Người phụ nữ 20 năm cơ cực nuôi chồng và mẹ chồng bị tâm thần

- Suốt mấy chục năm qua, tại vùng quê nghèo xứ Quảng, có một người dâu hiếu thảo đã hy sinh hạnh phúc cuộc đời mình để gồng gánh nuôi cả gia đình “ngớ ngẩn” nhà chồng.
“Nàng Thoại Khanh” thời hiện đại
Đến miền sơn cước Phú Ninh vào lúc giữa trưa, nắng như đổ lửa. Cái nắng chua chát của miền Trung cứ phả vào mặt khiến cho những lữ khách phương xa như chúng tôi khó chịu. Tạt vào quán nước ven đường, chúng tôi vô tình nghe được câu chuyện cảm động về chị Trần Thị Yên (45 tuổi, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), đã hi sinh hạnh phúc của riêng mình để nuôi cả gia đình nhà chồng ngớ ngẩn gần 20 năm nay. Tò mò và cảm động, tôi và cô bạn đồng nghiệp quyết định tìm đến thăm “nàng Thoại Khanh” thời hiện đại này.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Yên nằm nép mình khiêm tốn trên mảnh đất trống, xung quanh vắng vẻ, tĩnh mịch lạ thường. Bên trong nhà trống hơ trống hoác, chẳng có nổi vật gì đáng giá tiền chục. Thấy khách lạ đến, chị Yên vội vã chạy ra sân nhắc nhở: “Nhà tôi có người tâm thần, cô chú cẩn thận đừng làm ồn kẻo bị đánh đó…”
Dẫn chúng tôi vào nhà, mặt mày còn lấm lem nhọ nồi vì đang nấu dở nồi cơm dưới bếp, chị Yên nghẹn ngào tâm sự về cuộc đời mình. Sinh ra trong một gia đình "nghèo rách mồng tơi" nên từ nhỏ, chị đã phải lao động vất vả. Rồi lớn lên, chị kết duyên cùng anh Nguyễn Hữu Phước (SN 1973) bởi sự đồng cảm về cảnh ngộ.
Người đàn bà “khùng” gần 20 năm nuôi cả gia đình chồng ngớ ngẩn

Gần 20 năm qua, một mình chị Yên nuôi cả gia đình ngớ ngẫn nhà chồng mà không hề một lời than trách 

Lúc chị đồng ý lấy anh Phước, ai cũng bảo chị “khùng”, bởi nhà anh Phước “nghèo rách mồng tơi”, lại phải nuôi mẹ già và anh trai bị tâm thần. Thế nhưng, bằng tình yêu, chị đã bất chấp tất cả để cùng anh Phước xây dựng tổ ấm. Và rồi hạnh phúc ngập tràn khi gia đình nhỏ dần có thêm những tiếng khóc của trẻ thơ. Tuy cuộc sống khốn khó trăm bề, thường xuyên thiếu cái ăn, cái mặc song đôi vợ chồng trẻ vẫn cảm thấy mãn nguyện.
Thế nhưng, ông trời thật không thương nhà nghèo, anh Phước đang khỏe mạnh bỗng nhiên phát bệnh tâm thần. Từ ngày chồng bệnh nặng, trong nhà cũng chẳng còn lấy một cắc bạc, thêm vào đó là người anh chồng cũng bị tâm thần bẩm sinh, mẹ chồng già yếu, giờ lại thêm lú lẫn. Hàng tháng chị Yên phải chạy ngược, chạy xuôi vay mượn khắp nơi và cộng với số tiền ít ỏi mà chị lao động cực khổ suốt ngày đêm mới có được nhưng cũng không đủ tiền cho ba người thân uống thuốc cầm chừng...
Cứ ngỡ, bất hạnh như vậy đã là cùng, thế nhưng vài năm trở lại đây chị Yên còn bị mắc căn bệnh viêm xương khớp, đi lại rất đau đớn và khó khăn. Dù xót xa cho số phận bi thương của gia đình nhưng chị Yên cũng chỉ biết lặng thầm nuốt ngược nước mắt vào trong, cố lết chân đi làm lụng để chăm sóc cả đại gia đình bệnh tật và trên hết là nuôi nấng hai đứa con nhỏ của mình nên người.
Tấm lòng hiếm có
Có lẽ, đến đây, chẳng ai có thể kìm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh một cụ già với đôi chân co quắp, cặp mắt trắng đục, nằm trơ trụi trên chiếc giường tre ọp ẹp. Phía dưới gầm giường là một mớ những thứ hỗn độn nằm lăn lóc, vươn vãi. Cách đó không xa là người anh chồng đang nằm bẹp dưới nền nhà ẩm thấp mà khóc than với cái... đầu gối của mình.
Người đàn bà “khùng” gần 20 năm nuôi cả gia đình chồng ngớ ngẩn

