Sụt sùi với “Nửa đời hương phấn”

Lê Phan 2015-02-11 16:54
- Nước mắt chưa bao giờ trở thành tiêu chí đánh giá sự thành công của một vở diễn. Tuy nhiên, với “Nửa đời hương phấn”, vở kịch được “biến tấu” từ tuồng cải lương nổi tiếng một thời của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, là một ngoại lệ.

Từng lớp kịch khép lại là từng giọt nước mắt tuôn rơi. Khóc vì thương cho số phận nghiệt ngã của cô Hương (cô The), lỡ dại và tin người mà trao thân cho một gã sở khanh, đốn mạt. Rồi sa chân vào cái nghề bán phấn buôn hương, cố vẫy vùng để thoát, mỗi lần ngoi lên là mỗi lần bị nhấn chìm. Khóc vì sự trớ trêu của nghịch cảnh. Vì xúc động trước tình thương bao la của bà giáo dành cho đứa con gái trót vướng đời gió mưa. “Cuộc đời có đẩy con xuống bùn, má cũng sẽ rửa sạch hết cho con…” Vì những lễ tục, danh dự gia đình dồn đẩy, không cho cá nhân được một lần lên tiếng giải bày, đành cắn răng chịu đựng dày vò, xa lánh, đuổi xua và rẻ khinh của những người thân yêu. Nhưng cũng chính những “lễ giáo gia phong” đó giữ cho con người ta một cái lề, bám vào đó để đi, để biết mình lầm đường lạc lối, đặng tìm cách quay về. Trong khi hiện tại, có những cô gái lấy đó làm tự hào, khoác lên mình những mỹ từ, áo quần lộng lẫy, hằng ngày nói nói cười cười không biết ngượng miệng trên mặt báo.

Kịch cũng có những lớp cười. Thú vị nhất là cảnh tụng kinh niệm Phật của người đàn bà cho vay nặng lại, trú cùng nhà với gã sở khanh và tay tài xế nghiện ngập. Cười nhưng không pha trò mà gieo chua chát và ái ngại trước sự trơ trẽn của gã tài xế bán mình cho thuốc phiện và những sai khiến quỷ dữ, mặn đắng trước mặc cảm cô đơn thầm kín của hai thân phận đanh đá đó, dữ dằn đó mà hết sức đáng thương đó.

Ai từng mộ điệu vở cải lương lừng danh, có lẽ không tránh khỏi sự so sánh. “Nửa đời hương phấn” của Hoàng Thái Thanh, về cơ bản vẫn bám sát cốt truyện với từng ấy nhân vật. Tuy nhiên, để khắc họa tính cách nhân vật đặc trưng theo thể loại, Hoàng Thái Thanh đã khéo léo thêm thắt tình tiết, giảm chỗ này một chút, thêm chỗ kia một tẹo nhằm làm nổi và tô đậm bi kịch của cuộc đời Hương. Phải nói rằng, tác giả quá yêu, quá thương và quá đồng cảm với Hương mà có kịch bản và dàn dựng chắc tay, chỉn chu đến vậy. Chỉnh chu đến độ hoàn hảo. Tính toán, cân nhắc từng câu thoại, từng giai điệu, từng bối cảnh, phục trang đến cả cách giới thiệu nghệ sĩ, tấm poster tái hiện không gian của thập niên 50, 60 thế kỷ trước – sự nghiêm túc đã trở thành thương hiệu của Hoàng Thái Thanh.

Trái tim người xem chùng xuống, lòng thắt lại mỗi khi tiếng hát vút cao của danh ca Thái Thanh cất lên, khi trầm lắng như xoa dịu của danh ca Tuấn Ngọc thay tâm trạng của Hương và Tùng:

“… Đừng nhìn nhau nữa anh ơi/ Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi/ Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi/ Nước mắt đã buông rơi, theo tiếng hát qua đời…”

Phải nói rằng, Kiếp nào có yêu nhau (Phạm Duy), Tiếng xưa (Dương Thiệu Tước) và Hai mươi, bốn mươi (Y Vân) đã nâng bước cho “Nửa đời hương phấn” của Hoàng Thái Thanh thăng hoa rực rỡ.

Hương (The) và Tùng qua diễn xuất của Hồng Ánh và Quang Thảo.

Tùng dẫn Hương về nhà ra mắt anh hai Cang (Đoàn Thành Tài). Cuộc đời Hương bước vào bi kịch mới.


Bà giáo (nghệ sĩ Ái Như) gội đầu bồ kết cho con khi gặp lại The và nghe bao chìm nổi cuộc đời đứa con gái bà dứt ruột đẻ đau.

Thành công lớn nhất của “Nửa đời hương phấn” chính là diễn xuất đồng đều và cực kỳ hợp vai của các diễn viên. Hồng Ánh vốn quen thuộc với những thân phận bấp bênh, số khổ trên màn ảnh và cả trên sân khấu được chọn mặt gởi vàng đã không làm người xem thất vọng. Từ cô gái mù tên Lượm trong “Sông dài”, Út Lý của “Nửa đời ngơ ngác” cho đến Hương trong “Nửa đời hương phấn”, cái lối diễn như không, bình dân rút ruột ra cháy hết mình, sống trọn vẹn cho từng nhân vật, Hồng Ánh hút mọi ánh nhìn theo từng cử chỉ, động tác của chị, làm say lòng người. Đó còn là Ái Như khiến người xem rưng rưng nước mắt với vai bà giáo, là Thành Hội khiến người xem “nổi đóa” trước vẻ đểu giả, là Quang Thảo (vai Tùng) si tình, nể sợ anh một phép, là Lương Duyên vai bà chủ nợ đanh đá, là những gương mặt trẻ Hoàng Vân Anh (vai Dịu), Đoàn Thành Tài (vai Cang)… tạo nên một chỉnh thể lay động lòng người.

Cái kết và sự dẫn dắt của “Nửa đời hương phấn”, phần nào khiến người ta liên tưởng đến cuộc đời cô Kiều, cô Vân. Nghe đứt từng đoạn ruột. Nếu kỳ vọng thấy một “Nửa đời hương phấn” phiên bản cải lương trên sân khấu kịch, hẳn người xem sẽ ít nhiều hẫng hụt. Nhưng, thoát ra khỏi hạn định so sánh, vở thực sự là dấu ấn, đậm chất Hoàng Thái Thanh. Và cũng là điểm nhấn cho những ai thèm xem một vở bi kịch, có dẫn dắt, nhấn nhá, cao trào thật sự trong thời điểm kịch kinh dị và kịch ma chiếm ưu thế, với không ít kịch bản nhợt nhạt.

 

Lê Phan
(Theo Congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bất ngờ những ngôi sao hạng A Hàn Quốc sở hữu công ty giải trí riêng