng tới phía Tây khu Kowloon, đoạn quanh khách sạn The Ritz-Carlton và W Hong Kong.
Nếu đi dọc đường Nathan quanh công viên Kowloon, bạn sẽ thấy nhiều cửa hàng như Mastina, Pro Cam-fis, Kaiser, và những cửa hàng giày như Joy & Peace, Staccato, Ecco và Hush Puppies.
Một trung tâm thương mại nổi bật ở khu Tây Kowloon là Trung tâm Elements (Ngũ Hành) rộng hơn 70 nghìn mét vuông nơi bạn có thể tha hồ lựa chọn đồ của Zara, H&M, Shanghai Tang, Louis Vuitton, Prada, Miu Miu, Zegna, Moschino và Gucci.
Nếu mọi thứ ở TST quá đắt đỏ so với bạn, hãy di chuyển tới đường Granville, nơi bạn có thể tìm thấy những chiếc áo có giá chỉ 30-40 đô la HK (80.000 – 110.000 VNĐ), và những đồ cần thanh lý gấp trong ngày chỉ có giá dưới 20 đô la HK (55.000 VNĐ).
Một khu mua sắm giá rẻ lý tưởng khác cho bạn là khu Mongkok, một khu vực mang phong cách miền Tây hoang dã. Bạn có thể đi tàu điện tới đây, ra ở cửa số E2 và bước vào Trung tâm Thương mại Yau Shing để bắt đầu trải nghiệm mua sắm đúng phong cách châu Á – mặc cả nhiệt tình!
Trải nghiệm mua sắm ở Hongkong của bạn sẽ chưa thể coi là hoàn thiện nếu bạn không đến trung tâm khổng lồ tên Festival Walk. Hãy đi tàu điện tới ga Kowloon Tong và ra cửa C. Nhớ đi giày bệt tới đây, vì đây có thể là một không gian rộng vô tận để bạn chỉ ngắm nhìn hết các cửa hàng thôi cũng đã thấy thấm mệt. Hoặc bạn có thể đến khu Shatin trong một ngày nắng đẹp và đến Tòa nhà New Town, nơi có cửa hàng của Victoria’s Secret.
Vào sát ngày kết thúc chuyến du lịch quanh Hongkong, không gì hoàn hảo hơn là một ngày vui chơi ở khu đảo Lantau, và bạn sẽ thấy Trung tâm thương mại Citygate Outlets ở Tung Chung. Chỉ cách sân bay 10 phút đi taxi, trung tâm thương mại cao 5 tầng này là nơi chuyên bán đồ thời trang giảm giá từ 30 đến 70%. Bạn có thể tìm thấy những chiếc áo phông của Giordano giá chỉ 99 đô la HK (270.000 VNĐ), áo của Guess giá 419 đô la HK (1.200.000 VNĐ), quần jeans giá 395 đô la HK (1.100.000 VNĐ), áo phông của Armani Exchange giá khoảng 190 đô la HK (530.000 VNĐ), váy dự tiệc giá khoảng 390 đô la HK (1.070.000 VNĐ).
Và tất nhiên, kể cả chuyến đi Hongkong của bạn chỉ đơn thuần dành cho công việc thì bạn vẫn có cơ hội mua sắm đồ miễn thuế ở sân bay quốc tế Hongkong. Ở đây có trung tâm SkyMart ở ga đi và SkyPlaza ở nhà ga số 2, với nhiều thương hiệu như Adidas, Calvin Klein Jeans, Chanel, Mango, Swatch, Coach, Hermes v.v...
2. Ngược dòng thời gian, đắm chìm trong lịch sử thời trang Hongkong
Hongkong có một lịch sử thời trang đầy màu sắc. Có thể vào thời kỳ hiện đại, phong cách của Hongkong bị coi là mờ nhạt so với các kinh đô thời trang châu Á như Tokyo hay Seoul, nhưng nhìn lại từ thập niên 50 đến những năm 90, ta có thể nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang Hongkong – hoa lệ và hoàng kim không kém gì sự phát triển của ngành giải trí và phim ảnh nơi đây.
Kỷ nguyên thời trang của Hongkong bắt đầu được hình thành từ những năm 1950, khi chiến tranh kết thúc. Tại Hongkong thời kỳ này, phụ nữ đa phần mặc đồ may đo, những tiểu thư khá giả thậm chí có người giúp việc trong nhà lo may quần áo. Đây là thời kỳ mà kỹ thuật cắt may Á Đông bắt đầu được hòa quyện với phong cách thẩm mỹ phương Tây, khi những người thợ may lành nghề nhất đến từ Thượng Hải để may những bộ xường xám truyền thống và học hỏi những cảm hứng từ những bộ phim Hollywood nổi đình đám thời đó, như “Cuốn theo chiều gió”. Ngôi sao được coi là biểu tượng cho phong cách thời kỳ này là Lâm Đại – mỹ nhân đóng vai Điêu Thuyền năm 1958.
