Tuấn "Gà" nhìn chuyện đạo nhạc và ví von với ...thịt gà

Nguyễn Tuấn 2014-11-30 20:24
- " Âm nhạc nếu có thể ví von như một miếng thịt gà chẳng hạn, cái thứ gà công nghiệp sẽ rất nhanh tăng trọng, nó có thể mang chất lượng thịt không ngon, không thật. Nhưng với những cái đầu nặng tính công nghiệp, lại có nhiều cách làm để tạo ra sản phẩm bằng hương liệu, gia giảm bề ngoài..."

Tôi lấy ví dụ, khi nghe cùng lúc 2 tác phẩm "Nhìn những mùa thu đi" của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và "Tuổi xa người" của Nhạc sĩ Từ Công Phụng... Ngay phân đoạn A trong tác phẩm của cả hai, nó vang lên giai điệu gần như trùng nhau, sự trùng lặp đến mức khó chịu cho một người sành nhạc và khắt khe về nhạc thức. Những ca khúc Việt từ xưa đến nay còn nhiều lắm những ca khúc có vẻ như cùng một mẹ đẻ ra vậy. Nhưng khi xưa, có thể do các nhạc sĩ Việt Nam tự cảm nhạc của nhau bằng sự trân trọng quý mến, nên có đôi chút ảnh hưởng lẫn nhau, cũng bởi người xưa họ mang một phong thái ứng xử khá nền nã, như những người lớn nói chuyện với nhau, và truyền thông khi đó, họ rất trách nhiệm và cũng rất con người.

Nhưng đúng hơn khi ta bàn về sự ảnh hưởng trong tư tưởng của các nhạc sĩ nước ta, ta có thể truy cái nguyên căn từ một nền văn hóa nước Pháp, bởi khi đó, nền âm nhạc nước ta ảnh hưởng khá sâu sắc từ nền âm nhạc nước này khi họ cai trị Việt Nam... Không chỉ âm nhạc, mà ngay cả văn học, hội họa... Như một thứ luật bất thành văn, cái hay, cái đẹp - phải có xu hướng thẩm mỹ học của "Mẫu quốc", tức là phải quy về văn hóa Pháp. Đó là thời của những Văn Cao, Tô Vũ, Nguyễn Văn Đông, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn…

Vậy phải chăng nền âm nhạc nước Pháp là đỉnh cao của nhân loại?

Tôi khẳng định là: Không!

Ngay tại xứ sở đó, nền âm nhạc mà các nhạc sĩ Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng, (trong đó có tôi trong giai đoạn đầu tìm tòi sáng tác ca khúc), thật ra, tôi nhận thấy nó còn nghèo nàn hơn cả nền âm nhạc nước mình... Bởi khi nghe một giai điệu nào đó có nguồn gốc nước Pháp cất lên, mặc dù chưa nghe giai điệu đó, nhưng nhiều người vì nhạy cảm mà biết ngay rằng nó là của người Pháp tạo ra.

Nhạc Pháp cũng vậy, cũng đầy rẫy những cặp ca khúc trùng nhau tưởng như cùng một tác giả tạo ra. Tôi có liên tưởng về sự định hướng của Chính phủ Pháp thời kỳ ấy, đã áp đặt luật chơi âm nhạc với các nhạc sĩ nước họ, đặt tất thảy vào một thành phố xa hoa đẹp đẽ, có nhiều chất xúc tác để hình thành những sản phẩm có mùi xà bông thơm ngát, nhưng lại mong manh như chính cái bọt xà bông vậy. Một thành phố tráng lệ là thế, nhưng quá ít cửa ô để cho mọi người có thể đi xa hơn. 

Điều đó đã đem lại giá trị nhạc Pháp đặc trưng cho những tai nghe khắp thế giới.

