5 cuốn sách không nên bỏ qua của nghệ sĩ Việt
Tin liên quan
“Lê Vân Yêu và Sống” – diễn viên Lê Vân
“Lê Vân Yêu và Sống” là tự truyện của nữ nghệ sĩ múa, diễn viên điện ảnh Lê Vân, do nhà thơ Bùi Mai Hạnh chấp bút. Ra mắt tháng 10 năm 2006, cuốn sách ngay lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ những người trong cuộc, tạo nên một “đợt sóng” tranh luận, phê bình, khen chê trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung chủ yếu của cuốn tự truyện là cuộc sống thời niên thiếu khốn khó của Lê Vân và gia đình cũng như những xung đột tình cảm giữa hai NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai (cha mẹ đẻ của Lê Vân). Bên cạnh đó nữ nghệ sĩ cũng dành nhiều trang viết để kể lại ba mối tình lớn nhất của cuộc đời mình, lúc đầu là một người Việt, sau là một người Việt kiều và cuối cùng là một người mang quốc tịch Hà Lan có tên Abraham.
Cuốn tự truyện của Lê Vân gây nhiều tranh cãi.
Tuy được nhiều người khen ngợi là sống trung thực, dám kể về bản thân mình nhưng Lê Vân cũng bị nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp, thậm chí người thân lên án khi viết về cha mình NSND Trần Tiến như một kẻ vô dụng, người đắm chìm trong những cuộc tình triền miên và cả những lần ông bắt vợ mình là NSƯT Lê Mai phá thai. Trả lời trước bão dư luận, NSND Trần Tiến không giấu được sự đau đớn trong câu nói “con dại cái mang”, còn NSƯT Lê Mai thì mong mỏi lời sám hối của Lê Vân được tha thứ. Trong khi đó, NSƯT Thanh Tú, người bạn thân của gia đình NSND Trần Tiến suốt nhiều năm cho rằng: “Nếu bảo không kể ra thì người ta không biết mình cô đơn, khổ sở, không biết mình phải chịu cay đắng, vậy chứ cay đắng là do ai? Có phải do mình sống cực đoan, không thèm giao lưu với người thân không?”. “Lê Vân Yêu và Sống” đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất vào thời điểm đó đến mức NXB Hội Nhà Văn Việt Nam phải đau đầu tìm cách ngăn chặn khi cuốn sách liên tục bị in lậu.
“Vang vọng một thời” – nhạc sĩ Phạm Duy
Bản thảo của “Vang vọng một thời” được Phạm Duy hoàn thành không lâu trước khi ông qua đời. Nội dung của cuốn sách là hành trình âm nhạc không mệt mỏi của người nhạc sĩ tài hoa từ những bước chân đầu tiên đến khi sống ở nơi đến khách quê người và cuối cùng là những tháng ngày quay trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Phạm Duy đã chọn ra bài hát ông yêu thích trong gia tài âm nhạc đồ sộ của mình để giới thiệu đến độc giả. Ở mỗi ca khúc, tác giả của “Nghìn trùng xa cách” lại viết một bài tản văn tâm sự về nguồn cảm hứng cũng như duyên cơ dẫn dắt đến với sáng tác hoặc là cách thức phổ nhạc cho những bài thơ nổi tiếng.
“Vang vọng một thời” ra mắt vào năm 2014.
Cuốn sách được xem là một kho tư liệu về âm nhạc của Phạm Duy, từ những bản tình ca về quê hương cho đến những bài hát mang tính triết lý về thân phận con người trong cái sự rộng lớn, bao la của vũ trụ và đất trời. Độc giả có cơ hội được hiểu thêm về Nguyễn Duy – một người miệt mài lao động, đam mê nghệ thuật và hơn cả là nặng lòng với dân tộc thông qua những bài viết mang đậm chất suy tưởng của tác giả. “Vang vọng một thời” còn là minh chứng cho việc Phạm Duy không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc hàng đầu. Chính ông chứ không ai khác là người đã tự chắt lọc tinh hoa trong các ca khúc của mình để chỉ đưa một số nhỏ vào cuốn sách.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ của “Tình ca” còn tuyển chọn những bài phân tích, nhận định, đánh giá của đồng nghiệp là các văn nghệ sĩ, nhà phê bình về âm nhạc của ông. Vì vậy, độc giả có dịp hiểu thêm các góc nhìn đa chiều về phong cách, kỹ thuật nhạc lý cũng như cảm xúc của Phạm Duy trong các sáng tác. Đọc tới tận cùng của cuốn sách người đọc sẽ phần nào hiểu được vì sao người nhạc sĩ tài danh từng thổ lộ “Cuộc đời tôi chỉ có 3 điều quan trọng: Tình yêu, sự khổ đau và cái chết, tôi đã thể hiện ra cả ba vấn đề đó trong nhiều ca khúc… Tôi đã có đầy đủ vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và khổ đau… Coi như tôi đã sống tới tận cùng của cuộc sống”.
“Hồi ký Trần Văn Khê” – Giáo sư Trần Văn Khê
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê là một trong số ít những nhà nghiên cứu được coi như một người nghệ sĩ đích thực. Ông chơi được nhiều loại đàn như đàn tranh, đàn nguyệt… am hiểu nhiều loại hình sân khấu và gần như dành cả cuộc đời tận hiến cho âm nhạc dân tộc. Giáo sư Trần Văn Khê đã viết nhiều bài báo để ghi lại niềm đam mê, sự trăn trở của mình đối với nghệ thuật nhưng trọn vẹn và đầy đủ nhất phải là “Hồi ký Trần Văn Khê”.
