Mùa tuyển sinh: Cuống cuồng lo chuyện bồi bổ cho con

Thanh Thu 2015-04-10 18:53
- (Em đẹp) - Tuyển sinh 2015 đang cận kề, lo sợ con học tập căng thẳng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng thi cử, nhiều bậc phụ huynh “chạy đua” bồi bổ món ngon cho con.

Xây dựng chế độ ăn đặc biệt

Chuẩn bị mùa tuyển sinh 2015, nhiều sỹ tử lao vào học tập đêm ngày. Phụ huynh hiểu rằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học sẽ giúp sỹ tử có sức khỏe dẻo dai, trí nhớ tốt để ôn luyện. Vì thế, khi sỹ tử bước vào cuộc chạy đua ôn thi thì cũng là lúc nhiều bậc phụ huynh bước vào chiến dịch “bồi bổ” cho con. Cho con ăn gì, uống gì, khẩu phần… ra sao để vừa khoa học, vừa hợp khẩu vị của con là những câu hỏi khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu.

Năm nay, cô con gái lớn của chị Ngọc Hoa (Long Biên, HN) sẽ thi Đại học. "Ngoài thời gian học ở trên lớp, cháu nó còn học thêm ở các lò luyện thi nữa. Nhiều khi thấy con về nhà trong bộ dạng phờ phạc, ăn uống không ngon miệng, tôi xót lắm. Giờ đang là giai đoạn căng thẳng của cháu, lúc nào tôi cũng chỉ sợ cháu học hành vất vả rồi kiệt sức. Vậy là khoảng 1 tuần gần đây, tôi bắt đầu xây dựng thực đơn ăn uống đặc biệt cho con”, chị Hoa tâm sự.

Các bữa chính, ngoài một số món cơ bản, chị còn chuẩn bị thêm các món quay vòng như óc lợn, chim bồ câu hầm, gà ác cách thủy, hải sản… Bữa phụ cũng được chị chú trọng hơn, đặc biệt là vào mỗi buổi tối khi con gái ở trong phòng học bài.

Món chè sâm bổ lượng mà chị Hoa đã mất khá nhiều công sức để nấu cho con gái

“Mấy hôm vừa rồi thời tiết oi nóng bất thường, cháu nhà tôi có vẻ mệt mỏi lắm, ăn ít và bảo là không ngon miệng. Tôi kể chuyện với cô em gái ở trong Nam thì được mách là nên nấu cho cháu món chè sâm bổ lượng. Món này rất phổ biến trong đó, có nhiều vị thuốc bắc như táo tàu, hạt sen, long nhãn nên vừa giúp thanh nhiệt cơ thể vừa rất tốt cho trí nhớ. Vậy là tôi cũng lên mạng tra công thức nấu, chưa hiểu chỗ nào thì điện thoại cho cô em hỏi thêm. Rất mừng là cháu nhà tôi thích món này, nên cứ đôi ba hôm là tôi lại nấu chè sâm bổ lượng”, chị Hoa phấn khởi nói.

Con trai thứ hai của chị Huỳnh Liên (Thanh Trì, Hà Nội) rất gầy, cao 1m73, nhưng chỉ nặng 52kg. Bình thường chị đã rất quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn để con tăng cân. Gần đây, thấy con bước vào công cuộc ôn thi đại học, vấn đề bồi bổ dinh dưỡng càng được chị Liên coi trọng, đặt lên hàng đầu.

“Hầu như ngày nào tôi cũng cố gắng xử lý xong sớm công việc để về nhà đi chợ, mua đồ tươi sống rồi hầm tôm, gà cho con. Vừa rồi, tôi còn đầu tư hơn 3 triệu đồng, mua chục hộp yến sào để tăng cường sức khỏe cho cháu”, chị Liên nói.

