Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, có hiệu lực từ 1/7/2016 có quy định về ngoại tình có thể bị phạt tù. Nhiều người lo ngại, cho rằng đó là hình sự hóa quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Bùi Đình Ứng – Trưởng Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội khẳng định, quy định này đã tồn tại từ lâu. Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ cụ thể hơn hành vi vi phạm mà không cần thông qua thông tư hướng dẫn. Hiện nay, nhiều người đang hiểu sai về điều luật này khi cho rằng ngoại tình sẽ bị phạt tù.
“Tôi nhấn mạnh, việc bị xử phạt tù khi ngoại tình phải dẫn tới hậu quả”, đó là ý kiến của luật sư Bùi Đình Ứng.
Dẫn chứng về việc cụ thể và chi tiết hóa hơn, luật sư Bùi Đình Ứng chỉ ra: "Theo Điều 147 BLHS hiện hành thì tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, trừ trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này,phải có hậu quả nghiêm trọng nhưng nhưng chưa có quy định cụ thể thế nào là hậu quả nghiêm trọng".
Tuy nhiên, điều 182 BLHS năm 2015 đã đưa ra cụ thể hơn so với 147 BLHS hiện hành về hậu quả nghiêm trọng, đó là “Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn” như khoản 1 điều luật này. Và tại khoản 2 cũng quy định cụ thể tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là: “Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát”.
Còn về khung hình phạt, theo luật sư Ứng không có sự thay đổi. Trả lời cho câu hỏi, lý do vì sao, điều luật này vẫn khó xử lý hình sự những người vi phạm? Luật sư Bùi Đình Ứng nói: “Điều luật này đã có rồi chứ không phải bây giờ mới có nhưng tôi cho rằng cơ quan thi hành tố tụng, người có trách nhiệm phải nghiêm khắc về vấn đề này. Trong thực tế ngoại tình làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn nhưng vợ hoặc chồng thường không muốn kiện ra pháp luật, vì cho rằng việc để cho người tình của vợ hoặc chồng đi tù cũng vất vả, tốn thời gian và phía sau đó là rất nhiều chuyện thị phi.
Cũng theo vị luật sư này, điều luật mới sẽ có những tác động tới xã hội tích cực nhất định khi làm thức tỉnh nhiều người trong xã hội. "Họ thấy sợ, thấy ngại và thấy được hậu quả của hành vi ngoại tình dẫn tới hậu quả bị xử lý. Về mặt đạo đức cũng giúp chúng ta biết kiềm chế hơn về dục vọng, phải làm tấm gương người bố, người chồng, người vợ hay người mẹ thật xứng đáng", luật sư Ứng bày tỏ quan điểm.
Khó chứng minh?
Cùng chung vấn đề này, theo quan điểm của 1 chuyên gia xã hội học, việc điều luật này đã có từ lâu nhưng không thể thực thi cũng xuất phát từ việc điều luật 147 BLHS không nói cụ thể thế nào là chung sống như vợ chồng, thế nào là hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, các nghi ngờ về ngoại tình rất khó chứng minh. Lấy ví dụ, nhiều người có vợ có chồng rồi nhưng họ nảy sinh tình cảm và đi lại với nhau cũng không đủ cơ sở nói họ ngoại tình để rồi xử phạt.
Chính vị này cũng bày tỏ quan điểm, dù có hậu quả nghiêm trọng xảy ra như vợ chồng ly hôn hay có người trong gia đình tự sát theo điều luật chỉ ra, thì người vi phạm cũng tìm cách giải thích theo kiểu, đó chỉ là mối quan hệ trên mức tình cảm chứ không có chuyện “chăn gối, giường chiếu” xảy ra.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia xã hội học này, việc thay đổi chi tiết trong điều luật này sẽ góp tiếng nói bảo vệ được các mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, bảo vệ được hạnh phúc của các gia đình bằng pháp luật.
Khi luật đi vào đời sống sẽ có những tác động và bảo vệ được quyền lợi của người dân. Với nhiều người đã có gia đình khi biết được điều luật này sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới bày tỏ rất đồng tình. Đặc biệt khi luật quy định rõ mức độ hậu quả của ngoại tình gây ra.
Thời gian qua trên mạng Internet, mạng xã hội, các diễn đàn sôi sục các câu chuyện đánh ghen. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, khi luật có hiệu lực có thể những vụ đánh ghen như vậy sẽ giảm đi. Chị P (Linh Đàm, Hà Nội) cho rằng, các vụ đánh ghen có thể giảm là nhờ vào việc nếu vợ/chồng có bạn đời ngoại tình mà đã thu thập đủ chứng cứ và hai người ly hôn thì sẽ áp dụng theo luật để tiến hành khởi kiện.
"Lúc đó, vợ/chồng có bạn đời quan hệ ngoài luồng hay nói cách khác ngoại tình chẳng phải mất thời gian đánh ghen làm gì nữa. Họ sẽ nhờ đến pháp luật bảo vệ và người ngoại tình sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó là điều mà họ mong mỏi nhất rồi", chị P cho hay.
Điều 182 Bộ luật hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định:
1.Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
(Trích Bộ luật Hình sự 2015)
Thủy Nguyên
Công Vinh chỉ đích danh CEO: 'Tôi thách chị xác minh 325 tỷ'