Dựng vở “Hamlet” của Shakespeare: Chuyện không đơn giản

Lê Đức 2015-04-02 13:43
- Dựng một vở kịch kinh điển như “Hamlet” chưa bao giờ là chuyện đơn giản ngay cả với Nhà hát kịch Việt Nam, nơi vẫn được ví là “anh cả đỏ” của nền sân khấu kịch nói đương đại.
Việc phục dựng lại các vở kịch kinh điển của thế giới ví như “Hamlet” đáng nhẽ ra phải được Nhà hát kịch Việt Nam làm định kỳ. Nhưng nhiều năm nay công việc này lại bị lãng quên, bỏ bẵng xuất phát từ nguyên nhân thiếu kinh phí, nhân lực và điều kiện thời gian. Công chúng yêu sân khấu luôn trong tình trạng “đói” vì đã quá lâu không được xem một vở kịch kinh điển trên sân khấu nước nhà. Thế nên thông tin Nhà hát kịch Việt Nam sắp công diễn vở kịch cổ điển Hamlet của đại thi hào Shakespeare được nhiều người hưởng ứng và đón đợi. Đây cũng là vở diễn đầu tiên trong kế hoạch dàn dựng các kiệt tác sân khấu thế giới của Nhà hát kịch Việt Nam.
 
Thiên tài nghệ thuật 
Shakespeare.
“Anh cả đỏ” lựa chọn một cách giải mã mới
Vở kịch “Hamlet” sẽ được phục dựng với nội dung nguyên thủy nhất, nhưng vẫn sẽ được Việt hóa để phù hợp hơn với công chúng trong nước: Hoàng tử Hamlet xứ Đan Mạch trở về nước chịu tang Vua cha. Chàng đã vô tình phát hiện ra một âm mưu tày trời. Người chú ruột giết vua - cha của chàng, chiếm ngai vàng và chiếm luôn Hoàng hậu - mẹ của chàng, làm vợ. Lòng tràn đầy căm phẫn, ghê tởm và chán ghét cuộc đời, chàng quyết định đi tìm bằng được sự thật và tìm cách báo thù cho cha. 
Suốt mấy trăm năm, vượt qua thử thách của thời gian và không gian, đến nay vở bi – hài kịch “Hamlet” vẫn không hề mất đi giá trị thời đại của nó. Đã có rất nhiều cách giải mã khác nhau về “Hamlet”, nhưng lần này, Nhà hát kịch Việt Nam đã tạo ra một lối đi riêng khi quyết định lựa chọn một cách giải quyết mới: Đối diện và quyết liệt tiêu diệt đến tận cùng tội ác, dù đôi khi phải trả một giá rất đắt.