Không tiếc tiền bạc, công sức để tẩm bổ cho con, song điều khiến chị Liên phiền lòng là càng nấu nhiều món ăn ngon thì con chị càng lười ăn, có món còn chẳng thèm đụng đũa. Chị thở dài: “Tôi đã cố gắng phân tích cho cháu là ngày thường ăn ít cũng không sao, nhưng bây giờ áp lực học tập căng thẳng, biếng ăn là sẽ đổ bệnh, không có sức mà học. Nghe tôi nói, cháu cũng cố gắng đụng đũa đụng bát, song có vẻ không thích thú hay thấy ngon miệng gì cả. Tôi phải để ý con từng bữa một, sểnh ra cái là con bỏ bữa ngay. Nhìn thằng bé người vốn đã gầy, giờ còn gầy hơn, tôi lo lắm”.

Sợ hãi vì bị mẹ ép ăn

Không chỉ chị Hoa, chị Liên mà rất nhiều bậc phụ huynh khác có con học lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh cũng đau đầu chuyện dinh dưỡng mùa thi. Hầu hết các bà mẹ đều hiểu rằng việc ôn thi rất vất vả, căng thẳng, dễ khiến con họ suy nhược cơ thể. Vì thế, họ chạy đua tìm hiểu, rồi cả mách nước cho nhau tập tành nấu các món ngon có lợi, thậm chí chi tiền triệu cho các món đặc sản, bổ dưỡng. Đặc biệt, các món có lợi cho trí não được các bà mẹ săn lùng thường xuyên.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đã quên rằng, món ăn ngoài việc bổ dưỡng thì cần phải hợp khẩu vị với con mình. Điều này dẫn tới hệ lụy là nhiều món ngon mà bố mẹ tẩm bổ đã trở thành “cơn ác mộng” với các sỹ tử.

Hoàng Anh (lớp 12, trường THPT Cầu Giấy, HN) ngao ngán nói: “Gần đây, ngày nào mẹ cũng hấp óc lợn cho em ăn. Thú thực là nhìn cái món ấy em đã thấy sợ, không có hứng thú ăn uống gì hết. Thế nhưng mẹ cứ bảo là nó rất tốt cho não bộ, tăng cường trí nhớ, học đâu nhớ đó, không ăn được nhiều thì ăn vài thìa thôi cũng được. Thấy mẹ vất vả nấu nướng, sợ mẹ buồn nên em cũng cố ăn một ít, vừa ăn vừa sởn cả da gà. Ai ngờ tuần sau, mẹ lại hấp óc lợn, ép em ăn. Lần này thì em đành phải nói là em rất sợ món đó, kiên quyết không ăn nữa”.

Không nên ép sỹ tử ăn quá nhiều món, vừa không tốt cho dạ dày, vừa không tốt cho não bộ (ảnh minh họa)

Việc chạy đua tẩm bổ cho con cái thể hiện sự lo lắng, quan tâm, tình yêu thương của cha mẹ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ dinh dưỡng, cha mẹ không nên ép sĩ tử ăn quá nhiều. Vì như vậy dạ dày sẽ phải làm việc quá sức, gây đầy bụng, khó tiêu. Não bộ sẽ bị phân tán suy nghĩ vào sự ấm ách ở bụng, dẫn tới hoạt động không hiệu quả, việc học không vào.

Khi thử nghiệm các món bổ dưỡng mới, phụ huynh cũng nên hỏi ý kiến của con, tránh việc ép ăn những món không hợp khẩu vị, khiến con cảm thấy sợ hãi, chán ăn, ăn không ngon miệng.

Trên hết, hãy bổ sung cho sỹ tử các thực phẩm tươi sống, ăn đủ bữa, động viên con học hành điều độ, không thức quá khuya. Như vậy, cơ thể các em sẽ không bị uể oải, tinh thần luôn minh mẫn, ghi nhớ kiến thức một cách tốt nhất. 

Thanh Thu
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Gợi ý những bài tập yoga giảm cân giúp eo thon, da xinh, dáng đẹp