Lớp trưởng tiểu học là "Chủ tịch hội đồng": Nên hay không?

Vũ Minh 2015-07-19 09:26
- Việc đặt chức danh mới cho học sinh tiểu học là "Chủ tịch hội đồng" đang gây nhiều tranh cãi. Nhưng chúng ta cần ý thức được rằng, trẻ con cần học và chơi.
Mới đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã dự thảo điều lệ trường tiểu học và mở rộng mô hình dự án VNEN tại Việt Nam vào năm học 2015 – 2016. Song khi dự thảo này được công bố, đã gây xôn xao dư luận và gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều nhau từ phía các bậc phụ huynh cũng như học sinh trên địa bàn khắp cả nước.
Mở rộng dự án VNEN trên 3.700 trường tiểu học
Theo dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi với nhiều điểm mới được cập nhật theo hướng mô hình lớp học tự quản. Thay vì các chức danh lớp trưởng, lớp phó được đổi thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.
Theo nội dung trên trang web của Bộ GD-ĐT, Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education - Viet Nam Escuela Nueva) là một dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.
      Tại sao lại lấy chức danh
Mô hình lớp tự quản. Ảnh internet.
Theo dự thảo thì mô hình này ngoài chức chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng tự quản thì học sinh tự bầu ra các chức trưởng ban như: Ban học tập; Ban sức khỏe; Ban quyền lợi;… từ đó học sinh tự hoạt động, đưa ra các ý kiến của mình để cùng nhau học hỏi, dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Chiều ngày 16/7 vừa qua, trả lời báo chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, Việt Nam đã thử nghiệm thành công mô hình VNEN. Lúc đầu có 48 lớp, 24 trường và đã thành công ở những học sinh lớp 6, năm học mới sắp tới Bộ sẽ hoàn thiện tài liệu, triển khai tập huấn và có 1600 trường đăng ký triển khai mô hình VNEN ở cấp THCS ở lớp 6. Trong khi đó, Dự án hỗ trợ 1.447 trường. Cũng đến năm học mới 2015 - 2016 sắp tới đã có 3.700 trường (trong số hơn 15.000 trường tiểu học) đăng ký tham gia toàn diện VNEN.
Quyền lợi của học sinh hãy để học sinh tự quyết
Khi Dự thảo được công bố, dư luận đã dấy lên nhiều vấn đề trái chiều. Trong giới chuyên gia cũng như phụ huynh, học sinh họ đều có cả sự đồng ý và không đồng ý. Mỗi bên đều có những lý lẽ riêng, song chúng ta chưa nhìn nhận thực sự vào thực tại học sinh tiểu học hiện nay.
Anh Trần Minh Anh (Giảng Võ – Ba Đình – Hà Nội), là phụ huynh có con học lớp 3 tại Hà Nội chia sẻ: “Việc đặt chức danh chủ tịch hay lớp trưởng ở đây là hai phạm trù khác nhau. Đã là tự quản thì không nhất thiết phải đổi chức danh mới tự quản được. Khi chúng ta đã trao quyền tự quản với chức danh chủ tịch cho một đứa bé 7,8 tuổi liệu chúng có biết được mình đang làm gì không?. Có lẽ với chức danh tự quản này, tôi sợ rằng còn mình sẽ tỏ ra hống hách, cậy quyền bắt nạt bạn bè. Rồi dần trở thành thói quen khi nó giao tiếp với nhiều người xung quanh”.
Đồng quan điểm này với anh Minh Anh, anh Nguyễn Thế Tuấn (Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội) có con học lớp 5, cũng thẳng thắn khi nhấn mạnh rằng: “Tôi cũng được biết dự án này đã được thí điểm, song mặc dù là chủ tịch nhưng quyền hạn thì không khác gì lớp trưởng. Các bé vẫn phải được sự chỉ đạo của giáo viên chủ nhiệm. Thì tôi không hiểu để cái chức danh đó làm gì?. Hãy học tập mô hình giáo dục của Nhật Bản, họ cũng phân chia nhóm để học sinh tự học, tự quản. Nhưng chức vụ lớp trưởng, lớp phó được bình bầu luân phiên, để ai cũng được trải nghiệm”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trái chiều khác lại cho rằng, việc áp dụng mô hình mới này sẽ giúp học sinh tự học, tự khuyên bảo nhau để cùng nhau tiến bộ. Có nhiều phụ huynh có con khi trải nghiệm qua dự án cũng đánh giá tính cởi mở, dám bộc lộ ý kiến cá nhân của con mình. Chị Nguyễn Thị Hiền (Quận 3 – Tp.HCM) có con học lớp 5, trải nghiệm dự án VNEN đánh giá: “Mô hình đào tạo kiểu mới này giúp con tự tin hơn, mạnh dạn đề xuất ý kiến của mình trước tập thể lớp, thầy cô trong trường. Nhưng trên thực tế thì con mình nó vẫn không hiểu chức chủ tịch có ý nghĩa và vai trò gì? Nó chỉ biết nhiệm vụ của nó là quản lý mọi hoạt động của các bạn trong lớp, nhắc nhở các bạn học bài, vệ sinh sạch sẽ,… Tôi cho rằng, nên để các con tự quyết định trong việc thực hiện mô hình này”.
Cách gọi chủ tịch hội đồng là cách gọi còn mơ hồ đối với học sinh tiểu học. Khi mà trên thực tế các em đang tuổi học, tuổi nhận thức mọi thứ xung quanh mình để hoàn thiện, thì lại được gắn cho cái mác “Chủ tịch hội đồng tự quản” , “Phó chủ tịch hội đồng tự quản”,… trong lúc đó không hiểu nó là gì?!. 
Vũ Minh
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 3 con giáp dễ dàng thành đạt trước 30 tuổi