Ngày 1/7 và những thay đổi mang tính lịch sử

2025-07-01 07:48
- Từ 1/7, 34 tỉnh, thành phố mới đi vào hoạt động; mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành; hàng loạt luật, nghị định mới chính thức có hiệu lực thi hành.


Cả nước có 34 tỉnh, thành và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã

Theo Nghị quyết số 202/2025 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, từ hôm nay (1/7), 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (28 tỉnh và 6 thành phố) chính thức đi vào hoạt động.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định từ 1/7 thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã); đơn vị hành chính cấp xã gồm có xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh.

Ngày 1/7 và những thay đổi mang tính lịch sử
Bản đồ hành chính trực tuyến cập nhật 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (Nguồn: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam).

Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, tính đến 1/7 cả nước có 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu.

Cơ cấu tổ chức của HĐND cấp xã gồm Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND cấp xã. HĐND cấp xã có Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội.

UBND cấp xã tổ chức 3 cơ quan chuyên môn, bao gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Văn hóa - Xã hội.

Mô hình mới của tòa án và viện kiểm sát

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND cùng có hiệu lực từ 1/7.

Trong đó, sắp xếp lại mô hình tổ chức TAND thành 3 cấp: TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và TAND khu vực - thay thế cho TAND cấp huyện hiện nay và bỏ TAND cấp cao.

Luật mới tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho TAND khu vực, bao gồm các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và các vụ việc khác đang do TAND cấp huyện giải quyết.

Bổ sung quy định về Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế, giao Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến áp dụng thông luật tại Tòa án chuyên biệt.

Ngày 1/7 và những thay đổi mang tính lịch sử
Trụ sở TAND Tối cao ở Hà Nội (Ảnh: Tuyến Phan).

Ngoài ra, số lượng thành viên Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao từ 23 đến 27 người (hiện là 13-17 người). Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao cũng được quy định theo hướng “mở rộng nguồn”.

Hệ thống VKSND được tổ chức lại từ 4 cấp (tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp gồm VKSND Tối cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND khu vực. VKSND cấp cao và cấp huyện kết thúc hoạt động từ 1/7.

Bỏ 8 tội danh có khung hình phạt tử hình

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh, gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Những người bị kết án tử hình về 8 tội này trước ngày 1/7 mà chưa thi hành án sẽ được xem xét chuyển thành án tù chung thân.

Đáng chú ý, đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có và khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, luật mới đã sửa đổi theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Luật cũng bổ sung tội Sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng chỉ xử lý những người đang trong quá trình cai nghiện hoặc vừa kết thúc quá trình cai nghiện ma túy mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, nhằm giảm tình trạng sử dụng ma túy và tăng hiệu quả quản lý.

Mở rộng đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) có hiệu lực từ 1/7 là một trong những luật có ảnh hưởng lớn đến chính sách thuế của người tiêu dùng trên cả nước. Từ nay, người nộp thuế sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế. Trong đó, số định danh cá nhân của công dân Việt Nam do Bộ Công an cấp là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số.

Luật đã bỏ một số loại hàng hóa không chịu thuế như phân bón, máy móc chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ chứng khoán; đồng thời mở rộng đối tượng chịu thuế, chuyển một số sản phẩm không chịu thuế sang chịu thuế 5% hoặc 10%.

Thuế suất 0% được mở rộng áp dụng cho vận tải quốc tế, công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài, hàng hóa bán tại khu vực cách ly cho người xuất cảnh, dịch vụ xuất khẩu như cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam, dịch vụ hàng không, hàng hải phục vụ vận tải quốc tế.

Ngày 1/7 và những thay đổi mang tính lịch sử
Người nộp thuế được sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế (Ảnh: Einvoice)

Đặc biệt, từ 1/7, khi mua hàng hóa, dịch vụ dưới 20 triệu đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, trừ một số trường hợp đặc thù. Trước đây, theo khoản 2 Điều 12 Luật Thuế GTGT 2008 quy định hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng thì không cần có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để khấu trừ thuế GTGT

Ngoài ra, theo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng, từ 1/7 đến hết 31/12/2026 thuế suất GTGT sẽ được giảm 2% đối với các hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% - tức là giảm xuống còn 8%.

