Người dân thấp thỏm sống trong những căn nhà bên bờ kênh

Thành Đạt 2015-07-24 14:44
- Dọc theo nhiều bờ kênh của Tp.HCM, nhiều căn nhà tạm bợ, lụp xụp đang có nguy cơ bị “hà bá” nuốt chửng từng ngày.

Giấc ngủ không ngon

Những năm gần đây, tại Tp.HCM tình trạng sạt lở ở các con sông, dòng kênh đang trở nên ngày càng một nghiêm trọng. Tại dọc nhiều đường như Phạm Thế Hiển, Trần Xuân Soạn (quận 8), Bến Vân Đồn và Tôn Thất Thuyết (quận 4), đang tồn tại nhiều căn nhà lụp xụp, xiêu quẹo đang có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Người dân thấp thỏm sống trong những căn nhà chờ “hà bá” nuốt bất cứ lúc nào
Nhiều căn nhà được chống bởi các cây cừ mục nát và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Tại đây, theo ghi nhận, hàng trăm căn nhà dọc theo bờ kênh Đôi được chèo chống bởi nhiều cây gỗ. Nhiều cây gỗ bị mục nát, hư hỏng nghiêm trọng nhưng vẫn được người dân sử dụng cho căn nhà của mình. Bên cạnh đó, nhiều trụ bê tông bị nước bào mòn ló cả sắt cong vẹo ở bên trong.

Chị Hồng (ngụ đường Phạm Thế Hiển, quận 8) cho biết, dọc theo bờ kênh có rất nhiều căn nhà xập xệ, xuống cấp. Tuy vẫn chưa có sự cố nào xảy ra, nhưng tình trạng rất nguy hiểm mỗi khi tới mùa mưa gió.

“Ở đây, nhà nào có tiền thì đổ trụ bằng bê tông. Còn không có tiền thì phải đóng cột gỗ. Nếu không để ý, khi cột gỗ bị mục thì căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào”, chị Hồng nói.

Người dân thấp thỏm sống trong những căn nhà chờ “hà bá” nuốt bất cứ lúc nào
Nhiều người dân tỏ ra lo lắng cho căn nhà của mình đang ở không biết sập khi nào.

Đang sống trong căn nhà nằm sát kênh, ông H. (ngụ quận 4) chia sẻ, hàng đêm dù đi ngủ nhưng gia đình ông luôn phập phồng lo sợ căn nhà mình. Được xây dựng hơn chục năm, nhưng vì không có tiền để sửa chữa và chuyển chỗ mới nên gia đình ông vẫn cố bám trụ dù biết nguy hiểm luôn rình rập.

Một người dân địa phương nói: “Ở đây, mỗi khi tới mùa mưa nước lại tràn vào nhà, sóng nước đánh mạnh khiến cho các trụ gỗ rung lắc làm ai cũng lo lắng. Nhưng vì hoàn cảnh, nên không ai chuyển đi được mà vẫn cố sống tại đây”.

Chờ đợi giải tỏa và đền bù

Tại khu vực rạch Ông Lớn chạy qua quận 4 và quận 7, Tp.HCM, nhiều căn nhà xuống cấp trầm trọng nằm san sát nhau vẫn được người dân sử dụng bất chấp chính quyền địa phương nhiều lần đề nghị dời đi.

Người dân thấp thỏm sống trong những căn nhà chờ “hà bá” nuốt bất cứ lúc nào
Nhiều hộ dân đang chờ giải tỏa và đền bù hợp lý để di dời đi.

Qua tìm hiểu từ người dân địa phương cho biết, dù được thông báo giải tỏa nhiều năm nay nhưng vì chính quyền đến bù không thỏa đáng khiến người dân vẫn có chịu dời đi và tiếp tục sống trong những căn nhà nguy hiểm.

“Thật ra có ai muốn ở nơi đây nữa đâu, nhưng mọi người chưa dời đi được. Mỗi ngày sống là mỗi ngày lo lắng, vì chẳng biết nhà sập khi nào. Như nhà cô chỉ có 150 triệu, giờ cầm số tiền đó biết mua ở đâu”, bà L. (ngụ quận 7) tâm sự.

Người dân thấp thỏm sống trong những căn nhà chờ “hà bá” nuốt bất cứ lúc nào
Nhiều trẻ em vui chơi trong khu vực nguy hiểm và có thể sập bất cứ lúc nào.

Tương tự, tại khu vực quận 8, nhiều hộ dân lại đang ngóng trông ngày giải tỏa để có thể chuyển đi đến một khu vực khác sinh sống an toàn hơn.

“Tôi nghe nói giải tỏa lâu lắm rồi nhưng vẫn chưa thấy động thái gì cả. Nếu nhà nước đền bù và tính toán hợp lý cho người dân, thì ở đây người dân sẵn sàng di dời đi nơi khác. Chứ giờ ở đây, dù có tiền cũng không xây cất được nhà, trong khi đó nhà xuống cấp dẫn đến nguy hiểm cho gia đình”, ông Hai cho biết.

Trước đó, ngày 2/7, một vụ sạt lở đã diễn ra ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đã làm cho một căn nhà cùng nhiều tài sản có giá trị bị "hà bá" cuốn trôi.

Ngoài ra, đêm ngày 4/7, tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè một vụ sạt lở trong đêm cũng đã đánh sập phần đuôi của hai căn nhà và làm vỡ một hồ tôm. Nhờ phát hiện kịp thời, nên người dân đã may mắn chạy thoát trong đêm.

Thành Đạt
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Tập 5 bài gập bụng này trong 2 tuần mỡ bụng một đi không trở lại