“Cô giáo đặc biệt” gần 25 năm chở ước mơ trên xe lăn

Khương Mỹ 2015-04-22 07:16
- (Em đẹp) - Đã gần 25 năm trôi qua trên chiếc xe lăn cũ kỹ, người cô giáo tật nguyền vẫn lặng lẽ dạy học cho những đứa trẻ ở xóm nghèo tình thương. Với cô, lớp học là tài sản vô giá, là niềm vui sống mỗi ngày và là nơi để cô thấy rằng mình vẫn còn có ích cho đời.
Bục giảng trên xe lăn
Buổi sáng giữa tháng 4, ngôi nhà nhỏ ở xóm liền kề Xuân Thiều (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đều đều vang lên tiếng ê a đọc bài của những đứa học trò. Ngồi trên chiếc xe lăn cũ kỹ, cô giáo Huỳnh Thị Xinh (50 tuổi) cầm phấn viết lên bảng những bài tập đọc, công thức toán học.
Lớp học của cô Xinh gói gọn trong một không gian chật hẹp, chỉ với vài chiếc bàn, chiếc ghế được bố trí ngay ngắn, gọn gàng. Sau khi hướng dẫn cho những đứa trẻ nội dung bài học, cô lăn xe đến từng bàn để chỉ bảo cho học trò. Trong suốt buổi học, môi cô luôn nở nụ cười dù từng vòng xe lăn thấm đẫm những giọt mồ hôi.
Lớp học của cô giáo tật nguyền
Lần gặp đầu tiên, tôi thật sự ấn tưởng bởi dáng người cao to cùng thần thái tự tin, yêu đời của cô. Ngồi trên chiếc xe lăn, cô say sưa kể cho chúng tôi nghe về lớp học của mình và cả những gì cô đã trải qua trong cuộc đời một cách trìu mến.
Vừa mới lọt lòng mẹ, cô Xinh đã bị bại liệt bẩm sinh, tuy hình hài, đôi tay bình thường nhưng đôi chân thì mềm nhũn, không thể cử động được. Suốt năm tháng ấu thơ, Xinh phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ người khác giúp đỡ.
Đôi chân bị liệt là trở ngại không hề nhỏ cho nhiều việc. Với những người có hoàn cảnh không may như thế thì đa số thường rất tự ti về bản thân và cô Xinh ban đầu cũng không ngoại lệ. Cô bảo: “Những ngày còn nhỏ, tôi cảm thấy rất mặc cảm với bạn bè, nhiều lúc xuất hiện ý nghĩ buông xuôi. Thế nhưng kể từ ngày tôi được cha cõng đến trường học thì cái ý nghĩ bi quan ấy đã xua tan lúc nào không hay”.
Với cô Xinh, lớp học là niềm vui sống mỗi ngày
Đôi chân tật nguyền nhưng suốt 12 năm học, Xinh luôn là học sinh giỏi nhất nhì trường. Năm 1986, cô được nhận học bổng toàn phần khóa học Anh Văn và máy tính. Vốn yêu thích nghề giáo nên từ nhỏ Xinh đã ấp ủ ước mơ sẽ thi vào trường đại học sư phạm. Thế nhưng, vì lý do sức khỏe và kinh tế gia đình quá khó khăn nên ước mơ của cô nữ sinh tật nguyền đành phải gác lại
Cứ ngỡ, ước mơ đáng trân trọng ấy của Xinh sẽ mãi chỉ là mơ ước. Thế nhưng trong một lần tình cờ nghe người dân trong xóm than thở vì không có điều kiện cho con mình học thêm, nên bọn trẻ tiếp thu bài trên lớp rất chậm, nhiều lúc không hiểu cũng chẳng biết hỏi ai. Từ đó, cô Xinh nảy ra ý định mở một lớp dạy thêm tại nhà để giúp cho những đứa trẻ trong làng.