Chính sách giảm thuế không áp dụng đối với một số lĩnh vực như viễn thông, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, khoáng sản (trừ than), hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Đặc biệt, phạm vi áp dụng chính sách giảm 2% thuế GTGT (từ 10% xuống 8%) được mở rộng thêm cho các lĩnh vực như vận tải, logistics, dịch vụ công nghệ thông tin là những ngành then chốt trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Khám chữa bệnh BHYT không phân biệt địa giới hành chính

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2024 có hiệu lực từ 1/7 mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng, gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; người từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quy định mới này nhằm mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách BHYT, đặc biệt là người già, người có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và những người trực tiếp bảo vệ an ninh, trật tự.

Ngày 1/7 và những thay đổi mang tính lịch sử
Mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh (Ảnh: Tùng Nguyên).

Đáng chú ý, luật mới quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.

Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.

Trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền cấp sổ đỏ

Nghị định số 151/2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai nêu rõ thẩm quyền của UBND cấp huyện theo Luật Đất đai được chuyển giao cho Chủ tịch UBND cấp xã, gồm: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) quy định tại điểm b khoản 1 Điều 136 và điểm d khoản 2 Điều 142 Luật Đất đai; xác định lại diện tích đất ở và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 6 Điều 141 Luật Đất đai.

Ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ban hành quyết định giá đất thuộc thẩm quyền của Chủ tịch cấp xã đối với trường hợp xác định giá đất cụ thể quy định tại khoản 4 Điều 155 Luật Đất đai.

Ngày 1/7 và những thay đổi mang tính lịch sử

Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 151 quy định các trường hợp cấp đổi sổ đỏ đã cấp, gồm: Người sử dụng đất có nhu cầu đổi sổ đỏ đã cấp trước ngày 1/8/2024 sang sổ đỏ mới; giấy chứng nhận đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng; sổ đỏ đã cấp chung cho nhiều thửa đất mà thực hiện cấp riêng cho từng thửa đất theo nhu cầu của người sử dụng đất; mục đích sử dụng đất ghi trên sổ đỏ đã cấp theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm cấp đã khác với mục đích sử dụng đất theo phân loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai và quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; có thay đổi kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu của thửa đất…

Ngoài ra, tại Nghị định số 153/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô nêu rõ định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tối đa 2 xe/xã.

Cơ cấu mới của ngành thi hành án dân sự

Từ ngày 1/7, Tổng cục Thi hành án dân sự được chuyển đổi thành Cục Quản lý thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) theo Quyết định số 1898/2025 của Bộ trưởng Tư pháp.

Cục Quản lý Thi hành án dân sự được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, thừa phát lại theo quy định pháp luật và phân cấp của bộ.

Tại Trung ương, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Thi hành án dân sự gồm: Ban Pháp chế và Nghiệp vụ thi hành án dân sự; Ban Nghiệp vụ thi hành án hành chính và Thừa phát lại; Ban Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Ban Chuyển đổi số và thống kê dữ liệu thi hành án; Ban Kế hoạch - Tài chính; Ban Tổ chức cán bộ; Văn phòng.

Tổ chức thuộc Cục Quản lý Thi hành án dân sự tại địa phương gồm 34 Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố, với 355 Phòng Thi hành án dân sự khu vực, các phòng và tương đương khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

 28 nghị định phân cấp, phân quyền, thẩm quyền chính quyền địa phương 2 cấp

Chính phủ đã ban hành 28 nghị định về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp có hiệu lực từ 1/7.

Bộ Nội vụ cho biết, quá trình xây dựng các nghị định được thực hiện bài bản, với việc rà soát 5.076 văn bản quy phạm pháp luật, từ đó xác định 2.718 nhiệm vụ, thẩm quyền cần phân cấp, phân quyền hoặc phân định rõ giữa các cấp quản lý.

Trong 28 nghị định đó có 11 nghị định phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; 14 nghị định về phân cấp, phân quyền; 3 nghị định quy định các nội dung gồm phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.

Bên cạnh đó, 4 nghị định khác cũng được xây dựng để đồng bộ hệ thống pháp luật khi triển khai chính quyền 2 cấp từ 1/7.

Theo Dân Trí

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Hãy mạnh mẽ lên, từ bỏ một người không xứng đáng với tình yêu của bạn