“Hamlet” đã được chuyển thể thành nhiều bộ phim trên thế giới.
Chọn một cách giải mã mới vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Nhà hát kịch Việt Nam. Muốn giải mã thành công và được công chúng chấp nhận rộng rãi thì từ đạo diễn đến diễn viên phải hiểu thấu tận gốc rễ ngôn ngữ của kịch. PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, một người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu sân khấu trong cuốn sách “Mặt người, mặt hoa” đưa ra ví dụ: “Trong vở kịch nổi tiếng của nhà soạn kịch Shakespeare, Hamlet đã thốt lên với người bạn thân: 'Lời suông! Lời suông! Lời suông! Trên văn bản, nếu đọc không 'vỡ' chữ thì nhiều đạo diễn sẽ cắt luôn 2 từ sau đi, vì chỉ thấy mỗi từ “Lời suông” thôi. Thế thì thật nguy hiểm và đạo diễn đó là đạo diễn non kém. Tại sao lại có 3 chữ 'Lời suông'? Bởi vì đó là một quá trình Hamlet đi tìm lý do giết vua cha ở trong sách vở, nhưng anh ta chẳng tìm thấy gì cả. Cuối cùng anh ta mới vỡ lẽ ra rằng: Sách vở ơi, mày thật là khốn kiếp, mày chỉ toàn viết 'lời suông, lời suông, lời suông'. Và đạo diễn phải làm như thế nào cho diễn viên phát âm trên sân khấu khác nhau những chữ giống nhau.” Thế mới biết chuyện giải mã một vở kịch kinh điển không hề đơn giản chút nào. Và nếu không cẩn trọng thì có thể còn dựng sai thông điệp muốn truyền tải của Shakespeare.
Ekip chuyên nghiệp bậc nhất làng kịch vào cuộc
Để dựng vở “Hamlet” thành công, Nhà hát kịch Việt Nam đã huy động toàn bộ lực lượng của nhà hát, thậm chí còn mời nhiều cố vấn chuyên môn phục vụ cho một số mảng nội dung cần thiết. Người chịu trách nhiệm chính của vở kịch là NSƯT Phạm Anh Tú, người được đánh giá là một trong những đạo diễn luôn biết đột phá, tìm tòi sự sáng tạo và không bao giờ chịu là bản sao chép của ai. NSND Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà hát sẽ giữ vai trò họa sĩ sân khấu trong lần phục dựng này. Đây là công việc quan trọng hàng đầu vì sân khấu trong kịch của Shakespeare được coi là phương tiện chuyển tải ý niệm, tư tưởng của vị đại văn hào. Sự xuất hiện của họa sĩ Doãn Châu sẽ giải quyết ổn thỏa các vấn đề về không gian trong vở diễn sao cho vừa biến ảo, vừa đơn giản.

Đạo diễn Phạm Anh Tú là người chịu trách nhiệm chính của vở kịch.
Phục trang cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi phục dựng các vở kịch kinh điển. Các thiết kế trang phục cần phù hợp, đúng chất hoàng gia Châu âu nhiều thế kỉ trước. Nhiệm vụ khó khăn này được giao cho NSƯT Đoàn Thị Tình – một người nghệ sĩ luôn cẩn trọng trong nghệ thuật. Nhạc sĩ Giáng Son sẽ giữ vai trò phổ nhạc giao hưởng cho các đoạn thơ không thể đẹp hơn trong “Hamlet”. Ngoài ra nữ nhạc sĩ cũng có chủ ý sẽ phối mang âm hưởng dân gian đương đại Việt Nam nhằm Việt hóa, phù hợp hơn với thói quen nghe nhạc của người Việt Nam.
“Hamlet” là một vở diễn khó do vậy không thể thiếu các thành viên cố vấn. PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái được mời làm cố vấn văn học kịch nhằm giúp diễn viên hiểu được tầng lớp ngữ nghĩa trong ngôn ngữ kịch của Shakespeare. Cùng giúp nữ phó giáo sư còn có giảng viên sân khấu Trịnh Thị Thúy. Đặc biệt sự xuất hiện của Võ sư Lê Ngọc Quang trong vai trò biên đạo võ thuật biểu diễn hứa hẹn vở diễn lần này sẽ làm khán giả thỏa mãn về phần võ thuật của đội ngũ diễn viên.

“Hamlet” được dựng bởi ekip chuyên nghiệp bậc nhất.
Về phía ekip diễn viên, đạo diễn Phạm Anh Tú vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Trong quá trình thử vai sẽ luôn có hai sự lựa chọn, nhân vật chính Hamlet sẽ là Tuấn Minh hoặc Xuân Bắc, Ophelia sẽ là Ngô Thuận hoặc Quỳnh Hoa, Claudius sẽ do NSƯT Trung Anh hoặc NSƯT Quốc Anh thể hiện. Tất cả dàn diễn viên kể trên đều là những người lâu năm trong nghề, có năng khiếu và khả năng diễn kịch cổ điển do vậy khán giả hoàn toàn có thể yên tâm vào lựa chọn của NSƯT Phạm Anh Tú. 

Lê Đức
(Theo Congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

9 dấu hiệu tố cáo đàn ông ngoại tình