Tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhiều bà bầu cận kề ngày sinh hết sức lo lắng khi nước sạch vẫn chưa được cấp trở lại. Chị N (Hà Nội) - bà bầu chỉ còn cách ngày dự sinh 4-5 ngày tỏ vẻ rất lo lắng. Theo lời chị N, chị dự định sinh mổ nhưng hiện tại vẫn phải chờ đợi, bởi không có đủ nguồn nước sạch. Không chỉ có chị N mà đó là tâm trạng chung của rất nhiều gia đình có sản phụ đang chờ đẻ tại bệnh viện này.
Không chỉ ảnh hưởng đến các ca mổ do thiếu nước mà các sinh hoạt ở bệnh viện cũng bị đảo lộn. Nguyên nhân là do người nhà bệnh nhân phải chấp nhận mua những bình nước đóng chai loại to. "Việc mua nước này là cực chẳng đã chứ vừa tốn kém, lỉnh kỉnh, đi bệnh viện đã trăm thứ mang theo lại còn phải lo thêm nước, quá vất vả", một người nhà nạn nhân chia sẻ.
Còn vợ anh Đức (Hà Nam) đã đưa vợ lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để mổ đẻ từ cách đây 2 ngày. Tuy nhiên, đến nay ca mổ chưa thể diễn ra do chưa đủ nguồn nước sạch. Theo lời anh Đức, thời gian dự sinh của vợ anh còn 3-4 ngày, nếu tình cảnh này kéo thêm 1-2 ngày không biết sẽ ra sao.
"Nghe tin bệnh viện không có nước, người nhà đều lo lắng. Như tôi phải mua thêm nước bên ngoài để vợ rửa ráy, còn bản thân phải chạy sang nhà họ hàng cách đây 10km để tắm. Sau khi tắm lại lỉnh kỉnh chở thêm hộp nước nhỏ đưa lên bệnh viện", anh Đức nói.
Lãnh đạo Sở Y tế lên tiếng
“Chúng tôi đề xuất Tổng công ty nước sạch Vinaconex sớm khắc phục sự cố, sửa chữa đường ống nước, cấp nước trở lại cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội”, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiến nghị.
Ngày 29/9 - 4 ngày sau sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 15, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Đê La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội) mất nước. Đến thời điểm này, bệnh viện đã hết nước dự trữ.
Trao đổi với phóng viên, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã nghe báo cáo từ lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về sự cố mất nước trong những ngày vừa qua. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mất nước từ thứ 6 (25/9) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cấp cứu, khám chữa và điều trị.
“Để đảm bảo tính mạng người bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện dừng các ca mổ chủ động. Nếu có sản phụ nào chờ được, bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên”, bà Liên cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hàng chục ca mổ cấp cứu có nguy cơ nhiễm trùng cao vì thiếu nước kiểm soát nhiễm khuẩn. Thậm chí, mất nước có thể ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ và người bệnh.
Bà Liên cũng cho biết, bệnh viện đã mua 2 xe téc nước sạch để sử dụng tạm thời. Tuy nhiên, lượng nước này cũng chỉ đủ dùng đến sáng 30/9. Do đó, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp tục mua nước phục vụ công tác khám chữa cho người bệnh. Nguồn kinh phí lấy từ bệnh viện.
“Nếu bệnh viện hết kinh phí mua nước Sở Y tế sẽ hỗ trợ tối đa”, bà Liên nói. Theo bà Liên, hiện tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có hơn 597 giường thực kê và hơn 1.024 cán bộ, công nhân viên. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình hơn 300 bệnh nhân sinh đẻ, khám và điều trị tại viện. Do đó, nguồn nước sử dụng cho khám và chữa bệnh vô cùng quan trọng. Nếu nước không được cấp trở lại trong thời gian sớm nhất sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khám chữa bệnh và sinh hoạt của bệnh viện và bệnh nhân.
“Tôi đề xuất Tổng công ty nước sạch Vinaconex sớm khắc phục sự cố, sửa chữa đường ống nước, cấp nước trở lại cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội”, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiến nghị.
Trước đó, TS.BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện công tác cấp cứu, khám chữa và điều trị của bệnh viện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nước sạch.
“Nếu tiếp tục tình trạng thiếu nước sạch, bệnh viện có thể phải tạm dừng tiếp nhận các ca sinh đẻ, chuyển viện cho bệnh nhân”, bác sĩ Ánh nói.
Quang Minh
(Theo Congluan)
Sài Gòn đi đâu mùa Giáng Sinh?