Hạnh phúc giản dị của cô giáo khiếm thị giỏi tiếng Anh

2016-11-19 19:30
- Bị thoái hóa võng mạc và trở thành người mù lòa, chị Đỗ Thúy Hà vẫn không hề gục ngã trước số phận.

Chúng tôi đến Hội người mù quận Đống Đa trong một buổi chiều đầu đông. Sau tiếng gọi cửa, chị Đỗ Thúy Hà trực tiếp mở cửa cho chúng tôi và đón tiếp niềm nở. Dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng nhưng chị Hà vẫn khiến người đối diện cảm nhận được sự lanh lợi, nhanh nhẹn và thông minh.

Dù chưa từng được học qua một khóa sư phạm nào nhưng chị Hà luôn được mọi người yêu mến gọi là cô giáo. Bởi chị đã đứng ra tổ chức rất nhiều lớp học dạy chữ cho những người khiếm thị cùng cảnh ngộ.

Cuộc sống đầy gian truân

Lúc mới sinh ra, đôi mắt của cô bé Đỗ Thúy Hà vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm lên 6 tuổi, đôi mắt mờ dần. Gia đình chị Thúy Hà đã đưa đi khắp các bệnh viện để chữa trị đều không có kết quả. Các bác sĩ đều kết luận chị bị thoái hóa võng mạc và không thể nhìn thấy gì nữa.

Nghỉ học ở nhà, chị Thúy Hà vẫn chăm chỉ học chữ cùng ông bà bằng cách viết chữ bằng bút dạ thật to lên các trang giấy để tập đọc. Nhưng sau một thời gian, đôi mắt ngày càng kém nên bố mẹ chị đã quyết định cho chị đến lớp chữ nổi dành cho người khiếm thị.

Chị tâm sự: “Nếu tôi sinh ra đã không nhìn thấy gì thì đã khác. Nhưng trong kí ức của tôi vẫn còn nhiều dấu ấn về ánh sáng, màu sắc, sự vật. Đến năm 15 tuổi, tôi hoàn toàn không thấy gì ngoài màu đen tối đặc. Những ngày đầu tiên đối diện với bóng tối, dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng vẫn rất hoang mang và sợ hãi. Nhưng tôi nghĩ đến bố mẹ, họ còn đau lòng hơn mình rất nhiều lần nên lại cố gắng, làm sao để không khiến bố mẹ buồn hơn nữa”.

Tình yêu đẹp và gia đình viên mãn của cô giáo khiếm thị đầy nghị lực

Hiện chị Đỗ Thúy Hà có thể sử dụng thành thạo cả máy tính lẫn điện thoại di động như người bình thường.

Bằng nghị lực của mình, chị Hà đã đạt được rất nhiều thành công trong học tập. Chị đặc biệt yêu thích tiếng Anh nên đã nhờ bạn bè người thân đánh vần để chép bài, rồi nghe băng để học phát âm. Bằng sự cố gắng nỗ lực, chị đã đọc thông viết thạo tiếng Anh, thậm chí là đoạt giải 3 kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc vào năm 2000.

Đến năm 2005, chị đăng ký thi một lớp du học của Nhật về kỹ năng lãnh đạo dành cho những người khuyết tật của châu Á Thái Bình Dương. Bằng trí thông minh, sự nhạy bén và ý chí nghị lực, chị đã vượt qua được các vòng loại và trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia lớp học này.

Những ngày du học tại Nhật Bản, chị Thúy Hà đã trải qua nhiều khó khăn khi một mình ở nơi đất khách. Chị phải tự nấu cơm, tự chăm sóc bản thân và không ít lần lạc đường. Mỗi ngày, chị đều một mình đến trường bằng tàu điện ngầm.

Từ nước ngoài trở về, chị làm việc tại Hội người mù quận Đống Đa. Chị mong muốn mang sức lực nhỏ bé của mình đến giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Từ đó, những lớp học chữ nổi cho những người khiếm thị được hình thành.

