Ngày 8/3: Gặp người giữ nét đẹp tà áo dài giữa phố cổ Hà Nội
Tin liên quan
Thương hiệu trăm năm
Từ xa xưa, Thăng Long là nơi có người dân bốn phương hội tụ về. Họ gặp nhau giữa đất kinh kỳ, mang theo bao nét tinh hoa văn hóa nhiều vùng để lập nghiệp. Cũng bởi thế mà Thăng Long trở thành nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa.
Một trong những nét đẹp được hội tụ tại đất Thăng Long từ hàng trăm năm trước đó là nghề may áo dài ở phố Lương Văn Can có xuất xứ từ Trạch Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).
Nói về Tổ nghề, bất cứ ai ở đây cũng có thể kể cho bạn nghe với niềm tự hào về Bà Nguyễn Thị Sen, người làng Trạch Xá, là thứ phi của vua thời xưa. Bà là người rất khéo léo, đã học may ở trong cung, sau đó truyền dạy cho dân làng. Cho đến bây giờ, phố áo dài Lương Văn Can này còn tồn tại khá nhiều câu chuyện đầy lý thú, những giai thoại thật ấn tượng về nghề may, về những người thợ đã có vinh hạnh may áo cho vua quan.
Cũng chính vì lẽ đó, trên tuyến phố chưa đầy 1km, khách du lịch có thể nhìn thấy vài chục hiệu may với những cái tên thú vị như : Vinh Trạch, Đức Trạch, Phương Trạch, An Trạch,…. Chữ “Trạch” đằng sau tên mỗi chủ hộ gia đình như một lời nhắc nhở về niềm tự hào, sự biết ơn đối với vùng đất tổ của nghề may áo dài – làng Trạch Xá.
Giữa phố nghề may áo dài, gia đình bà Lê Thị Quyến và ông Lê Thành Vinh như một minh chứng sâu đậm nhất cho việc kế thừa và phát huy nghề truyền thống của dân tộc.
Nổi tiếng khắp vùng vì đôi bàn tay khéo léo, giỏi giang trong việc học nghề từ năm 12 tuổi, cô bé Quyến năm nào được người trong vùng hết lòng khen ngợi. Hồi đó, cha của bà là người may áo dài có tiếng được nhiều gia đình giàu có mời đến may đo nên bà cũng thường được đi cùng học hỏi.
Năm 17 tuổi, nàng thiếu nữ xinh đẹp và khéo tay ấy kết hôn cùng với một chàng thanh niên tên Vinh có tài may áo dài đẹp nhất làng ngoài.
Nghề may áo dài được mọi người trân trọng bởi lẽ làm đẹp cho mọi người nhưng không hẳn là một nghề dễ kiếm được tiền. Có những thời kì khó khăn, bà Quyến cùng chồng vừa phải vội vàng kiếm tiền nhờ tiệm may, vừa may thuê áo bông cho công ty mới đủ tiền mua gạo cho các con ăn học.
Được truyền từ đời này qua đời khác, cho đến hiện nay, nghề may của gia đình bà Quyến và ông Vinh đã truyền được 4 đời. Mặc dù đã ngoài 70 tuổi với 63 năm tuổi nghề nhưng từng đường kim, mũi chỉ của bà Quyến vẫn tinh tế và chuẩn xác vô cùng.
Bây giờ tuy đã có tuổi, nhưng ngày ngày bà Quyến vẫn đứng cắt may cho khách. Thậm chí, chỉ cần nhìn dáng người, bà cũng biết nên may áo theo kiểu gì, ước chừng được số đo bao nhiêu, dài rộng ra sao.
Vì vậy, tiệm may của bà không chỉ thu hút khách hàng trong nước mà còn có cả những du khách nước ngoài. Khách hàng nào đối với bà cũng là thượng đế, không phân sang hèn bởi lẽ với bà cái đẹp tồn tại ở mọi góc của cuộc sống.
Do tuổi cao và sức khỏe ngày càng yếu đi nên ông Vinh đã không còn đứng may áo dài mà chỉ đóng vai trò “quân sư”, góp ý cho sản phẩm của bà Quyến hoàn hảo hơn. Thương hiệu của ông bà cũng vì có đôi bàn tay của 2 nghệ nhân tài giỏi mà khẳng định được sự “đẳng cấp”, biểu trưng cho những gì tinh túy nhất của nghề may Trạch Xá xưa kia.
Bà Quyến sinh được 7 người con, 1 nam, 6 nữ. 7 người con của ông bà, mặc dù có công việc riêng nhưng vẫn nối nghiệp bố mẹ như một nghề tay trái. Không muốn để nghề gia truyền mai một, người con trai cả và người con gái thứ 5 đã quyết định nối nghiệp bà Quyến và xây dựng thêm cơ sở riêng trên phố Lương Văn Can.
Là một nghề thủ công đòi hỏi cao về tính thẩm mĩ nên công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ. Bà Quyến cho hay: “Người làm nghề này phải chịu khó, tỉ mỉ và đặc biệt phải biết lắng nghe. Cảm quan về cái đẹp là cái quan trọng hơn cả vì thế phải có sự lắng nghe, chia sẻ để hoàn thiện sản phẩm của mình hơn”.
Bà Quyến quan niệm người làm nghề phải biết lắng nghe khách hàng.
Tà áo dài còn mãi với thời gian
Bà cho biết, trước đây, người phụ nữ hay mặc áo dài hơn bây giờ. Người mặc áo dài chia thành hai xu hướng gồm: những người đi làm và giới tiểu thư khuê các. Kiểu dáng áo dài ngày xưa được ưa chuộng là tứ thân trùng màu, liền vai, có sống và vạt con dài. Những người đi chợ, buôn bán thường mặc áo tông màu nâu và được buộc vạt phía trước. Phần sau áo được chia thành 4 phần rõ nét nhưng tông màu chỉ có phần hơi khác biệt về độ đậm nhạt mà không “xanh đỏ như bây giờ”.
Trong ký ức của mình, bà Quyến còn nhớ nhiều tiểu thư khuê các thích mặc áo dài, bởi với họ tà áo đẹp và mảnh mai không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.
Sau đó, trải qua năm tháng, tà áo dài được du nhập cách thiết kế mới nên kiểu tứ thân, liền vai không còn thịnh hành nữa mà chuyển sang xu thế áo dài Giéc lăng (chit hai đường từ cổ áo xuống dưới nách), hai tà trước sau. Xu thế áo dài mới khiến cho tà áo dài gọn và bó sát hơn những kiểu cũ.
Hiện nay, kiểu áo dài Giéc lăng vẫn được thịnh hành và được biến tấu bằng việc thay đổi chất liệu, cách tân cổ áo, tay áo và độ dài tà áo cho phù hợp với từng lứa tuổi và từng phong cách của mỗi người.
Kiểu dáng có thay đổi, kiểu cổ truyền thống được cách tân như cổ thuyền, cổ tròn, cổ vuông…hoặc tay lỡ, tay ngắn nhưng tựu chung lại vẫn mang nét thanh lịch, dịu dàng.
"Các cô, các chị thường chọn chất vải voan kính, voan mỏng để may áo dài. Còn các bà, các mẹ lại thích chất liệu như nhung, lụa tơ tằm… cho thoải mái. Xu hướng năm nay, khách hàng quay lại ưa chuộng loại vải gấm để hướng tới nét đẹp sang trọng, quý phái", bà Quyến nói.
Đọc thêm bài viết đáng chú ý:
Châu Loan
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất