Nhà văn Di Li: 'Để phụ nữ đi du lịch là thể hiện lòng biết ơn với họ'

Huy Tùng 2017-07-10 06:15
- Không chỉ nổi danh trong giới văn sĩ với những tác phẩm gây tiếng vang trong lĩnh vực truyện trinh thám và tùy bút, Di Li còn là một phụ nữ đam mê du lịch và đã rong ruổi nhiều quốc gia trên thế giới. Với chị, đó là cuộc hành trình bất tận trong một hành tinh đơn độc.

 Điều gì đã thôi thúc chị lên đường khám phá thế giới và sống cuộc sống của một phượt thủ?

- Chắc cái nết “lang thang” bị ăn vào máu rồi. Từ hồi bốn, năm tuổi, mỗi lần ngửa mặt ngắm bầu trời đêm, tôi hay tự hỏi phía tận cùng của bầu trời kia là gì. Cũng như vậy, nhìn thấy bất cứ con đường, dòng sông nào, tôi cũng băn khoăn rằng nó sẽ dẫn đi đâu, tận cùng của nó là gì. Có lẽ tôi muốn đi cùng trời cuối đất từ nhỏ. Những miền đất lạ ngoài cảnh đẹp, kiến trúc lạ lẫm, đồ ăn thú vị, còn là cả một câu chuyện văn hóa đằng sau. Đó mới là điều đáng để khám phá nhất. Vì thế tôi luôn thích đến các quốc gia dày dặn văn hóa như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Ai Cập… cho dù các điểm đến không tiện nghi bằng nhiều nước khác.

Nhà văn Di Li và những chuyến cuộc hành trình bất tận

 Nhà văn Di Li trong chuyến đi tới Maroc vừa qua (Ảnh: NVCC)

Là người thích xê dịch, khám phá nhiều nơi, đi đến nhiều quốc gia, cuộc sống của chị thật thú vị. Nhưng, phải là người có điều kiện mới dám đi như vậy?

- Đúng vậy, đi du lịch cần phải tự do tài chính ở một mức độ nhất định, tự do thời gian, tự do sức khỏe, có đầy đủ vốn sống và kỹ năng sống để đối mặt với rất nhiều tình huống phát sinh nơi xứ người, có đủ uy tín để xin visa, có ngoại ngữ, và nhất là phải có những người thân rất chia sẻ và cảm thông.

Năm 20 tuổi, tôi thấy mình hầu như chả có gì, và ước mơ du ngoạn có lẽ vẫn chỉ ở dạng ước mơ. Nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy rằng, nếu có điều gì ám ảnh thôi thúc ta hàng ngày, rồi loay hoay thế nào ta cũng thực hiện được nó. Tôi còn nhớ mãi năm 19 tuổi, ngồi xem bộ phim “Casablanca” ở rạp Fansland, tôi còn chẳng biết địa danh ấy ở đâu. Vậy mà tháng trước tôi ngồi uống cocktail ở đúng cái quầy bar bối cảnh trong phim ấy. Chưa kể hôm sau còn cưỡi lạc đà dưới ánh trăng xuyên sa mạc Sahara. Ngày trước, Sahara, Everest, Caribbe là những cái tên chẳng khác gì mặt trăng. Giờ thì thi thoảng tôi hay lôi quả địa cầu ra trước mặt, ngắm nghía rồi chấm một điểm nào đó và chỉ vài tuần sau là có thể bay đến đó, chẳng có gì để mà cản trở. Trong suốt 20 năm, tôi làm việc cật lực để tiết kiệm tiền, và luyện tập để nâng cao sức khỏe, nếu không thế sẽ rất khó đi những chuyến như sa mạc hay Tây Tạng. Có lẽ cái danh nghĩa nhà văn nó cho tôi lợi ích nhất là xin visa rất dễ thì phải.

Nhà văn Di Li và những chuyến cuộc hành trình bất tận

Tham quan Đấu trường Las Ventas lớn nhất Tây Ban Nha (Ảnh: FBNV)

Là người phụ nữ có quan điểm sống hiện đại, chị làm thế nào để có thể cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và niềm đam mê xê dịch?

