Những chuyện xót xa ở bệnh viện mà bác sĩ phải 'nịnh' bệnh nhân
Tin liên quan
Bệnh nhân cầm dao rượt đuổi bác sĩ
Không tấp nập người ra vào, cánh cửa của Bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội) - nơi điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối thường chỉ mở hờ. Khác với vẻ yên bình của khuôn viên bệnh viện, bên trong phòng bệnh là biết bao nhiêu câu chuyện chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
Bởi vì, phần lớn các bệnh nhân điều trị tại đây đều là những thành phần xã hội đặc biệt, dân anh chị, gái mại dâm, nghiện hút, cướp giật, đâm thuê chém mướn…
Theo Th.s, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện 09, đối tượng người bệnh điều trị tại bệnh viện đều khá nguy hiểm.
Các bệnh nhân này đến điều trị tại viện thường có hành vi không hợp tác và không tuân thủ điều trị. Đa phần bệnh nhân liên quan tới ma túy, mại dâm, vì vậy khiến cho họ có những thói quen không bình thường trong cuộc sống.
Không ít bệnh nhân HIV/AIDS ở giai đoạn cuối thường bị rối loạn tâm thần rất cao, chiếm khoảng từ 26-28%. Có những bệnh nhân bị ảo giác, hoang tưởng cầm dao rượt đuổi đòi chém bác sĩ làm cho bệnh viện náo loạn. Thậm chí, có lần bệnh nhân cầm cả xi lanh máu đi dọc hành lang bệnh viện hù dọa bác sĩ, điều dưỡng, y tá.
“Nguy cơ bị phơi nhiễm HIV/AIDS tại bệnh viện là rất khó nhưng bác sĩ dễ bị lây các bệnh cơ hội từ người bị HIV/AIDS. Ví dụ như nhân viên y tế ở đây dễ bị lây nhất là lao kháng thuốc, nấm y học và một số bệnh truyền nhiễm khác viêm gan B,C,E ”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
"Nịnh" bệnh nhân để họ hợp tác điều trị
Không chỉ gặp phải những mối nguy từ bệnh nhân, các bác sĩ và y tá làm việc tại bệnh viện còn chịu sự phân biệt đối xử ở chính cộng đồng xã hội và cộng đồng dân cư đang sinh sống.
“Bản thân tôi khi về cộng đồng dân cư sinh sống được hỏi làm việc tại đâu? Tôi nói làm việc tại Bệnh viện 09, chăm sóc cho người HIV/AIDS, nhiều hàng xóm nhìn bằng con mắt khác hẳn. Có người xót thương buông lời cay đắng làm ở đó nguy hiểm nhỉ… Bạn bè trêu đùa “cả đời này tôi chẳng nhờ được ông rồi”. Ngay cả bản thân đồng nghiệp làm trong ngành y vẫn còn một số người kỳ thị. Có một lần tôi đi hội thảo, khi đồng nghiệp ngồi cạnh biết bệnh viện đang làm cũng ngồi tránh xa”, bác sĩ Hưng nói.
Trò chuyện với bác sĩ Hưng, chúng tôi được biết, 80% nhân viên công tác tại bệnh viện đều là nhân viên tỉnh lẻ. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng.
Dù đã công tác được hơn 20 năm nhưng mức lương cộng đủ mọi khoản trợ cấp và thâm niên bác sĩ Hưng cũng chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng. Lương trung bình của nhân viên của bệnh viện chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng. Cũng vì vậy, sau giờ làm không ít nhân viên y tế phải chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập, có người về bán bánh giò, trứng vịt lộn…
“Do tính đặc thù công việc như thế, cho nên các bác sĩ làm việc tại bệnh viện khó có thể mở phòng mạch tư và rất ít phòng mạch tư thuê bác sĩ tại Bệnh viện 09 về làm. Trong khi đó, chúng tôi phải lo bao nhiêu khoản tiền trong đó có tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt. Để có thêm thu nhập, rất nhiều nhân viên y tế đã chạy xe ôm hợp đồng cho các công ty…”, bác sĩ Hưng chua chát nói.
Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện dọa đánh bác sĩ là chuyện không xa lạ. Thậm chí, để bệnh nhân hợp tác điều trị, bác sĩ phải nịnh bệnh nhân rất nhiều. Tính chất công việc gặp nhiều nguy hiểm và khả năng lây nhiễm bệnh cơ hội từ bệnh nhân cao nên rất ít bác sĩ muốn làm việc ở đây.
Theo lời bác sĩ Hưng, từng có rất nhiều trường hợp nhân viên chỉ thử việc được một ngày đã xin nghỉ. Và cũng có những y tá phải giấu công việc mình làm để được gia đình người yêu chấp nhận.
“Trước đây có trường hợp y tá tên Th. đã chuẩn bị lên xe hoa nhưng khi gia đình chồng biết làm việc tại Bệnh viện 09 đã cương quyết không cho con trai lấy. Cuối cùng Th. đã phải chia tay với người yêu vì làm việc tại bệnh viện chữa trị cho người nhiễm HIV/AIDS”.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất