Dạy trẻ tự kỷ: Nửa năm học sinh chỉ biết "ạ", cô giáo bật khóc

Thủy Nguyên 2014-10-07 09:21
- (Em đẹp) - Mất 6 tháng trẻ nói được từ “ạ”, “ba”, mất 7 tháng để trẻ 4 tuổi có thể biết nuốt, kích thích vị giác… là những điều đơn giản khiến người dạy trẻ tự kỷ mừng rơi nước mắt.
>>>Chăm con tự kỷ: Quặn thắt khi con đòi lao đầu vào tường, cửa kính

1 năm dạy trẻ nói "ạ cô", "bye"


Để giúp những "học trò đặc biệt” – trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi được can thiệp sớm, những giáo viên phải thật kiên trì và yêu nghề. Dạy trẻ bình thường đã là một hành trình khó khăn nhưng đối với trẻ tự kỷ, điều đó không chỉ là khó khăn mà còn là muôn vàn thử thách. Nói, rồi hướng dẫn 10; 20 lần thậm chí 100 lần, trẻ mới làm được những cử chỉ, thói quen đơn giản nhất.

Trẻ tự kỷ nên có biện pháp can thiệp sớm từ 2 - 6 tuổi để có tác động hiểu quả cao nhất. Theo chị Trần Thu Thương (Hiệu trưởng một trường mầm non đặc biệt ở Thanh Xuân, Hà Nội), mỗi đứa trẻ tự kỷ là một thế giới riêng, vì vậy các bé có hành vi, sở thích và khó khăn khác nhau. Để dạy trẻ tự kỷ, giáo viên phải hiểu tính cách của từng bé để áp dụng các chương trình, phương pháp khác nhau.

Chia sẻ khó khăn khi tiếp xúc, giúp đỡ những đứa trẻ đặc biệt này, chị Thương – người có kinh nghiệm nhiều năm dạy trẻ tự kỷ tâm sự: "Đôi khi tôi phát khóc khi trẻ làm được những điều đơn giản, một thời gian dài hướng dẫn trẻ biết ngồi xổm, chỉ tay, lăn đất nặn, ngồi trên ghế, ăn cháo, biết ngồi bô… Tôi còn nhớ có một bé quê ở Phú Thọ không biết nói nhưng sau 6 tháng ròng rã bé nói được 1 từ, biết chỉ ngón tay khiến cô và bố mẹ mừng rơi nước mắt".

Cô giáo Dần đang dạy các em học sinh tự kỷ làm quen dần với những con chữ hay thuần thục hơn các động tác để thích nghi với cuộc sống.

Cụ thể, trường hợp bé N. (4 tuổi, Hà Nội) không biết nuốt, không ăn bất kỳ thực phẩm gì ngoài uống sữa. Bố mẹ tìm đến đây với sự "bế tắc" không biết làm gì cho con. Ban đầu, các cô giáo phải xay nhuyễn cháo loãng và cho cháu ăn bằng cách mở miệng. Cữ sau mỗi bữa ăn cả hai cô trò đều phải đi tắm vì cháo vung vãi khắp nơi, thậm chí bé N. thường phun cháo vào mặt cô giáo khiến người ngoài không khỏi ái ngại. Nhưng chỉ sau 6 - 7 tháng, nhờ sự tận tình của các giáo viên, cháu đã có thể ngồi một chỗ và nuốt cháo bình thường.

"Nhớ ngày đầu bé N. được bố mẹ đưa đến trông yếu ớt, xanh xao, các cô gọi vui bé có dáng đi như cây lúa. Bây giờ, bé đã biết ăn cháo, chơi với các bài tập vận động và nói được từ "ạ", "ba", khiến bố mẹ phát khóc khi thấy sự tiến bộ rất nhỏ của con như vậy", chị Thương nói thêm.

Còn đối với cô giáo Phạm Thị Dần, mỗi đứa trẻ tự kỷ như "chiếc hộp" bí mật riêng, nhiệm vụ của người dạy là làm thế nào mở chiếc hộp đó nhanh nhất. Vì đặc thù trẻ tự kỷ khó tập trung và không có nhu cầu quan tâm đến những gì người khác nói, nên giáo viên phải nói ngắn gọn, dễ hiểu nhất và thật sự kiên nhẫn.