Theo dòng chảy thời gian đến thập niên 60, Hongkong bắt đầu là điểm đến hấp dẫn cho ngành thời trang thương mại khắp thế giới, và phát triển ngành sản xuất thời trang. Ngôi sao điện ảnh Trần Bảo Châu trở thành thần tượng cho phong cách của giới trẻ thời đó, với trang phục họa tiết chấm bi, váy màu pastel và các khối màu sặc sỡ, cùng những chiếc băng đô đặc trưng. Thời này, áo xường xám vẫn được ưa chuộng nhưng không còn quá thịnh hành. Các thợ may ở Hongkong bắt đầu phải học hỏi tay nghề để may được những bộ trang phục châu Âu là mốt thời đó: áo khoác dài kiểu London, chân váy ngắn, đầm chữ A và quần tất bó. Và khi Trần Bảo Châu bắt đầu nhận những vai đả nữ hành động mạnh mẽ, xu hướng mặc đồ phong cách nam giới trong thời trang nữ ở Hongkong bắt đầu manh nha hình thành. Một dấu mốc đáng nhớ của thập kỷ này là năm 1968 khi chính quyền chính thức tổ chức lễ hội thời trang ứng dụng đầu tiên, giới thiệu những mẫu trang phục của các nhà thiết kế và công ty sản xuất trong nước, đánh dấu thời kỳ người dân Hongkong bắt đầu thực sự có hứng thú với thời trang thiết kế.
Đến thập kỷ 70, Hongkong chứng kiến sự trỗi dậy của ngành công nghiệp văn hóa đại chúng, và đài truyền hình TVB bắt đầu phát triển mạnh đến nỗi thời kỳ này, các diễn viên truyền hình còn nổi tiếng hơn các diễn viên điện ảnh. Vì thế, rất nhiều các thương hiệu thời trang ở Hongkong đã tài trợ trang phục cho các diễn viên, và thời trang càng gây ảnh hưởng mạnh hơn khi nó len lỏi vào cuộc sống của từng gia đình ở mọi tầng lớp của thành phố này, với những bộ phim chiếu vào giờ cơm tối dành cho mọi lứa tuổi. Biểu tượng thời trang của thập niên này là nữ diễn viên Tiêu Phương Phương, dẫn đầu những trào lưu được yêu thích bởi phái đẹp Hongkong lúc đó, với đầm bó eo, quần tất, quần soóc ngắn, váy quả chuông, áo sơ mi kẻ ca rô và áo khoác cổ rộng. Đặc biệt, denim là chất liệu trở nên cực kỳ thịnh hành.
Đến những năm 1980 có thể coi là kỷ nguyên vàng của thời trang Hongkong, khi thị trường tiêu dùng không chỉ bùng nổ mà còn bắt đầu nghiêng sang hướng cao cấp. Từ năm 1984 đến 1988, một loạt tạp chí thời trang thế giới bắt đầu đặt chi nhánh tại Hongkong như Cosmopolitan, Elle và Harper's Bazaar, cùng nhiều thương hiệu cực xa xỉ như như Chanel, Jean Paul-Gaultier. Thời kỳ này, người dân Hongkong yêu tiệc tùng, yêu nhạc disco và cực kỳ táo bạo trong phong cách ăn mặc, với biểu tượng là diễn viên Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương. Những năm tháng đó, Trương Quốc Vinh khiến bao cô gái mê đắm vì hình tượng lãng tử kiểu Nhật, quần thụng, áo ba lỗ và quần jeans, còn Mai Diễm Phương là hình mẫu cho nữ quyền với kiểu áo độn vai đặc trưng của thập kỷ ấy.
Sang đến những năm 1990, kỷ nguyên vàng của thời trang Hongkong kết thúc. Ngành công nghiệp thời trang vẫn phát triển, nhưng đi theo hướng thiên về số lượng hơn chất lượng, khi nhiều thương hiệu trong nước ra đời nhưng không đưa ra được những thiết kế riêng mang bản sắc châu Á mà phụ thuộc hoàn toàn vào xu hướng của các thương hiệu châu Âu. Lúc này, cộng đồng ở Hongkong cũng bắt đầu thích ăn mặc đơn giản hóa theo kiểu Mỹ với áo quần rộng, thoải mái, không quá cá tính. Ngôi sao mặc đẹp nhất thập kỷ này chính là Vương Phi với một chút cá tính tự do, phóng khoáng trong những bộ đồ mà cô lựa chọn.
Eve Nguyễn - Tổng hợp
(Theo congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Vì sao người bị chó dại cắn cứ đến đám tang là phát dại?
#Spring couture 2015, thời trang, xu hướng thời trang xuân 2015, mặc đẹp ngày, fashionista, stylist, emdep, emdep.vn
#di den dau dep den day, ban do mua sam, du lich, hong kong, trung tam thuong mai, hang hieu, chanel,