Cách đây không lâu, bệnh nhân 2 bé ở thành phố Hồ Chí Minh và 1 bé ở Tây Ninh bị chó nhà cắn đã phải nhập viện. Theo người nhà, khi bé đang chơi vô tình đồ chơi rớt đến gần chỗ chó nằm, bé chạy lại lấy đồ chơi và bị chó bất ngờ cắn vào mặt.
Thời điểm chó cắn thường rơi vào ngày nghỉ hoặc khi bé hết giờ học ở trường, về nhà cha mẹ bận việc nên để bé chơi một mình, chó thường cắn vào vùng mặt và vết thương thường nham nhở, mất nhiều da và cơ, răng chó lại rất dơ nên vết thương thường phức tạp và dễ nhiễm trùng.
Bác sĩ nhi khoa Thu Thủy cho rằng, đây là sự cố hi hữu và vô cùng đáng tiếc. Chó, mèo vốn là loài vật cưng rất gần gũi thân thiết với nhiều gia đình, tuy nhiên các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ - đối tượng chưa có khả năng tự vệ, tránh để trẻ tiếp xúc gần với vật nuôi, đề phòng các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Chủ nuôi không nên nghĩ đơn giản
Để tìm hiểu nguyên nhân của sự việc, chúng tôi đã trao đổi cùng anh Đinh Long Giang (Bác sĩ Thú y). Anh Giang cho rằng, sự việc qua clip lan truyền trên mạng là sự việc đáng tiếc, có thể chủ nhân của những chú chó nói trên cũng không ngờ tới.
Theo lời anh Giang, chó nuôi trong nhà nói là hiền nhưng bản chất hung dữ không phải là không còn tồn tại. Đặc biệt, khi chó bị kích thích tâm lý như không ai quan tâm hoặc bị trêu chọc đều có thể tấn công con người. Ngay cả việc nuôi nhốt quá lâu, ít được ra ngoài, bất cứ ai đến nhà nó đều trông thấy và muốn tấn công nhưng không làm được.
"Với chó đã được đưa ra đường, người nuôi phải rọ mõm. Đây là cách an toàn nhất để bảo vệ chính mình và cộng đồng. Nhiều người nghĩ rằng, chó hiền với người nhà nhưng không ai dám chắc chắn nó có gây thương tích với người đi đường hay không. Đáng lo ngại là nếu chó không được tiêm phòng đầy đủ rất dễ bị dại, nảy sinh bản năng hung hãn", anh Giang cho biết.
Thậm chí, một số loài chó có bản năng cực kỳ hung hãn. Dù nuôi nhốt thời gian dài hay quen với chủ nhưng vẫn có thể trỗi dậy bản năng. Điều đáng lo ngại, nếu chó không được nuôi cùng chủ từ bé mà được chuyển giao, mua lại, đổi chủ khi chúng đã lớn sẽ tiềm ẩn nguy cơ tấn công. Do chúng không nhận được sự quen thuộc với chủ hoặc không được chủ chăm sóc thường xuyên nên vẫn còn bản năng hoang dại tấn công người lạ.
Một người nuôi chó lâu năm cho biết, người nuôi không cứ nhốt chó vào chuồng là an toàn hay để làm cảnh như vậy trong thời gian dài mà cần sự quan tâm. Người nuôi phải dành thời gian cho chó ra đường đi dạo, hít thở không khí trong lành, tạo cho chó được môi trường sống thân thiện, hiền hòa. Không được đánh, quát hay đe dọa, nhốt quá lâu sẽ khiến cho chó bị tự kỷ và luôn sẵn sàng để cắn người.
Còn chị Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, thói quen nhiều người hay cho các con vật nuôi ăn đồ sống là không nên. Bởi điều này có thể khiến chó, mèo..quen với mùi máu tanh. Khi đi gần con người có thể sẽ tấn công để thỏa mãn cơn đói.
Về bản chất các loài chó có trong clip tấn công người nói trên, chó Doberman là chó khá hung giữ được dùng canh gác, giữ nhà hoặc làm nghiệp vụ. Cân nặng con đực lên đến 45kg, con cái 35kg. Thậm chí, loài chó này bị liệt vào danh sách nguy hiểm ở một số bang của Đức và Thụy Sĩ. Rottweiler là giống chó có nguồn gốc từ thời La Mã, thân hình khỏe, sức mạnh bền bỉ, chúng thường được đào tạo để chăn dắt gia súc.
Vũ Minh