Chị nhớ câu chuyện cậu học trò ở Huế được bố mẹ đưa ra Hà Nội để chữa tự kỷ, bé có tật gặm tất cả đồ đạc xung quanh, bóc vỏ ghế ngồi, gặm bàn do bị rối loạn phần hàm không còn cảm giác. Chị Dần thử tất cả mọi cách nhưng tất cả đều không ăn thua. Và một thời gian sau với sự kiên trì của mình, tật xấu của bé đã dần bớt đi.

Còn trường hợp của bé Tuấn Anh (3,5 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) còn đặc biệt hơn thế, bé không chịu ăn bất cứ đồ ăn nào. Cháu bị suy dinh dưỡng, người gầy, xanh đét. Những ngày đầu tiên, cô Dần đã mua rất nhiều đồ ăn cho bé nhưng Tuấn Anh đều quay đi.

"Sau đó, tôi phải dẫn con ra công viên, vừa cho chơi vừa đút vào miệng bé từng miếng thức ăn nhỏ. Ban đầu chỉ là ăn do thói quen nhưng sau vài ngày như vậy đã kích thích vị giác và 2 tuần sau bé có thể tự cầm đồ ăn. Lúc thấy bé ngồi một chỗ tự ăn nửa quả chuối, mình rơi nước mắt vì sự tiến bộ ấy", cô Dần chia sẻ.


Mỗi sự trưởng thành của các con là niềm vui của mỗi giáo viên.

Dạy thói quen, cử chỉ, ăn uống đã khó khăn, dạy trẻ tự kỷ phát âm là một quá trình dài thử thách sự kiên nhẫn. Trường hợp một bé 9 tuổi, quê Hải Phòng có tật giơ tay che mặt khi thấy ai đó cầm một đồ vật. Cháu suy nghĩ rất ngây ngô và hoàn toàn không nói được. Sau 1 năm với các biện pháp can thiệp cháu đã nói được "ạ cô”, "bye".

Bị trẻ cào, cắn… là bình thường

Nhớ lại ngày đầu tiên tiếp xúc với trẻ tự kỷ khi đang là sinh viên năm 2 (Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương), trong lần đi thực tập, chị Thương bị "sốc" khi gặp cháu bé 3 tuổi cứ gặp người lạ sẽ gào khóc dữ dội.

"Lúc đầu bé gào khóc, đẩy tôi ra xa, đến buổi thứ 2 bé ít khóc hơn, dỗ mãi cũng không được. Lúc đó tôi phải giả vờ không để ý bé, ngồi chơi một mình, thấy vậy bé dừng khóc, thỉnh thoảng liếc mình. Những cái liếc trộm nhiều hơn, dần dần tham gia chơi nhiều hơn. Bé còn mắc tật nói ngọng nữa nên mất thời gian dài kiên trì dạy trẻ phát âm những từ đầu tiên o, a…", chị Thương kể lại.

Dạy trẻ tự kỷ không chỉ khó mà việc bị trẻ cào, cắn không còn mấy xa lạ. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải phản ứng thật nhanh. Những lúc các cháu "bùng nổ", việc kiểm soát hành vi của trẻ rất quan trọng. Có trường hợp một cậu bé có tật nghe thấy ai khóc là khó chịu và dẫn đến hành vi cắn tay, cào cấu bạn bè, cậu bé khiến chị Thương nhớ mãi.


Trẻ tự kỷ cần sự kiên nhẫn của giáo viên.


Có tật ném đồ vật, bé Teddy (gần 3 tuổi, Hà Nội) cũng không ít lần gây "tai nạn" với bạn bè, phụ huynh, cô giáo. Teddy chưa nói được và thường có hành vi cắn, đánh khi gặp người lạ. Thậm chí, có lần bé còn bực bội và ném thẳng chiếc xe lắc đồ chơi vào người cô giáo. Nhưng với phương pháp can thiệp giúp đỡ trẻ thay đổi hành vi, Teddy đã dần khắc phục được và đi học lớp 1 bình thường

Dù sự tiến bộ của từng trẻ tự kỷ khi học không nhiều nhưng chỉ cần sự thay đổi ở từng hành vi nhỏ nhất, thói quen đơn giản nhất cũng là "niềm vui lớn hơn so với dạy trẻ bình thường". Phải có tình thương yêu thực sự, nhiệt huyết với công việc cũng như sự kiên trì, những người thầy cô đặc biệt này mới có thể làm được điều kỳ diệu như vậy.

Thủy Nguyên
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Dàn xế hộp 'ít nhưng cả núi tiền' của Sơn Tùng MT-P