Giáo sư Trần Văn Khê và chuyến du ngoạn trong âm nhạc dân tộc

Lê Đức 2015-06-24 17:48
- Người vẫn được cho là “mang hồn dân tộc ra thế giới” đã qua đời vào rạng sáng nay để lại một gia tài khổng lồ về văn hóa đặc biệt là âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi âm nhạc đờn ca tài tử

Giáo sư Trần Văn Khê sinh ra trong một gia đình có 4 đời gắn bó với âm nhạc cổ truyền. Tuổi thơ của Trần Văn Khê lớn lên trong tiếng đờn ca tài tử cùng với âm thanh của các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu. Có thể nói âm nhạc dân tộc đã thẩm thấu vào Trần Văn Khê một cách tự nhiên nhất như một con người phải hít thở để sống, phải ăn uống để tồn tại. Ít ai nghĩ đến việc một ngày nào đó cậu bé miền Tây nhỏ bé lại trở thành một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc lừng danh thế giới.
Giáo sư Trần Văn Khê và chuyến du ngoạn trong âm nhạc dân tộc
Giáo sư Trần Văn Khê chào đời ở Châu Thành, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang).
Năm 1942, Trần Văn Khê chính thức ra Hà Nội để theo học y khoa sau nhiều năm học tập tại Vĩnh Long và Sài Gòn. Trong thời gian này, Trần Văn Khê hoạt động âm nhạc sôi nổi và tích cực ở Tổng bộ sinh viên. Với tài năng cảm thụ âm nhạc thiên bản lại được tích lũy sau nhiều năm theo người cô ruột đi biểu diễn nên Trần Văn Khê được giao trọng trách nhạc trưởng trong một dàn nhạc của sinh viên. Nội dung chủ yếu trong các sáng tác cũng như tiết mục biểu diễn của Trần Văn Khê thời điểm này là kêu gọi tinh thần yêu nước, phản đối ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. 
Đến năm 1949, Trần Văn Khê quyết định sang Pháp du học ngành Luật Quốc tế. Tại nơi đất khách quê người, chàng trai trẻ người Việt vẫn không quên mục tiêu nghiên cứu và quảng bá âm nhạc dân tộc vì hơn ai hết Trần Văn Khê hiểu rằng văn hóa Việt Nam hoàn toàn có thể đứng ngang hàng với các nước khác trên thế giới, ngay cả với nước đang cai trị mình.

Chuyến du ngoạn không mệt mỏi trong âm nhạc dân tộc

Năm 1958, Trần Văn Khê bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “â m nhạc dân tộc Việt Nam” với nhiều phản hồi tích cực và ý kiến khen ngợi từ hội đồng chấm thi. Đây là dấu mốc quan trọng có ý nghĩa như một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của Trần Văn Khê, từ nước Pháp xa xôi người con Việt ưu tú đã trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng. 
Giáo sư Trần Văn Khê và chuyến du ngoạn trong âm nhạc dân tộc
Trần Văn Khê là tiến sĩ âm nhạc đầu tiên của Việt Nam.
Tiến sĩ nghệ thuật âm nhạc Trần Văn Khê bước chân vào cuộc du ngoạn không mệt mỏi trong âm nhạc dân tộc kéo dài hơn một nửa thế kỷ. Ông dạy học, diễn thuyết và nghiên cứu âm nhạc ở hơn 20 trường đại học thuộc nhiều nước khác nhau trên thế giới. Trần Văn Khê để lại nhiều dấu ấn trong mỗi lần xuất hiện và trở thành một nhà nghiên cứu tên tuổi từ châu  Âu, châu Á đến châu Phi và châu Mỹ. Sau nhiều năm định cư ở nước ngoài, ông quyết định về Việt Nam vào năm 2006 khi đã bước sang tuổi thứ 85. Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng giáo sư Trần Văn Khê vẫn tiếp tục cuộc du ngoạn với âm nhạc dân tộc, tham gia biểu diễn, cố vấn ở nhiều chương trình, sự kiện âm nhạc dân tộc, đặc biệt có vai trò không nhỏ trong việc hoàn thiện hồ sơ để UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cuộc đời của nhà nghiên cứu Trần Văn Khê được coi là một cuộc hành trình liên tục, không ngừng nghỉ. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tinh hoa văn hóa Việt ra thế giới, quảng bá cốt cách tâm hồn con người Việt với bạn bè năm châu bốn bể. Giáo sư Trần Văn Khê xuất hiện trong nhiều từ điển trên thế giới như một tên tuổi lớn không thể bỏ qua đối với những người yêu thích và muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa và âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Một biểu tượng vĩ đại mà gẫn gũi của văn hóa dân tộc Việt

Giáo sư Trần Văn Khê luôn xuất hiện trước công chúng với hình ảnh khăn đóng áo dài. Ông từng chia sẻ với truyền thông rằng “không mặc áo dài thì không biểu diễn”. Áo dài không chỉ là những trang phục thông thường mà là sản phẩm trí tuệ của cha ông, hồn cốt văn hóa và cũng là niềm tự hào, sự kiêu hãnh của người Việt trước thế giới. Trần Văn Khê đã trở thành một biểu tượng văn hóa vĩ đại mà mỗi thông điệp ông gửi gắm đều chứa đựng một ý nghĩa lớn thể hiện tự tôn dân tộc. 
Giáo sư Trần Văn Khê và chuyến du ngoạn trong âm nhạc dân tộc
Giáo sư Trần Văn Khê luôn xuất hiện với hình ảnh áo dài.
Ngay trong di nguyện của chính mình trước khi qua đời, giáo sư Trần Văn Khê thể hiện mong muốn tang lễ của ông được thể hiện theo nghi lễ Phật giáo dẫu ông không theo một tôn giáo nào. Nhà nghiên cứu đáng kính cũng không quên nhắc nhở trong tang lễ của mình sẽ có âm thanh của đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật mà ông đã dành trọn cuộc đời để nghiên cứu, tìm hiểu, sáng tác và thể hiện. Vậy là tang lễ của Trần Văn Khê sẽ là một không gian văn hóa Việt không thể gần gũi hơn được nữa vì ở đó có âm nhạc dân tộc – đờn ca tài tử, có nghi lễ của một tôn giáo lâu đời và luôn đồng hành cùng dân tộc – Phật giáo. 
Giáo sư Trần Văn Khê đã ra đi nhưng hình ảnh gần gũi và di sản văn hóa đồ sộ của ông thì vẫn đồng hành cùng dân tộc. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, với tài năng và tâm huyết của những nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu – những người đã được Trần Văn Khê “tiếp lửa” đam mê - âm nhạc dân tộc Việt Nam sẽ không những phát triển mà còn được quảng bá rộng hơn trên toàn thế giới.

Lê Đức
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 3 con giáp nữ luôn vì tương lai tốt đẹp hơn mà phấn đấu