Chuyện chưa kể về người 40 năm vớt xác trên sông Sài Gòn

2014-11-13 13:25
- “Nhiều người lầm tưởng tôi mưu sinh bằng nghề vớt xác nhưng thực ra tôi vốn làm nghề chài lưới", ông Nguyễn Văn Chúc (58 tuổi, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh) trải lòng về công việc của mình.
"Không phải nghề nhưng tôi theo nghiệp"

Gần 50 năm lênh đênh trên miền sông nước, ông Chúc đã có hơn 40 năm làm công việc vớt xác không công. Công việc vớt xác tưởng chừng chỉ làm vì lòng thương người nhưng ông không ngờ đã "ngấm" vào người và không thể từ bỏ được.

Nhiều lúc giữa đêm, khi gia đình đang ngủ say, bỗng dưng nghe tiếng động của một vật gì đó rơi xuống sông vọng lại, ông Chúc linh cảm có người nhảy sông liền tức tốc xuống ghe, giật máy đi tìm nơi có sóng nước dao động mạnh.

Ông kể: “Có những lúc phát hiện sớm, tôi may mắn cứu sống được người nhảy cầu. Đôi khi đến trễ, không cứu được người nhưng tôi vẫn cố gắng lặn ngụp dưới dòng nước sâu thẳm, lạnh lẽo mong tìm cho được xác người kéo vào bờ”.


Có những lần, đang đi trên sông chài lưới, đánh cá, ông Chúc phát hiện những xác chết trôi sông. Không ngần ngại, ông cho ghe chạy đến, cột xác kéo về tận nơi mình ở. Sau đó báo cho cơ quan chức năng biết để đến xử lý.

Nhiều lần như vậy, câu chuyện ông ba Chúc vớt xác, cứu người tự tử trên sông Sài Gòn được nhiều người truyền tai nhau. Từ đó, mỗi khi nhắc đến ông Chúc, người ta thường nghĩ đến người đàn ông dáng người nhỏ nhắn, làn da rám nắng, sống cùng gia đình trên chiếc ghe nhỏ, bập bềnh theo dòng nước thủy triều lên xuống, cần mẫn mưu sinh.

Ông Chúc cho rằng, có lẽ do ngày trước cha của ông làm nghề đánh cá và vớt xác thuê. Thấy đó là nghĩa cử sống cao đẹp của con người nên ông trân trọng mà bắt buộc bản thân theo nghiệp cha mình chứ ông không xem đây là nghề. Ông Chúc chia sẻ: “Tôi có lấy tiền hoặc sống được là nhờ vào nó đâu mà gọi là nghề. Nhiều khi người ta cần đi tìm xác, ừ thì đổ dầu vào bình thì tôi chở đi”.

Nhìn những khóm lục bình nhấp nhô, cuốn trôi theo dòng nước, ông Chúc lại nghĩ đến đời mình cũng bấp bênh, trôi dạt giống như chúng. Ngừng lại trong vài phút ngậm ngùi, ông kể, lúc khoảng 8 tuổi, ông đành phải bỏ học đi theo cha mình, lênh đênh trên sông nước đánh cá nhưng khi đi theo rồi mới phát hiện cha còn kiêm luôn nghề vớt xác thuê. Lúc đầu, thấy cha làm nghề này, ông cảm thấy sợ hãi nhưng sợ thì sợ, ông vẫn cứ muốn đi theo cha mình.

Mãi đến năm 1977, khi lập gia đình, ông Chúc không muốn mình cứ mãi lênh đênh trên sông nước mưu sinh nữa mà muốn tìm một công việc ổn định trên bờ. Nhưng sau nhiều cố gắng để tồn tại bằng nghề khác, ông Chúc cảm thấy không được hài lòng so với cuộc sống trên sông. Cảm giác được “du ngoạn”, thả hồn theo những con sóng nhỏ lăn tăn nhấp nhô trên sông, ông Chúc mới cảm thấy bình yên. Vì thế, vợ chồng ông quyết định tìm đến miền sông nước để sinh sống bằng nghề chài lưới.


Ngôi nhà của ông Chúc.

“Không biết điều gì đã xui khiến vợ chồng tôi chọn chân cầu Bình Lợi này neo đậu, làm nơi sinh sống cho đến tận bây giờ”, ông Chúc chia sẻ. Tại nơi này, ông Chúc cũng cảm thấy lạ, khi rất nhiều người bi quan, chán nản với cuộc sống thường tập trung đến nơi này gieo mình xuống dòng sông lạnh lẽo để quyên sinh.