- Thực ra một năm có 365 ngày thì tôi chỉ vắng mặt khỏi nhà 30 ngày là cùng. Đó là tối đa, là 1/12 của năm. 11 tháng còn lại tôi làm việc không nghỉ và chăm sóc con cái. Có lẽ con tôi là đứa trẻ nhìn thấy mẹ nhiều nhất trong số các trẻ em, vì công việc của tôi chủ yếu ở nhà nên cứ lúc nào con đi học về là thấy mẹ ngồi nhà rồi. Nếu có đi đâu thì tôi cũng cố gắng đến giờ con đi học về là mình cũng phải về nhà để con nhìn thấy mẹ. Người đàn ông nào yêu tôi thì đều phải hiểu niềm đam mê này của tôi, và tôi thấy thực là độc ác nếu ta đang tâm giết chết đam mê của một con người, trong khi đó lại là đam mê tích cực. Tôi được nhìn thấy thế giới thì người có lợi nhiều nhất là con gái tôi, vì có bao nhiêu trải nghiệm và kiến thức, tôi sẽ kể cho con nghe. Nhưng tôi cũng chưa gặp phải người “độc ác” bao giờ. (cười)

Nhà văn Di Li và những chuyến cuộc hành trình bất tận

Di Li luôn biết cân bằng mọi thứ để dành nhiều thời gian cho gia đình (Ảnh: FBNV)

Nhiều người cho rằng con gái thì nên ở nhà xây tổ ấm chứ không nên đi lang thang trên đường, chị nghĩ sao về điều này?

- Hôm vừa rồi tôi dẫn một nhóm đi Maroc (Tôi luôn là trưởng đoàn mà). Trong nhóm có vài đôi vợ chồng. Sau chuyến đi, một cô đồng nghiệp của tôi bảo: Chồng em gửi lời cảm ơn chị vì nhờ chị mà bọn em suốt mấy chục năm nay mới được gặp nhau nhiều như thế, vì ở nhà anh ấy đi làm cả ngày, ngay cả Tết cũng rất bận rộn, nên chưa bao giờ mà suốt 15 ngày lại dính với nhau 24/24 như thế. Và cũng nhờ vậy thì bọn em mới nhận ra sau 20 năm mà cả hai vẫn còn “chịu đựng” được nhau.

Còn một người khác thì ở nhà luôn “bốn cùng” với chồng: cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm, cùng đi chơi, 24/24 nhìn thấy mặt nhau. Giờ có được cơ hội tách nhau ra để mà nhớ nhung, để mà hâm nóng cảm xúc, nên chuyến phượt của tôi ngoài du ngoạn còn có ý nghĩa rất… nhân văn nữa.

Thực ra một năm mà vắng mặt khỏi nhà hai tuần cũng chẳng có gì to tát và chẳng thể ảnh hưởng đến hòa bình thế giới hay hạnh phúc vợ chồng. Có chăng đấy là tư duy của những người ấu trĩ và ích kỷ tự vẽ ra. Những phụ nữ trong đoàn tôi phần lớn đi một mình, trước khi đi toàn được chồng đóng gói đồ cho, gói ghém từng ly từng tí cả quần áo lót và đồ ăn mang theo dọc đường. Có ông chồng còn in sẵn lịch trình ra cho vợ và địa chỉ các khách sạn để vợ khỏi nhầm. Đó chả khác gì hơn là thể hiện lòng biết ơn với vợ: Em đã vất vả vì bố con anh cả cuộc đời, suốt 365 ngày rồi, giờ là lúc để anh cảm ơn em, con cái nhà cửa để đấy anh lo, em cứ đi đi, thẻ tín dụng đây, tiêu thoải mái nhé. Đó mới chính là một mái ấm đúng nghĩa, theo tôi là như vậy. Tôi biết rất nhiều ông chồng còn tuyên bố thẳng: Mình đi thì được nhưng vợ thì không. So sánh giữa hai gia đình, bạn thấy gia đình nào hạnh phúc hơn?

nhà văn di li

 Du lịch sẽ giúp hâm nóng cảm xúc giữa các cặp vợ chồng (Ảnh: NVCC)

Được biết chị đã xuất bản được 3 cuốn sách về du ký, liệu chị có tiếp tục dòng văn học này không? Và nếu có thì chị có thể bật mí cho độc giả biết về dự định sắp tới của chị?

- Ồ chừng nào còn du ngoạn thì những cuốn sách du ký của tôi vẫn được nối dài. Đầu năm sau tôi sẽ cho ra mắt cuốn du ký thứ tư. Tôi cũng chuẩn bị ra mắt một cuốn du ký viết về những vùng đất trong nước. Vì nhiều người nói rằng chẳng qua tôi đi nước ngoài mới viết được nhiều sách. Quan điểm của tôi lại khác, một người sáng tạo đích thực không bao giờ phụ thuộc đề tài, mà anh ta viết cái chai cái lọ cũng phải hay chứ không cần thứ gì cao siêu gì. Cuốn sách của tôi, có những trang viết về Đường Lâm hoặc Huế, Sài Gòn… những nơi mà nhiều người nghĩ chả còn gì để mà nói nữa. Trong khi tôi thì cứ nghĩ, trong tất cả những nơi tôi đã từng đến, có lẽ, tôi viết về Hà Nội là hay nhất thì phải.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Huy Tùng

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Giảm cân cấp tốc trong 3 ngày