Rơi nước mắt ước mơ ngày 20/10 của người mẹ nhặt ve chai

2016-10-20 07:13
- Họ cũng là phụ nữ nhưng phải tạm quên đi những niềm vui sum họp hay món quà từ chồng con dịp 20/10 để chạy theo cuộc mưu sinh vất vả.

Không khí của ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) rộn ràng khắp nơi nhưng vẫn có những người phụ nữ chưa từng nghĩ đến việc nghỉ ngơi tận hưởng ngày lễ này. Bởi họ phải bươn chải kiếm sống bên những gánh hàng, xe đẩy.

Những người mẹ lầm lũi

Đêm đã khuya, bà Định (quê Nam Định) vẫn đang cặm cụi với những bãi rác bên lề đường. Đó là lúc bà tìm kiếm những tấm bìa các tông, vỏ chai nhựa hay bất cứ thứ gì có thể mang về bán đồng nát.

Sau giờ nhặt ve chai, đồng nát ở Cầu Giấy, bà sẽ đạp xe về xóm chạy thận Thanh Trì - Hà Nội - nơi hai mẹ con bác đang sinh sống.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, con trai Bà Định năm nay 19 tuổi nhưng bị suy thận nặng phải chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Thương con, bà Định bỏ lại nhà cửa ở quê, lên Hà Nội làm nghề thu lượm đồng nát, ai thuê gì làm nấy kiếm thêm chút tiền thuốc men cho con.

Ước mơ bình dị của những người phụ nữ Việt Nam

Bà Định mỗi ngày vẫn phải tìm đến mọi ngóc ngách phố phường Hà Nội để thu lượm đồng nát

Ngày 20/10 năm nay, bà vẫn sẽ đạp xe rong ruổi trên những con phố Hà Nội để nhặt nhạnh đồng nát. Nói về ước mong ngày 20/10, bà Định bộc bạch suy nghĩ giản đơn: "Ngày Phụ nữ Việt Nam tôi chả mong gì, chỉ mong có thêm sức khỏe để đi làm, kiếm được nhiều tiền cho con chữa bệnh thôi. Chỉ cần con khỏe mạnh, tôi sẵn sàng làm mọi thứ".

Gánh gồng trên vai nhiều nỗi vất vả, ăn uống khổ sở nên có những lần vì đạp xe quá xa tìm phế liệu nên bà Định suýt ngã gục do tụt đường huyết. Thế nhưng, quanh năm bà chẳng dám nghỉ ngơi này nào, nghĩ đến con trai lại cố gắng gượng. 

Đối với bà Định, niềm vui mỗi ngày là trở về nhà được gặp mặt con trai, trò chuyện cùng con và hi vọng con có thể tiếp tục giữ được sức khỏe đến khi có cơ hội ghép thận. 

Những ai thường đi qua công viên Nghĩa Đô - Hà Nội chắc chắn sẽ quen với xe đẩy bán đồ ăn đêm của chị Phượng. Mỗi ngày, chị đẩy xe bán đồ ăn từ chập choạng tối đến 12h đêm, trên xe có đủ thứ đồ như ngô luộc, trứng, bánh mì, xúc xích. Nhìn từ xa, dáng vẻ chị gầy gò, còm cõi nhưng vẫn cố hết sức để đẩy chiếc xe vừa to vừa nặng trên đường lầm lũi đi để kiếm chút tiền.

Ước mơ bình dị của những người phụ nữ Việt Nam

Mong muốn duy nhất của chị Phượng lúc này là kiếm được nhiều tiền hơn để nuôi con ăn học, Tết đến mua được cho mỗi đứa con một bộ quần áo mới

Chị Phượng vốn quê ở Hà Tây, ngày trước chị chỉ ở nhà làm ruộng. Nhưng số tiền kiếm được không đủ nuôi 4 con đang tuổi ăn học nên chị tìm cách bươn chải kiếm sống ở Hà Nội.

Chị tâm sự: "Đứa con đầu đang học lớp 11, đứa bé nhất đang học lớp 4 rồi đều có ý thức tự chăm sóc được nhau nên chị mới ra Hà Nội bán đồ ăn như vậy".

Khi được hỏi chị có mong muốn gì trong ngày 20/10, chị Phượng tủm tỉm cười: "Chị ước tối nào cũng có người mua hàng, kiếm được thêm tiền để đến Tết mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới. Mấy năm qua, mấy đứa em toàn mặc lại đồ của anh, thương lắm"

Chỉ mong buôn may bán đắt

Bà Phương (Hà Nam) suốt 3 năm này đều quẩy gánh hàng bán tào phớ ngay cổng chợ Nghĩa Tân mỗi chiều. Con trai bà vào miền Nam lập nghiệp nhưng cuộc sống rất khó khăn nên phải gửi đứa cháu nội đang học lớp 2 cho bà nuôi dưỡng.

Bà Phương chia sẻ: "Ngày nào cũng ngồi ở cổng chợ bán tào phớ, tuổi đã già và xương khớp yếu nên lưng bị đau mỏi mấy năm nay rồi. Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là trời đừng mưa nắng thất thường để tôi có thể bán được hàng, kiếm được thêm tiền nuôi đứa cháu nhỏ ăn học".

Nhắc đến đứa cháu nhỏ, bà Phương vui vẻ cho hay: "Ngày 20/10 năm ngoái, cháu được trường phát cho một bông hoa cài áo, cháu nó thích lắm những lại mang tặng tôi. Năm nay, cháu cũng bảo là nếu được tặng hoa thì cũng sẽ tặng hết cho bà. Con bé mau lớn, ngoan, hiếu thảo như vậy tôi mãn nguyện lắm".

Phụ nữ Việt Nam

Niềm vui duy nhất trong ngày 20/10 của bà Phương là đứa cháu nội ngoan ngoãn, hiếu thảo.

Cũng giống như bà Phương, chị Hạnh (Quốc Oai - Hà Nội) mở một sạp bán chanh nho nhỏ ngay gần cổng chợ Nghĩa Tân.

Từ ngày chồng chị đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, chị Hạnh buôn chanh để kiếm đồng ra đồng vào. Chị tâm sự: "Đi buôn chanh cũng không kiếm được nhiều nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Hơn nữa, chồng chị đi xuất khẩu lao động, gia đình cũng chưa có con cái nên có thêm việc để bận rộn cũng đỡ buồn hơn".

Chồng đi làm xa đã 2 năm nay chưa một lần về thăm nhà, chị Hạnh kể: "Anh ấy hạn chế về để tiết kiệm tiền bạc trả nợ xây nhà. Thời gian đầu chồng đi xa cũng buồn lắm chứ, nhưng giờ thì quen rồi. Ngày 20/10 thấy vợ chồng nhiều gia đình khác tình cảm cũng hơi hơi tủi thân nhưng mà năm nào cứ đến 20/10 là anh ấy lại gọi điện về".

Chị Hạnh tâm sự điều mong ước lớn nhất là chồng chị làm việc nơi xứ người vẫn luôn khỏe mạnh, an toàn, chung thủy và sớm trở về với gia đình.

 

Lương Chi

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Review sữa rửa mặt Huxley hot nhất xứ sở kim chi