"Mắt tròn mắt dẹt" khi thấy tiền mừng tuổi ở quê chồng

Phạm Quyên 2017-01-30 14:00
- Mừng tuổi đã trở thành phong tục, nét đặc sắc mỗi dịp Tết đến. Tuy nhiên, trong tâm trí nhiều người, chuyện mừng tuổi đã trở thành ám ảnh. Lần đầu về ăn Tết quê chồng, tôi cũng không khỏi đau đầu.

Trong quan niệm của người Việt chúng ta, Tết chính là dịp nhà nhà sum họp. Trong suy nghĩ ngày bé, Tết với tôi là một chuỗi niềm vui, vui nhất chính là được nhận lì xì. Năm trước, khi chưa lấy chồng, tôi vẫn còn được nhận lì xì từ họ hàng chú bác, chúc cho "cháu gái nhanh xuất kho".

Năm nay, lời chúc thành hiện thực rồi. Và từ giờ, tôi sẽ không còn là người nhận nữa, mà là người đi mừng. Nhưng, phải mừng thế nào cho phải trong năm đầu tiên làm dâu? Chuyện nhỏ này trở thành vấn đề khá lớn với tôi, vì nhiều thì vợ chồng tôi lấy đâu ra, mà ít thì lại sợ bị nhà chồng chê keo kiệt.

Tôi mang chuyện này ra hỏi ý kiến chồng, thì anh bảo "chả để ý, tùy em", thành ra, tôi càng băn khoăn. Nhưng tôi cũng không dám hỏi mẹ chồng, vì mẹ con ở xa không mấy thân thiết, tôi ngại, cũng lại sợ ông bà bảo tôi so đo. Chính vì thế, tôi đành "tùy ý" mừng giống như ở nhà ngoại tôi vẫn hay thấy mọi người mừng thế.

Mắt tròn mắt dẹt khi thấy tiền mừng tuổi ở quê chồng

Ngày tết cuối cùng cũng đến.

Sáng mùng 1, cả họ nội tập trung ở nhà tổ làm bữa liên hoan đầu năm. Thấy mọi người đều để tiền vào phong bao lì xì, nên tôi không biết người ta mừng nhau bao nhiêu. Gom hết số tiền được thưởng Tết của hai vợ chồng, sau khi chi tiêu, còn dư bao nhiêu, tôi đành tính toán "chia đầu người" số người cần mừng trong họ. Người già, tôi mừng 200, trẻ nhỏ tôi mừng 100. Không hiểu sao, mọi người ai cũng "mắt chữ O mồm chữ A" khi nhận tiền mừng của tôi. Thấy người được nhận lì xì có vẻ hân hoan lắm, nên tôi nghĩ mình đã "làm rất tốt".

Nhưng, đến khi ăn uống tan tiệc xong, chuẩn bị nhà nào về nhà đấy, tôi vô tình nghe được câu chuyện của mấy người chị dâu trong họ: "Gớm, mừng tuổi còn không thèm bỏ vào phong bao, muốn khoe mọi người ta đây thành phố lắm tiền mừng lắm hay sao" thì tôi mới bàng hoàng.

Chuyện ngày tết

Đến khi hỏi mẹ chồng, tôi mới biết. Thì ra, quê chồng tôi mọi người mừng tuổi nhau chỉ 5 - 10 nghìn đồng lấy lệ cho may mắn thôi. Mừng người già cũng chỉ đến 50 nghìn là "cao" lắm rồi. Do tôi chưa biết tục quê, không để phong bao, lại mừng nhiều, nên mọi người tưởng tôi "hách dịch, khoe mẽ". Nghe mẹ chồng nói mà tôi "không khỏi xúc động". Từ xưa đến nay, tôi chỉ thấy những câu chuyện các nàng dâu đau đầu vì khoản tiền mừng tuổi cho họ hàng cháu chắt vì tốn kém quá, chứ chưa thấy trường hợp nào như tôi. 

Đúng là, mỗi nơi một phong tục một tập quán thật. Quê tôi, đã từ lâu lắm rồi không thấy tờ mừng tuổi 10 - 20 nghìn. Ngay cả mấy đứa em họ tôi còn nhỏ chưa hề tiêu đến tiền, mà khi thấy ai mừng tụi nó 50 nghìn tụi nó cũng có vẻ mặt không vui, cho là "quá ít". Càng ngày, người ta càng tăng lên số tiền, điều này khiến cho trẻ nhỏ vui mừng, nhưng cũng khiến người lớn "đau đầu không ít". Nếu nơi nào cũng được như quê chồng tôi thì hay biết mấy. Để cho Tết cổ truyền mãi là sự mong đợi của tất cả mọi người, chứ không thành "ác mộng" cho một số người...

Phạm Quyên

Ảnh sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Khuyết điểm khiến sao Hoa Ngữ muốn che giấu: Dương Mịch trán hói, Lưu Diệc Phi cười hở lợi!