Mắc ung thư không phải là lãnh "án tử hình"

2015-11-20 06:35
- Chỉ vì xem căn bệnh ung thư “án tử”, không ít người bệnh trở nên suy sụp hoàn toàn kể từ khi biết mình mắc bệnh, nhưng theo các bác sĩ đây là quan điểm sai lầm.
Dạo quanh khuôn viên của bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM), chúng tôi không khó để bắt gặp những cặp mắt vô hồn và gương mặt hốc hác đến tiều tụy của những bệnh nhân ung thư. Đằng sau những mảnh đời không may mắn ấy là biết bao câu chuyện nghe ai oán, thương tâm. Họ khao khát được yêu, được sống, được đến trường như bao nhiêu người khác. Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã đã không cho họ cơ hội để thực hiện những việc đó. 
Với mong muốn giúp cho bệnh nhân ung thư thoát khỏi tâm lí sợ hãi, bế tắc và có thêm niềm tin trong cuộc sống, chúng tôi có buổi gặp gỡ và trò chuyện với BS CKII. Trần Thị Anh Tường (Phó khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Ung Bướu TP.HCM). Theo bác sĩ Tường, quá trình điều trị ung thư cũng giống như một cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết, mà người bệnh phải “trường kỳ kháng chiến” khi vẫn còn khả năng cứu chữa.

Theo bác sĩ Tường, ngoài việc có chế độ ăn uống hợp lí thì tinh thần bệnh nhân ung thư phải luôn được giữ vững. 

Để bệnh nhân có sức khỏe ổn định trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ Tường cho rằng cần có một chế độ ăn uống hợp lí cho bệnh nhân. Bởi bệnh nhân ung thư thường có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, hay buồn nôn. Điều này sẽ dẫn đến việc bệnh nhân bị sút cân, thậm chí suy dinh dưỡng chỉ sau một thời gian ngắn điều trị bệnh. Thực tế này góp phần ảnh hưởng đến khả năng và kết quả điều trị của bệnh nhân.
Theo bác sĩ Tường, mỗi bệnh nhân có một chế độ ăn uống khác nhau. Nhưng về cơ bản, chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư cần đảm bảo những nguyên tắc cơ bản sau: người bệnh ung thư phải ăn từ 6-12 lần/ngày; chọn thức ăn, thức uống giàu năng lượng, giàu chất đạm; tranh thủ ăn mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đang chờ khám bệnh, đang vô hóa chất, vừa thức giấc hay khi chuẩn bị đi ngủ...”.
Đặc biệt, người bệnh không nên kiêng cữ bất kì loại thức ăn nào nếu không có sự chỉ định, yêu cầu đặc biệt của bác sĩ. Người bệnh cần uống đủ nước, tối thiểu là 1,5 lít nước/ngày. Nên chọn các loại nước trái cây (tự làm hoặc đóng hộp) và các loại nước bổ sung điện giải để bổ sung thêm năng lượng, vitamin, yếu tố vi lượng và khoáng chất. Cùng với chế độ ăn uống như trên, người bệnh cũng cần tập thể dục mức độ nhẹ đến vừa. Tùy theo sức khỏe hiện có, vận động sau mỗi bữa ăn để giúp bệnh nhân ngon miệng hơn, việc tiêu hóa được tốt hơn.
Mắc ung thư không phải là lãnh 'án tử hình'

Đừng để bệnh ung thư lấy đi nụ cười của người bệnh.

Đừng quá lo lắng

Trước thực trạng nhiều bệnh luôn coi ung thư như một cái “án tử” và hoang mang, sợ hãi, bác sĩ Tường cho hay, tất cả bệnh ung thư hiện nay đều có phương pháp điều trị. Ngay cả ở giai đoạn cuối, người bệnh cũng có thể được điều trị, chăm sóc nhằm giảm đi những cơn đau, giúp cho những ngày cuối đời của bệnh nhân được thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Do đó, các bệnh nhân ung thư không nên quá lo âu, sợ hãi mà từ chối điều trị ngay từ ban đầu. Bởi nếu không được điều trị đúng và kịp thời thì bệnh sẽ trở nên nặng hơn và nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, người bệnh cần thiết phải giữ vững tinh thần, kiên nhẫn, cố gắng thì mới có thể đeo đuổi, điều trị lâu dài được.
Để tinh thần luôn được thoải mái, lạc quan trong quá trình điều trị ung thư, trước hết bệnh nhân phải có đầy đủ thông tin về bệnh. Cụ thể là người bệnh cần phải biết mình bị bệnh gì, giai đoạn gì, điều trị bằng phương pháp gì và tiên lượng ra sao. Bệnh nhân ung thư cần tìm gặp trực tiếp bác sĩ điều trị để hỏi những thông tin này, chứ không nên suy diễn hay hỏi người xung quanh dẫn đến tâm lí hoang mang, sợ hãi.
Song song với công tác chữa trị của bác sĩ thì những người thân của bệnh nhân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc củng cố tư tưởng cho người bệnh. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Tường cho rằng, người thân, bạn bè luôn là chỗ dựa vững chắc nhất về mặt tinh thần của bệnh nhân ung thư. Do đó, dù có hoang mang, lo sợ bao nhiêu đi nữa thì người nhà cũng phải cố gắng và luôn tỏ ra mạnh mẽ nhằm an ủi cho bệnh nhân. Để từ đó, bệnh nhân ung thư có thêm niềm tin, nghị lực trong cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo. 
Được biết, hầu hết các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu đều có người nhà đồng hành. Bên cạnh đó, cũng có những bệnh nhân không có người thân mà phải một mình chạy đua với bệnh tật. Do đó, các y, bác sĩ ở đây không ngừng quan tâm, thăm hỏi và động viên tinh thần để người bệnh không có cảm giác cô độc.
Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Tường chia sẻ thêm: “Để tránh tình trạng tiền mất, tật mang, người bệnh không nên nghe theo những lời dụ dỗ, điều trị bằng những phương pháp không chính thống, không đúng khoa học. Bởi điều đó không những không mang lại kết quả cho tiến triển của bệnh mà còn khiến cho gia đình bệnh nhân tốn kém nhiều hơn”.
Bài tiếp theo: Bác sĩ tư vấn cách ăn uống để không mắc ung thư.
Đọc thêm loạt bài về căn bệnh ung thư
 
Phạm Thị 
(Theo Congluan)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Giấu nhẹm khuyết điểm đôi chân thô kệch với 3 kiểu quần dài đơn giản này