“Cô giáo đặc biệt” của xóm tình thương
Nói là làm, cuối năm 1990, một lớp học thêm được cô Xinh mở ra trong sự ủng hộ của người dân ở xóm lao động nghèo. Lớp học của cô Xinh ban đầu chỉ có vài đứa trẻ hàng xóm từ lớp 1 đến lớp 9. Và rồi, tiếng lành đồn xa, học sinh đến với cô ngày càng đông. Bây giờ, cô phải chia ra nhiều ca để dạy cho hiệu quả, nhiều lúc, không có cả thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng với cô, hạnh phúc chính là việc mỗi ngày được thấy học trò đi học đầy đủ và khoe với mình những bông hoa điểm 10, bao nhiêu ấy thôi cũng đủ làm cô ấm lòng.
“Lớp học là tài sản quý giá nhất của tôi. Dù không có đôi chân bình thường  như người khác. Nhưng tôi thực sự thấy mình may mắn khi có các học trò luôn bên cạnh. Những giờ lên lớp giúp tôi thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn...”, cô Xinh cười tươi chia sẻ
Biết học trò có hoàn cảnh khó khăn, cô Xinh chỉ lấy một ít tiền học phí để trang trải qua ngày và cũng là để mua phần thưởng cho các em. Với những học trò có hoàn cảnh khó khăn, cô không lấy tiền trong suốt thời gian học. Một trong những học sinh mà cô Xinh thương nhất là em Phạm Văn Phước (lớp 2). Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Phước phải sống với ông bà già yếu nên suốt 2 năm học qua, cô Xinh không lấy của em một đồng học phí nào, không chỉ vậy mỗi năm học mới cô đều mua sách vở để tặng cho em.
Hay trường hợp của em Phạm Thị Thanh (lớp 9), mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bị tai nạn lao động nên không làm được việc gì. Từ đó, cô Xinh vừa bên cạnh động viên, vừa là chỗ dựa cho cô học trò bất hạnh. Gần 5 năm trời được cô Xinh dạy dỗ miễn phí, từ một học sinh có học lực yếu, Thanh đã vươn lên thành học sinh khá giỏi.
 “Trước đây em học rất yếu nhưng nhờ cô Xinh dạy bảo nên bây giờ em học khá hơn rất nhiều. Vì biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên cô không lấy tiền học phí. Mỗi khi em được học sinh giỏi hay đạt giải thưởng trong các kỳ thi thì đều được cô khen thưởng…”, em Thanh thật thà chia sẻ.
Cô Xinh luôn tận tâm với học trò nghèo của xóm tình thương
Mặc dù, chưa từng học qua trường sư phạm nhưng với những kiến thức mình có được từ những năm tháng học trò và tự tìm tòi học hỏi trên mạng, ngày ngày cô Xinh vẫn cùng chiếc xe lăn cũ kỹ lăn đều những vòng quay, vun đắp ước mơ cho những đứa trẻ ở xóm lao động nghèo.
Đến nay học trò được cô Xinh dìu dắt lên đến hàng trăm người, trong số đó, có em hiện đang theo học đại học, cao đẳng, có người giờ đã thành đạt, cứ thế những niềm vui nho nhỏ ấy từng ngày lớn dần, lớn dần trong cô.
Ông Hồ Thanh, chủ tịch Hội khuyết tật quận Liên Chiểu, cho biết: “Cô Huỳnh Thị Xinh là hội viên tiêu biểu và nằm trong ban chấp hành của Hội. Nhiều năm qua, cô ấy đã mang kiến thức của mình để truyền dạy cho các em học sinh ở xóm tình thương. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn được cô miễn hoàn toàn học phí. Với những đóng góp của mình, cô Xinh đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen của Hội và thành phố”.
Nhìn những đứa trẻ vui sướng khi hoàn thành một con chữ hay giải được một bài toán, chúng ta càng thấy trân trọng hơn những việc làm của cô Xinh, người mà trong suốt gần 25 năm giảng dạy, chưa bao giờ được đứng trên bục giảng và cũng không có bằng cấp nhưng với xóm nghèo tình thương này, cô chính là một 'giáo viên đặc biệt'.
Khuơng Mỹ
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vạn điều phụ nữ giấu trong lòng, đàn ông thường không nhìn thấu