Từ ngày phát bệnh, chồng chị Yên chỉ biết chui rúc trong góc nhà 

Còn anh Phước, bây giờ đã mất hết lý trí, suốt ngày chỉ biết la hét và chui rúc trong góc phòng tối om, không còn ý thức về cuộc sống bên ngoài. Oái ăm hơn, mỗi khi lên cơn, anh lại đập phá hết đồ đạc trong nhà và đuổi đánh chị Yên dã man.
Gần 20 năm qua, kể từ ngày về làm dâu, tất tần tật mọi việc từ nấu ăn, giặt giũ, đút cơm cho chồng, anh chồng, mẹ chồng và con ăn… đến vệ sinh cá nhân của họ đều một tay chị Yên cáng đáng hết, thế nhưng chưa bao giờ chị có một lời thở than hay oán trách.
Với chị, họ là người thân, là máu mủ, ruột thịt nên những vất vả của chị không có gì đáng nói. Cực khổ, khó nhọc là thế, chị vẫn âm thầm cố gắng, không một lần có ý định rũ bỏ để bản thân được thảnh thơi. Chị cứ sống, cứ làm tất cả những việc có thể làm với một tâm thế hiếu thuận lạ kỳ.
Nhớ lại những ngày tháng khổ cực khi mới về làm dâu, chị tâm sự “Mỗi con người sinh ra đều có số kiếp cả rồi! Đã về làm dâu thì bố mẹ chồng cũng như bố mẹ mình, anh chồng dù có bệnh tật đi nữa thì cũng phải chăm sóc như anh em ruột thịt của mình… Vất vả đến mấy chị cũng không sợ, chỉ sợ người đời nghĩ xấu rằng mình không lo chu toàn được gia đình, bỏ rơi người thân nhà chồng mà thôi ”.
Người phụ nữ 20 năm cơ cực nuôi chồng và mẹ chồng bị tâm thần

Hai đứa con chăm ngoan, học giỏi là niềm động lực của người phụ nữ này

Chúng tôi chia tay chị khi trời vừa chạng vạng tối, ở nơi thâm sơn cùng cốc này, màn đêm dường như buông xuống nhanh hơn, mưa bụi lất phất bay theo từng cơn gió heo mây thổi đến mỗi lúc càng thêm nặng hạt. Trong căn nhà lụp xụp ấy, mâm cơm tối đạm bạc được dọn ra với thức ăn chỉ là một rổ rau luộc và một bát nước mắm. Chị Yên cặm cụi bón từng muỗng cơm cho ba con người bệnh tật ăn trong khoảng không gian chật hẹp, tĩnh lặng đến nín thở... 
Trong giây phút ấy, tôi chỉ biết đứng lặng người, khóe mắt bỗng cay cay, chị Yên đã gợi cho tôi liên tưởng đến hình ảnh của một nàng Thoại Khanh thời hiện đại - cặm cụi, tảo tần và hy sinh cho gia đình chồng mà không một lời than trách... Câu chuyện của người đàn bà nghèo ấy khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục, hỏi ở đời có mấy cảnh đau thương nhưng đầy tình người như thế?!
Bài, ảnh: Khương Mỹ - Thanh Hằng
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Trẻ nhỏ sinh vào 7 ngày này, tương lai thành danh, bố mẹ mở mày mở mặt