“Hồi khí Trần Văn Khê” xuất bản lần đầu tiên vào năm 2005.
Cuốn sách lôi cuốn người đọc ở ngay những trang đầu tiên với lời kể chân phương, giản dị đậm chất Nam Bộ của tác giả. Kế tiếp giáo sư Trần Văn Khê lần lượt kể về cuộc đời, sự nghiệp của mình từ khi còn là một chàng sinh viên trường thuốc cho đến khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về âm nhạc dân tộc, cuối cùng ông dành những trang viết cho tựa đề “lá rụng về cội” như lời chia sẻ tận đáy lòng về tình cảm dành cho quê hương đất nước. Nguyện ước của giáo sư đã thành hiện thực, ông quay trở lại quê hương và rồi kết thúc chuyến du ngoạn trong âm nhạc dân tộc cũng tại quê hương mình. Vị giáo sư khả kính mất ngày 24 tháng 6 vừa qua trong niềm tiếc thương của người thân, bạn bè và những người yêu nhạc.
“Đằng sau những nụ cười” – ca sĩ Khánh Ly
“Đằng sau những nụ cười” là một cuốn tản văn được Khánh Ly viết liên tục trong hàng chục năm. Tác phẩm được xuất bản vào tháng 5 năm nay được coi là món quà nữ danh ca dành tặng cho khán giả quê nhà. Ở đó một Khánh Ly liêu trai ma mị trong âm nhạc đã trở thành một người phụ nữ mượt mà và ắp đầy cảm xúc trong câu chữ. Chân dung “nữ hoàng chân đất” thể hiện rõ qua từng trang sách, từ cách đối nhân xử thế đến phong cách âm nhạc và cả những sự kiện, nhân vật quan trọng xung quanh cuộc đời nhiều thăng trầm của bà.
Khánh Ly không ngại chia sẻ những thăng trầm trong cuốn sách của mình.
Người đọc thấy một Khánh Ly hiểu đời, hiểu người sâu sắc và nhạy cảm đến kỳ lạ. Bà thường trích dẫn những lời nhạc Trịnh trong những trang viết của mình như một sự tri ân đối với người tri kỷ. Bên cạnh đó, người được cho là hát thành công nhất các sáng tác của Trịnh Công Sơn cũng không ngần ngại kể về những lần bà bị nói xấu, gièm pha, mắng mỏ nhưng bà vẫn quyết chọn thái độ im lặng, chăm chỉ làm việc để đối đầu với thị phi. Khánh Ly tâm sự: “Tôi cũng từng lãnh những cú... tát trái, tát phải, những cú đấm nghìn cân, những nắm bùn vứt vào mặt tôi ở đằng sau những nụ cười. Nhưng có sao đâu. Thế mới là đời... Cứ bình thản trước mọi việc là câu trả lời đúng nhất. Im lặng cũng là một cách sống”.
“Là tôi, Hà Anh” – siêu mẫu Hà Anh
“Là tôi, Hà Anh” ra mắt tháng 10 năm 2013 là cuốn sách tập hợp những bài viết của siêu mẫu, MC Hà Anh trong khoảng thời gian 7 năm – từ khi còn là một cô sinh viên chân ướt chân ráo đặt chân đến London đến khi trở thành một nghệ sĩ có tiếng ở trong nước và quốc tế. Tác phẩm không chỉ thể hiện thái độ sống tích cực, những trải nghiệm thú vị của tác giả mà còn góc nhìn đa chiều về một người đàn bà tài năng đã vượt lên trên sự khác biệt để khẳng định cá tính và phong cách của bản thân. Cuốn sách còn được cho là góp phần truyền cảm hứng cho tất cả độc giả, đặc biệt là những người đang trên con đường đi tìm cái tôi và giá trị sống đích thực của mình.
“Là tôi, Hà Anh” bật mí nhiều câu chuyện trên sàn catwalk của nữ siêu mẫu.
Bên cạnh đó, Hà Anh cũng bật mí nhiều câu chuyện không phải ai cũng biết, những góc khuất nghề nghiệp và một giới showbiz lắm thị phi, nhiều ganh tỵ. Qua câu văn khi thì mượt mà, sâu sắc khi thì không kém phần sắc sảo, người đọc có cơ hội khám phá thế giới nội tâm phong phú và đầy cảm xúc của nữ siêu mẫu. “Là tôi, Hà Anh” là câu trả lời chân thật và trọn vẹn nhất mà Hà Anh muốn gửi đến người hâm mộ sau cuốn sách này. Người đẹp chứng tỏ được rằng đằng sau những thành công trên sàn catwalk cô vẫn là một cô gái bé nhỏ, tuy bản lĩnh nhưng vẫn luôn khao khát tình yêu như chính cô miêu tả trong tác phẩm của mình: “Đằng sau lớp phấn son, ánh hào quang và những nụ cười là một cô gái nhỏ, kiếm tìm tình yêu của chính mình và ước ao một thế giới”.
Lê Đức
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất