9 bộ phim của điện ảnh Việt nam chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng
Tin liên quan
Không dễ gì để đưa được một tác phẩm văn học lên màn ảnh, nhất là với những tác phẩm đã “thành danh” và ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả. Dưới đây là 9 bộ phim được xây dựng dựa trên những truyện ngắn hoặc tiểu thuyết nổi tiếng của văn học Việt Nam. Mặc dù vẫn có phim gây tranh cãi khi chuyển thể, nhưng tựu trung tất cả 9 bộ phim này đều có những tiếng vang lớn và là một phần không thể không nhắc đến của điện ảnh Việt Nam.
1. Vợ chồng A Phủ
Biên kịch: Tô Hoài.
Đạo diễn: NSND Mai Lộc, Hoàng Thái.
Vợ chồng A Phủ là tác phẩm hay nhất trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài và được chính nhà văn chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. Hai nhân vật chính là A Phủ và Mỵ, một đôi nam nữ nghèo bị thống lý Pá Tra áp bức đến cùng cực. Cùng trong cảnh đọa đày, A Phủ và Mỵ đã tìm đến với nhau trong sự cảm thông và tự đấu tranh để giải phóng mình. Đây là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời bấy giờ.
2. Mẹ vắng nhà
Biên kịch, đạo diễn: NSND Nguyễn Khánh Dư.
Mẹ vắng nhà được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi có tên Người mẹ cầm súng. Bộ phim kể về cuộc sống đời thường của chị Út Tịch trong vai trò người mẹ lẫn vai trò người anh hùng của mặt trận giải phóng miền Nam. Khi người mẹ thường xuyên phải vắng nhà đi tải đạn, tải lương cho bộ đội thì bốn đứa trẻ ở nhà tự chăm lo, yêu thương nhau. Niềm mơ ước của bọn trẻ thật giản dị, đó là mong có mẹ về, mong được đi học thật chứ không phải chỉ là trò chơi dạy học với bảng đen và mẹt rách. Bộ phim phản ánh những hi sinh, thiệt thòi nhưng vô cùng lớn lao của tâm hồn con trẻ trong cuộc chiến đấu cam go của dân tộc.
3. Chị Dậu
Biên kịch, đạo diễn: NSND Phạm Văn Khoa.
Bộ phim Chị Dậu được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Đây là sự tái hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh cuộc sống khốn cùng của người nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Để cứu chồng bị bắt do không đủ tiền nộp thuế thân, chị Dậu phải mang bán đứa con đầu lòng và đàn chó cho nhà Nghị Quế. Khốn cùng hơn nữa, chị buộc phải làm vú em, vắt sữa mình cho một ông già tẩm bổ để có tiền đóng thêm suất sưu cho người em chồng đã mất. Thế rồi một đêm, cụ cố già mò vào buồng chị tính giở trò đồi bại. Chị xô ngã cụ và bỏ chạy ra ngoài trong màn đêm tối đen như mực, giống như cuộc sống của người dân nghèo lầm than, không lối thoát. Tác phẩm để lại nhiều suy nghĩ và ám ảnh trong lòng người xem và cũng là bộ phim đưa tên tuổi của diễn viên Lê Vân đến với công chúng yêu điện ảnh Việt Nam.
4. Làng Vũ Đại ngày ấy
Bộ phim Làng Vũ đại ngày ấy thể hiện trung thành nguyên tác ba tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, đó là Chí Phèo, Lão Hạc và Trăng sáng. Đây là một trong những tác phẩm không thể không nhắc đến của điện ảnh Việt Nam. Những nhân vật bước ra từ trong truyện để trở thành những người bằng xương bằng thịt. Đó là một Chí Phèo bị lưu manh hóa sẵn sàng rạch mặt ăn vạ bất cứ khi nào, một Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn, một Bá Kiến xảo quyệt, khôn ngoan, một giáo Thứ hiền lành và lão Hạc - một lão nông cô độc chỉ có con chó Vàng làm bầu bạn. Các bi kịch liên tục xảy đến trong bộ phim xoay quanh những nhân vật chính, cho đến cái chết tuyệt vọng của lão Hạc khiến người xem không khỏi ngậm ngùi, cay đắng.
