Tiếng cưa nhói lòng người Hà Nôi
Những hàng cây xanh rì, rợp bóng mát từ lâu đã trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội. Đó là nơi mà chiều chiều các cụ già thong dong thả bộ, nơi lũ trẻ chạy nhảy đuổi bắt, hay chốn tựa mình của một hàng nước nhỏ ven đường.
Những “cây cơm nguội vàng”, “cây bàng lá đỏ” đã trở thành cảm hứng để ra đời bao lời thơ, tiếng hát. Những con đường ngào ngạt hương hoa sữa từng là chốn hẹn hò của bao cặp tình nhân. Những hàng sấu, hàng me là nơi leo trèo hái quả của những cô cậu học trò tinh nghịch.
Thế nhưng người Hà Nội đang phải chuẩn bị tâm lý cho một cuộc chia ly nhiều cây xanh đã gắn liền với những kỉ niệm một thời. Những kỉ niệm sẽ không còn nhìn thấy được, mà nếu muốn cũng phải chờ đợi hàng chục thậm chí cả trăm năm nữa.
Những hàng cây xanh gắn bó với nhiều người dân Hà Nội
Bà Nguyệt – 65 tuổi (Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) trải lòng: “Tôi đã gắn bó với những hàng cây này từ khi còn nhỏ, từ lúc chúng chỉ cao chừng có vài mét. Từ đó đến nay cũng đã mấy chục năm, giờ nghe tin những cây ấy sắp bị chặt tôi tiếc nuối liệu đến bao giờ mới có lại hàng cây như vậy”
Không chỉ những người cao tuổi xót xa trước việc cây xanh bị chặt hạ mà những bản trẻ cũng không khỏi tiếc nuối: “Mình và các bạn thường rủ nhau đi chụp ảnh tại các con đường nhiều cây xanh như Hoàng Diệu hay Kim Mã, nhưng giờ những cây to lớn, xanh tốt bị thay thế bởi những cây nhỏ bé trụi lá khiến khung cảnh không còn đẹp như trước nữa”, Trung – sinh viên đại học Công Nghiệp chia sẻ.
Những người trẻ như Trung còn có thể chờ những hàng cây mới lớn lên xanh tốt, nhưng những người già như bà Nguyệt liệu có thể đợi để có thể nhìn thấy hàng cây ấy một lần nữa không, khi họ đã ở cái tuổi gần đất xa trời.
Nhìn những chiếc cưa máy “khai tử” từng thân cây to lớn, tiếng từng hàng cây đổ ngã, không ít người cảm thấy tiếc nuối, thậm chí lo lắng về bầu không khí mát mẻ vào mùa hè ở những khu vực rợp bóng cây. Khi mà nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, lượng khí CO2 thải ra ngày càng lớn thì vai trò của cây xanh lại càng trở nên bức thiết.
Đến thời điểm này, nhiều cây xanh trên những tuyến đường như Lê Duẩn, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm…đã bị chặt hạ. Nơi từng là những hàng cây xanh tươi tốt giờ không khác gì công trường với phần gốc trơ trọi hoặc đã được lấp đất tạm bợ.
Tại một số nơi, những cây xanh cao lớn đã được thay bằng những cây Vàng Tâm "đồng phục" cao khoảng 6 – 7m. Tuy được đánh giá là thẳng đều và đẹp nhưng những cây này đều trơ trụi lá. Với đặc tính phát triển chậm của loại cây này, phải mất hàng chục năm nữa chúng mới có thể che bóng mát có người dân.
Khi những thân cây ngã xuống, cũng là lúc nhiều người thấy ngỡ ngàng. Họ thấy chạnh lòng với một Hà Nội xa lạ khi buộc phải rũ bỏ màu xanh đã từng rất thân thuộc.
Cộng đồng mạng dậy sóng
Ngay khi có thông tin quyết định chặt hạ nhiều cây cong, nghiêng, mục rỗng trên hơn 200 tuyến phố, đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề này. Đa số cư dân mạng đều cho rằng việc làm này là chưa phù hợp, gây tổn thất lớn tới môi trường và mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó việc nhiều cây sau khi bị chặt hạ không có dấu hiệu cong, nghiêng hay mọt rỗng mà ngược lại hoàn toàn khỏe mạnh khiến cộng đồng mạng không khỏi bất bình.
Một cư dân mạng bình luận: “Những 6.700 cây chứ đâu phải 67 hay 670 cây đâu mà ko xót xa cho được. Mình ở Hội An - Quảng Nam...phố cổ bị bão quật có cây đa, mà dân tiếc dân xót quá cuối cùng phải trồng lại, huống hồ 6.700 cây ở Hà Nội như một phần hồn, chặt đi quá nhiều như vậy mà vì lý do không thích hợp thì làm sao dân chịu nổi. Đây không phải là phản kháng mà là cùng nhau ngồi lại lắng nghe và thảo luận”.
Mới đây trên facebook một fanpage được thành lập nhằm vận động "6.700 người vì 6.700 cây xanh" đến thời điểm hiện tại đã thu hút được hơn 33.000 lượt like
Một số hoạt động nổi bật của chiến dịch này bao gồm vận động hàng ngàn người ký tên vào bức thư gửi chính quyền thành phố Hà Nội, chiến dịch buộc ruy băng cho cây, thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “6700 cây xanh…”. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 14.000 người kí tên vào bức thư ngỏ này.
Nội dung bức thư nhằm ba mục tiêu cụ thể: Tạm dừng ngay lập tức việc chặt hàng loạt cây xanh ở Hà Nội; Đề nghị Sở Xây dựng và các cơ quan chủ quản công bố thông tin chi tiết về Dự án cải tạo, thay thế cây xanh; Đề nghị thành phố tổ chức hoặc tham dự một cuộc họp mở và công khai với các chuyên gia, những người có quan tâm về vấn đề
Ngoài những ý kiến phản đối cũng có một số ít người ủng hộ việc chặt hạ cây với lý do “Sắp đến mùa mưa bão và những hàng cây lớn dễ gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông” hay “Cây ở hà nội hiện nay đa số không phải là cây xanh đô thị, việc thay thế là cần thiết”
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng: "Tại sao không đổi từ chặt sang di dời đến địa điểm khác, vừa không cản trở giao thông lại vẫn giữa được cây xanh, bảo vệ môi trường".
Trong phiên họp thường kỳ của UBND Tp. Hà Nội diễn ra ngày 19/3, ông Nguyễn Thế Thảo (Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội) cho hay, thông tin không đầy đủ làm cho người dân hiểu đang có chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Trên thực tế đó là từng bước thay thế những cây cỗi, cây đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại...
"Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ; hoàn toàn không phải vụ đấu thầu, đấu đá chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc này", ông Thảo nhấn mạnh - VnExpress trích lời ông Thảo.
Thùy Linh
(Theo Congluan.vn)
Mách bạn những mẹo đơn giản để điện thoại không bị hacker 'ghé thăm'