Mặc dù không tin vào chuyện mê tín dị đoan nhưng ông nghĩ có thể đó là ý nguyện của ông trời đã khiến gia đình ông dừng chân tại chốn này. Lúc đầu, vợ và các con ông cảm thấy sợ hãi khi chứng kiến cảnh ông vớt xác mang lên bờ. Lâu dần, họ cũng quen và chung tay với ông.

Khi được nghe những tâm sự trắc ẩn từ những người mà ông cứu sống, thường là những bế tắc không tìm ra được lối thoát khiến họ nghĩ quẩn. Nhưng sau khi nghe những lời động viên an ủi của ông Chúc, chính họ cảm thấy may mắn vì được ông cứu sống. Kể từ sau lần tự tử bất thành đó, nhiều người trở về với cuộc sống thực tại, tiếp tục bận rộn với cuộc mưu sinh. Nhiều người có cuộc sống mới tốt đẹp hơn quay trở lại thăm ân nhân của mình. Ông thấy vui lòng khi biết những người mình cứu sống tin tưởng vào cuộc sống hơn. Điều này là động lực khiến ông Chúc không bao giờ muốn từ bỏ công việc hành thiện tích đức này.

"Việc tôi làm là thuận theo đạo đức"

Nhiều người nói ông là khắc tinh của hà bá, ông Chúc liền phản pháo: “Tôi không cướp cơm của hà bá, tôi không sợ mình bị rủi ro, gặp nạn. Bởi điều tôi làm là cứu người, là thuận theo đạo đức lối sống ở đời”.

Nhìn chiếc ghe được mạnh thường quân trao tặng đang neo đậu bên mé sông, ông Chúc thở dài nói: “1 người bị đuối nước chỉ có thể trụ được khoảng 3 phút là chìm dưới đáy sông hoặc bị cuốn trôi ngay. Nếu người biết bơi thì trụ được lâu hơn. Nhiều khi tôi đến nơi do trễ nên việc cứu người chỉ được gọi là may rủi. May có chiếc ghe này nên tôi cứu sống được nhiều người hơn trước”.


Ông Chúc cho hay, việc làm của ông thuận theo đạo đức con người.


Những lúc tranh thủ đi vớt xác giúp người tận mấy ngày mới trở về, ông Chúc bỏ việc chài cá kiếm sống. Nhiều người khuyên can ông đừng mãi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nghe vậy, ông chỉ cười trừ vì cho rằng đó là làm việc thiện, tích đức cho con cháu. Ông hào hứng cho biết: “Mỗi khi tôi bận đi vớt xác, không chài lưới được thì những ngày sau đó, gia đình tôi lại chài lưới bắt được rất nhiều cá, gấp đôi, gấp ba so với mọi ngày”. Đó là một trong những điều kỳ lạ mà ông Chúc khó lý giải được. Nhưng ông chỉ nghĩ đơn giản rằng, hôm nay mình may mắn hơn ngày hôm qua.

Ông Chúc còn cho rằng bản thân có linh cảm tốt. Mỗi khi có việc phải đi khỏi làng chài mà trong lòng ông cảm thấy nôn nao chắc chắn trong ngày hôm đó có thể có chuyện. Cứ mỗi lần trong lòng nôn nao, ông Chúc chẳng khi nào muốn đi đâu xa trừ khi có công việc cần thiết. Vì mỗi khi không có mặt để cứu người, ông Chúc thấy trong lòng cắn rứt nhiều lắm.

Sống mãi ở đáy sông lắm lúc cũng thèm khát được lên bờ, sống cuộc đời tử tế hơn. Tuy nhiên, gần 40 năm qua, gia đình ông Chúc lênh đênh trên con nước. “Với lại, nếu có người gặp nạn cần mình, tôi chạy tới sao kịp. Cuộc sống tôi giờ đây chỉ gắn bó, bám trụ với con sông và với việc cứu người này”, ông nói. Hiện giờ, điều ông Chúc trăn trở nhất là khi muốn cho đứa cháu ngoại nối nghiệp của mình như ông từng nối nghiệp của cha. Ông Chúc biết rằng mình nghĩ vậy để thỏa mãn điều mong mỏi nhất thời, mọi thứ còn tùy thuộc vào cái duyên của mỗi người.
Duy Nam
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 con giáp càng lớn tuổi càng đẹp mặn mà