Con mới đi học, nhiều bố mẹ 'ốm' theo chỉ vì không biết chứng bệnh dễ gặp này

Khánh An 2017-03-13 06:50
- Cứ đi lớp là trẻ bị ốm, các chuyên gia gọi đây là “bệnh nhà trẻ”. Phụ huynh phải biết cách để cả nhà không vất vả.

Con mới đi lớp, mẹ “ốm” theo

Con gái tròn 2 tuổi, chị Minh Hà (Q. Ba Đình, Hà Nội) cho con đi nhà trẻ để đi làm thuận lợi hơn. Ngày đầu tiên đi học, con tỏ ra rất vui. Tuy nhiên, niềm vui đó chỉ kéo dài được vài ngày. Một tuần sau, chị buộc phải cho con nghỉ ốm. Con ốm, ông bà ở dưới quê chưa kịp lên, chị Hà phải xin nghỉ làm ở nhà trông con.

Trong vòng một năm đầu tiên đi nhà trẻ, con chị Hà nghỉ ốm không biết bao nhiêu lần, chủ yếu ốm do là mấy bệnh ho, sổ mũi, sốt. Bé nghỉ ốm nhiều đến nỗi cô giáo đùa là “học sinh chuyên cần…nghỉ nhất lớp”. 

đi nhà trẻ

“Chẳng biết lý do vì sao mà con ốm nhiều đến thế? Tôi cho con đi khám, bác sĩ thường hỏi bé có đi lớp không? Khi biết bé đi lớp, bác sĩ có lần đã khuyên tôi nên cho bé nghỉ lớp để tránh bị lây “bệnh nhà trẻ”, chị Hà tâm sự. 

Trên mạng xã hội, rất dễ để bắt gặp những dòng trạng thái các mẹ công sở than thở con ốm khi mới bắt đầu đi lớp. Các bé ốm chủ yếu do mắc bệnh đường hô hấp. Mỗi khi con ốm, cả gia đình lao đao theo, bố mẹ bị ảnh hưởng đến công việc.

Chị Thu Phương (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhiều hôm chị phải viện ra đủ lý do để “trốn” công sở về sớm chăm con ốm.  “Chưa kịp vui mừng vì con đi nhà trẻ thì lại lo con ốm. Chơi chung đồ chơi, bé này lây cho bé kia, cứ đi lớp là ốm. Trong khi bố mẹ không thể nghỉ làm. Nhiều khi tôi bị stress mỗi khi cho con đi lớp”, chị Phương nói.

“Bệnh nhà trẻ” cần phòng tránh thế nào?

Các chuyên gia gọi hiện tượng các bé ốm mỗi khi đi lớp là “bệnh nhà trẻ”. Nhằm ám chỉ một số bệnh truyền nhiễm mà thường lây ở nhà trẻ, hay gặp hơn cả là bệnh cúm lây qua đường hô hấp.  

“Mấy chục trẻ cùng hít thở chung trong một môi trường. Sức đề kháng của trẻ em còn nhiều hạn chế. Trong khi virus cúm lây qua đường hô hấp, nó có nhiều chủng, loại, nhiều type và các biến thể khác nhau, không có sự miễn nhiễm đặc hiệu cho từng loại, không có thuốc đặc trị mà chỉ điều trị triệu chứng là chính, sử dụng kháng sinh, kháng viêm phòng bội nhiễm hay chỉ khi có biến chứng. Đây là lý do khiến trẻ dễ mắc bệnh cúm khi đi nhà trẻ”, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Hải phân tích.

Triệu chứng đầu tiên của “bệnh nhà trẻ” là chảy mũi nước trong, hắt xì, ho khan, đôi khi có sốt, bỏ ăn, lười vận động hoặc hay quấy khóc. Theo BS Hải, ở ngay giai đoạn này nếu không được điều trị đúng cách thì bệnh sẽ biến chứng thành viêm phế quản, viêm tai giữa. Lúc này, bé có biểu hiện ho có đờm vàng hoặc xanh, ho kèm nôn (vì không biết khạc đờm), ho nặng tiếng khò khè, nước mũi xanh, đặc quánh.

“Các nước phát triển coi “bệnh cúm” ở nhà trẻ là một việc hệ trọng. Mỗi khi có bé chảy mũi, ho, sốt... là báo động toàn trường, cách ly em bé ngay, trả về gia đình và thường xuyên liên lạc cho đến khi khỏi hẳn mới cho nhập trường trở lại. Hiện nay, nhiều phụ huynh chưa hiểu hết điều này. Thậm chí, có trường hợp, con không chịu uống thuốc, cha mẹ còn gửi thuốc cho cô giáo cho bé uống giúp", bác sĩ Hải so sánh.

Theo đó, con chưa khỏi hẳn bệnh đã phải đi lớp. Đi lớp chơi chung với bạn đang chớm bệnh hoặc đã mắc bệnh và cứ thế lại lây chéo hết đợt này sang đợt khác. Cứ thế tạo thành một cái vòng luẩn quẩn là bé bị bệnh nhà trẻ quanh năm cho đến khi hết tuổi nhà trẻ. Cho nên nếu trẻ bị ốm cần cho trẻ nghỉ và điều trị khỏi hẳn rồi mới đi học.

Bác sĩ Hải khuyên cáo: "Phụ huynh nhất thiết phải cho con đi khám mỗi khi con có biểu hiện ho, chảy mũi để được điều trị đúng cách, tránh bệnh nhẹ biến chứng thành bệnh nặng. Bên cạnh đó, vì một môi trường nhà trẻ an toàn, cha mẹ cũng cần sắp xếp công việc, người trông nom để tránh lây nhiễm chéo cho bé khác trong lớp”.

 Khánh An 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những sao Việt xuất thân con nhà giàu: Ông Cao Thắng, Hà Anh Tuấn là thiếu gia nổi tiếng