Tình yêu đẹp và gia đình viên mãn của cô giáo khiếm thị đầy nghị lực

Chị Thúy Hà mở lớp học dạy chữ nổi cho những người đồng cảnh ngộ.

Tình yêu đẹp, gia đình viên mãn của cô giáo khiếm thị.

Dù đôi mắt không còn nhìn thấy gì nhưng chị Đỗ Thúy Hà vẫn rất xinh đẹp và đằm thắm, nụ cười rất tươi và duyên của chị khiến mọi người đều cảm thấy chị là một cô gái bình thường như bao người khác. 

Chị không hay biết rằng có một chàng trai luôn cảm phục người con gái bé nhỏ mà phi thường này. Từ lòng cảm phục, chàng trai tên Đỗ Ngọc Anh đã thầm yêu và theo đuổi chị. Khi nghe được tiếng anh ngỏ lời muốn chăm sóc chị suốt đời, chị Hà đã vô cùng hạnh phúc.

Nhưng tình yêu của anh chị đã bị gia đình anh phản đối, vì chị Hà là người khuyết tật. Chị tâm sự: “Khi đến với anh, chuyện tình cảm của hai người bị gia đình anh phản đối. Vì tôi là người khuyết tật, không được đầy đủ như những người khác. Nhưng rồi anh ấy cũng đã thuyết phục được gia đình để chúng tôi đến với nhau”.

Tình yêu đẹp và gia đình viên mãn của cô giáo khiếm thị đầy nghị lực

Chị Thúy Hà rạng rỡ, xinh đẹp trong ngày vui của đời mình.

Rồi đám cưới đã diễn ra trong niềm hân hoan và chúc phúc của mọi người. Thế nhưng nhiều lúc chị Hà vẫn cảm thấy chạnh lòng, chị nói: "Đôi khi tôi muốn mua tặng chồng một chiếc áo, muốn tự tay lựa một món đồ cho anh nhưng không thể, buồn lắm chứ. Nhưng anh thật sự là chỗ dựa vững chắc giúp tôi cảm thấy bình an. Tôi hạnh phúc vì đã có anh yêu thương và nguyện đi cùng tôi đến cuối cuộc đời”.

Mỗi ngày, chị Hà đều được chồng đưa đi làm và chia sẻ việc nhà, tâm sự mọi điều buồn vui trong cuộc sống. Cuối năm 2011, hạnh phúc của chị càng viên mãn hơn khi chị sinh đứa con đầu lòng. 

Mặc dù rất khổ tâm vì không được thấy mặt con, nhưng với bản năng của một người mẹ, chị đã chăm sóc rất tốt cho cậu con trai nhỏ của mình.

Chị tâm sự rằng, bản thân đã phải tự nhắc chính mình thật nhiều về chuyện tự tay làm tất cả cho con. Cũng giống như những người mẹ khác, chị phải thức đêm hôm để chăm con, vì bị khiếm thị nên nỗi vất vả này còn nhân lên gấp bội.

Đã không ít lần chị bị bỏng vì pha sữa, quấy cháo cho con, đứt tay khi nấu nướng… nhưng với bản năng của người mẹ, chị đã quen dần được với việc chăm sóc cho con cái. “Tôi rất hạnh phúc khi thấy con lớn lên khỏe mạnh từng ngày. Giờ con đã lớn hơn, rất tự lập và lo lắng cho mẹ, nhiều lúc còn là đôi mắt dẫn mẹ đi khắp nơi. Tôi không mơ ước gì hơn nữa”, chị nói.

Thương vợ, chồng chị nhiều lần muốn thuê người giúp việc để đỡ đần cho chị việc nhà nhưng chị Hà đều từ chối. Bởi chị quan niệm rằng, được tận tay chăm sóc mái ấm của mình chính là điều hạnh phúc nhất mà người phụ nữ có được.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bánh ngô kiểu mới ngon giòn hết nấc, bé ăn mãi vẫn thèm