Thế nhưng người nghệ sĩ của nước Pháp, họ thực sự muốn điều gì khi đã tạo ra những sản phẩm mà không cần phải phát huy hết cái tôi, tính độc lập trong tư tưởng, khi bầu khí quyển triết học luôn chỉ nằm lại trong cái khoảng trời hạn hẹp ấy? Tôi mạn đàm rằng, điều họ cần - đó là lẽ tự do trong tâm hồn, một thứ chính đáng của con người nói chung.

Nhạc Pháp, dẫu sao nó cũng có cái "chất", cái lõi của tổng thể được kết lại mà tạo thành một thứ gọi là “Tha lực”, nó có sự mạnh mẽ cần thiết để hấp dẫn người Việt chúng ta vào những khoảng thời gian của đầu thế kỷ trước. Điều tôi tâm đắc hơn cả, đó là cái sức mạnh mềm ấy đã gần như tẩy uế nhiều thế hệ mang não trạng của văn hóa Khổng Tử xứ Trung Hoa khi ta bị một nghìn năm đô hộ... Chỉ khoảng một trăm năm thôi, người Pháp đã đem lại hình thái, sức sống mới cho nền Nghệ thuật nước Việt. Thật tài tình!

... Sơn Tùng M-TP, cái tên này trong thời gian chỉ mới đây thôi, đã gây cảm hứng cho đa số khán giả trẻ bằng giọng hát, theo tôi là rất tốt, bằng ngoại hình tươi tắn và có độ sáng sân khấu, đã liên tiếp gặt hái những thành công trên một số chương trình có quy mô lớn cho dù tuổi đời còn khá trẻ... Xoay xung quanh Sơn Tùng là những ý kiến trái chiều về việc cậu đạo nhạc, những khẳng định chắc nịch của giới showbiz Việt rằng cậu đạo nhạc như dội bom vào cậu bé, những người đứng lên bênh vực, rồi đến gần đây nhất là khẳng định từ bên phía Hàn Quốc rằng ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng không phải là đạo nhạc. Tôi đã từng ngạc nhiên, thích thú về hiện tượng này và đã thầm mong cho cậu ta luôn giữ được phong độ ổn định để tiến xa hơn nữa, vì đẳng cấp, còn là một câu chuyện dài với những người trẻ thiếu vốn sống như Tùng.

Tùng đã tiếp cận khán giả trẻ bằng những sản phẩm có phong cách âm nhạc của xứ sở Hàn Quốc, vì không nghe nhiều nên tôi không lạm bàn đến. Tôi bị ám thị và dị ứng với những định dạng của họ khi đất nước họ coi âm nhạc là một thứ công nghiệp, nên không lĩnh hội được.

Âm nhạc nếu có thể ví von như một miếng thịt gà chẳng hạn, cái thứ gà công nghiệp sẽ rất nhanh tăng trọng, nó có thể mang chất lượng thịt không ngon, không thật. Nhưng với những cái đầu nặng tính công nghiệp, lại có nhiều cách làm để tạo ra sản phẩm bằng cách bồi đắp những hương liệu, gia giảm bề ngoài để lừa mị khách hàng dễ dãi, nhưng khi họ cho vào mồm mút vài cái là hết sạch... Còn thịt con gà khi đã nói không với tăng trọng, lúc ta thưởng thức, sẽ có mùi vị của chính nó, cộng thêm yếu tố văn hóa, và sự giao cảm.

Một người ca sĩ sẽ là một nghệ sĩ thực thụ nếu như trong họ có tính liêm sỉ, cách đối xử có văn hóa, bằng không, cũng chỉ là hạng con hát.

Một người nhạc sĩ sẽ là một nghệ sĩ thực thụ, ngay cả khi họ có thể đi vay mượn một chút ít giai điệu của ai đó, nhưng hãy nhớ, mình phải trả lãi thật cao bằng cách - phải làm tốt hơn cái nguyên bản, như vậy là sòng phẳng với cuộc đời, quan trọng hơn - sòng phẳng với chính mình.

 

 

Nguyễn Tuấn (Nhạc sĩ Tuấn "Gà")

(Theo Congluan.vn)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 cung hoàng đạo nữ sau chia tay lại càng đào hoa