Giống như Chị Dậu tạo nên tên tuổi Lê Vân thì Làng Vũ đại ngày ấy đã khiến các diễn viên “chết tên” với nhân vật mà họ thể hiện như diễn viên Bùi Cường vai Chí Phèo; diễn viên Đức Lưu vai Thị Nở, nhà văn Kim Lân vai Lão Hạc.
5. Bến không chồng
Biên kịch: Lưu Trọng Văn.
Đạo diễn: NSƯT Lưu Trọng Ninh.
Bộ phim Bến không chồng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Tiểu thuyết này đã đạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1991. Đến năm 2001, tác phẩm tiếp tục gây nên tiếng vang lớn và được đánh giá là bộ phim thành công nhất của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho đến nay.
Bộ phim kể về một vùng quê bên sông ở đồng bằng Bắc Bộ, khi Vạn - người lính phục viên trở về làng sau ngày hòa bình lập lại năm 1954. Làng quê của anh khi đó chỉ là một “bến không chồng” của những người thiếu nữ và thiếu phụ góa chồng buồn bã đợi chờ. Anh trở thành “niềm trông đợi” của nhiều cô gái trong làng. Vạn và Hạnh yêu nhau kéo theo những bi kịch bắt đầu xuất hiện. Dư luận cay nghiệt đã khiến anh phải tìm đến cái chết.
6. Thời xa vắng
Biên kịch và đạo diễn: Hồ Quang Minh.
Cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu là một tác phẩm được đánh giá cao trong dư luận từ khi nó ra đời vào những năm 80 và nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1986.
Đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đã phải mất đến 16 năm, kể từ khi ông ngỏ ý mua lại bản quyền cuốn tiểu thuyết này để chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, mới đưa được tác phẩm đến với công chúng. Bộ phim kể về số phận của anh thanh niên Giang Minh Sài từ thời niên thiếu cho đến khi trưởng thành. Năm 12 tuổi, anh phải cưới vợ theo chọn lựa của bố mẹ, “yêu” vợ để giữ gìn thể diện cho gia đình… Bên trong cái vẻ ngoài khô khan của người lính là những khát khao được sống, được yêu một cách thật sự vẫy vùng đòi được thoát ra ngoài. Bộ phim là câu chuyện về những con người muốn vươn lên thoát khỏi số phận cổ hủ của làng quê Việt Nam, nhưng lại luôn hoài niệm về một thời xa vắng đã qua.
7. Đừng đốt
Biên kịch và đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đưa cuốn nhật ký bán chạy nhất năm 2006 của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm lên màn ảnh. Tên phim trích ra từ câu “Đừng đốt, trong đó đã có lửa” của Huân - một sĩ quan ngụy, trước khi trao cuốn nhật ký này cho Frederic Whitehurst, người đã lưu giữ nó trong suốt mấy chục năm.
Bộ phim được xây dựng dựa trên những nhân vật có thật trong cuốn nhật ký nổi tiếng. Nó không chỉ tái hiện những thời khắc ác liệt nhưng hào hùng của dân tộc Việt Nam mà nó còn là bài hát ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu quê hương đất nước và tấm lòng giàu cảm thương với những số phận con người của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
8. Tuổi thơ dữ dội
Biên kịch và đạo diễn: NSƯT Nguyễn Vinh Sơn.
9. Mùa len trâu
Biên kịch và đạo diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
Bộ phim được xây dựng dựa trên hai truyện Một cuộc đời bể dâu và Mùa len trâu trong tập Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Bộ phim kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ XX. Khi mùa mưa về, những người làm nghề len trâu lại phải đưa đàn trâu lội qua mùa nước nổi đi tìm cỏ để sinh tồn. Trải qua biết bao nhiêu khó khăn, nghiệt ngã của thiên nhiên nhưng vẫn không có gì có thể dập tắt được tính lương thiện của người dân đồng bằng Nam Bộ.
Thảo Nguyên
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất