Tuyển sinh 2015: "Sốt xình xịch" chuyện chọn trường, chọn ngành

Thanh Thu 2015-04-07 06:03
- Trước những thay đổi về tuyển sinh đại học năm 2015, phụ huynh và học sinh không khỏi lo lắng. Không ít cha mẹ nghĩ cách thuyết phục để con cái nghe theo định hướng của mình.

Cả nhà “căng như dây đàn”

Những ngày gần đây, chị Hồng Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) khổ sở tìm cách để cô con gái cưng thi ngành mà gia đình đã định hướng.

Chị kể: “Vợ chồng tôi khó khăn đường con gái. Lấy nhau xong, chạy chữa đủ kiểu 5 năm trời mới sinh được mụn con. Vì thế chúng tôi cưng chiều con hết mực, không để cháu thiếu thốn hay vất vả gì. Cháu nó là con gái, tôi chỉ muốn cháu theo nghiệp của bố mẹ là làm ngân hàng. Chỉ cần cháu học ngành Ngân hàng, sau khi ra trường, cháu sẽ có việc làm ngay. Ấy vậy mà con bé không chịu nghe, cứ nằng nặc đòi thi ngành khác".

Nhưng đến khi gia đình 3 người ngồi lại với nhau để bàn chuyện tuyển sinh đại học 2015, thấy cô con gái tuyên bố thi ngành khác khiến chị bất ngờ.

“Càng lo lắng cho tương lai của con, sợ con sau này vất vả, vợ chồng chúng tôi càng một mực phản đối. Nhưng con bé cũng cứng đầu, nhất quyết cho rằng phải theo học một ngành mà nó yêu thích, đam mê. Nếu vợ chồng tôi không đồng ý, thì nó sẽ chẳng nộp hồ sơ thi cử gì hết. Chỉ vì mỗi chuyện nộp hồ sơ mà mấy hôm nay, không khí gia đình cứ “căng như dây đàn”, chị Hà thở dài thườn thượt.

Chị Ngọc Ánh (Thanh Xuân, HN) cũng rơi vào hàng loạt các rắc rối liên quan đến việc con trai chuẩn bị đăng ký hồ sơ thi đại học. Chị Ánh cho biết, gia đình chồng chị có truyền thống làm kinh doanh. Năm nay, Long - con trai lớn của chị thi đại học. Hết thảy mọi người trong nhà đều động viên, khuyến khích Long học ngành Quản trị kinh doanh để nối nghiệp gia đình. Thế nhưng khác với mong muốn của mọi người, Long lại cho rằng tuổi trẻ cần sống theo đam mê. Long thích trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới nên nhất định đòi thi ngành Du lịch.

Chị Ánh tâm sự: “Tôi đã có cuộc nói chuyện riêng với con trai. Cháu bảo, mỗi người có một cuộc đời để sống nên muốn sống cho chính mình chứ không thể sống theo mong muốn của người khác. Cháu còn nói là nếu tôi muốn cháu được hạnh phúc thì hãy để cháu sống theo sở thích”.

Nghe con trai nói thấu tình đạt lý, lại đọc trên báo chí nhiều trường hợp bố mẹ bắt ép con đăng ký ngành học theo nguyện vọng của bố mẹ rồi dẫn đến hậu quả đáng tiếc nên chị Ánh cũng xuôi xuôi.

Chị đem những lời Long nói, bày tỏ lại với gia đình nhà chồng. Ai ngờ, mọi người phản đối rất dữ dội. Chồng chị mắng chị là quá chiều con, để con hư, giờ không còn biết nghe lời người lớn. Bố mẹ chồng thì chê trách chị đã không khuyên con được thì thôi lại còn “tiếp tay” cho suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ chưa từng va chạm xã hội. Nếu Long không nối nghiệp làm kinh doanh, thì cơ sở kinh doanh của gia đình chẳng lẽ lại sụp đổ, giao cho người ngoài…

“Một bên là chồng và gia đình chồng, bên còn lại là con trai. Mấy hôm nay, tôi thường xuyên mất ngủ vì suy nghĩ không biết nên hành xử thế nào. Mặc dù rất tôn trọng nguyện vọng của con nhưng áp lực từ phía gia đình chồng là quá lớn”, chị Ánh chia sẻ.

Không đủ can đảm để nói chuyện chọn ngành với gia đình

Năm lớp 12 được xem là năm bước nhảy cuộc đời, việc chọn ngành học sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai sau này. Không chỉ các sĩ tử mới căng thẳng cân đo đong đếm trước khi làm hồ sơ dự thi, các bậc làm cha làm mẹ cũng rất sốt sắng lo chọn trường, chọn ngành cho con. Thế nhưng, khi mong muốn này đi ngược lại sở thích của con em họ thì đó lại là một áp lực rất khủng khiếp.

Ngọc T (học sinh lớp 12 của một trường cấp 3 tại tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, vì gia đình không có điều kiện nên bố mẹ T muốn con thi ngành Sư phạm để giảm bớt gánh nặng chi phí. Trong khi đó, T lại chỉ thích thi ngành Báo chí.

Mấy năm trước, chị gái em thi đỗ ĐH Luật và Cao đẳng sư phạm Hưng Yên. Mặc dù chị ấy rất thích Luật nhưng cuối cùng cũng đành phải chọn học Sư phạm vì bố em rất gia trưởng, chị ấy không dám làm trái ý bố. Ở quê, mọi người ai cũng quan niệm con gái học Sư phạm là nhất, công việc ổn định, nhàn nhã, kết hôn xong thì có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc chồng con. Bố em còn được hàng xóm, họ hàng cổ súy thêm quan điểm ấy nên rất cứng rắn. Mấy hôm nay, em đã nhiều lần định nói với bố về chuyện mình muốn đăng ký hồ sơ thi ngành Báo chí nhưng lại chưa có đủ can đảm”, T kể.

Những câu chuyện trên đây chỉ là một vài tâm sự của những bậc phụ huynh đang có con đứng trước ngưỡng cửa của cuộc thi THPT Quốc gia. Một mặt các em sẽ kết thúc quãng đời học sinh, đồng thời bước vào giảng đường đại học để bắt đầu hành trình mới. Việc phụ huynh lo lắng ngành học cho con là chính đáng và việc học sinh ngày càng thể hiện được quan điểm riêng khi chọn ngành không phải là hiếm.

Có thể thấy, tâm lý phụ huynh thường muốn con mình học đại học ở những trường top, ngành học có khả năng xin việc cao, công việc nhàn nhã mà thu nhập ổn. Mong muốn này xuất phát từ tình thương yêu đối với con cái. Song phụ huynh cũng nên tôn trọng sở thích, nguyện vọng của con mình. Hãy là người bạn đồng hành, tư vấn, định hướng cho con, thay vì là người đưa ra quyết định và bắt ép con cái phải thực hiện.

Thanh Thu
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Đường tình dàn mỹ nhân Việt tuổi Sửu: Người hạnh phúc viên mãn, kẻ lận đận