Cho con chơi thiết bị điện tử, bố mẹ tưởng bở...

2015-08-16 17:19
- Nhiều gia đình cho con chơi các thiết bị điện tử từ rất sớm, tuy nhiên điều này cũng gây ra những hệ lụy.

Các đồ chơi công nghệ, thiết bị thông minh ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Đa số các gia đình trẻ đều sử dụng smartphone, máy tính bảng, laptop...Nó không chỉ trở thành tiện ích của đời sống, giúp tiếp cận thông tin nhanh chóng mà nhiều gia đình xem đó là đồ chơi của con trẻ. Thực tế, hiện nay không ít gia đình, dùng điện thoại, máy tính bảng để "dụ" con ăn cơm hoặc cho con nghịch ngợm để giải trí những lúc bố mẹ bận rộn việc nhà. Tuy nhiên, việc lạm dụng các thiết bị công nghệ cũng không phải là điều tốt.

Gia đình chị Na (Hà Đông, Hà Nội) thu nhập trung bình nên không đủ tiền thuê giúp việc mỗi tháng. Bà nội và bà ngoại thay nhau trông cháu, sau giờ làm vợ chồng chị Na lại tất bật với đủ thứ việc nhà và trông con. Hôm thoải mái còn đỡ, có những hôm stress vì công việc, anh chị lại đưa đồ công nghệ cho con nghịch ngợm hàng tiếng đồng hồ. Từ khi ăn dặm, bé Tũn con chị Na đã quen với đồ công nghệ. Bây giờ bé đã được hơn 1 năm gần như thành thạo tắt, mở, chơi các trò chơi trên máy tính. Lâu thành quen nên mỗi khi chị Na không cho bé Tũn chơi, cả nhà lại phải dỗ dành hết cách nhưng vẫn không nín. 

Khỏe cho bố mẹ không phải chơi với con sau giờ làm nhưng chị Na đâu có ngờ vợ chồng đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Chỉ thích chơi các đồ công nghệ, bé Tũn rất lười vận động, tập đi. Cho nên nay đã gần 2 tuổi, bé mới lẫm chẫm bước những bước đi đầu tiên.

"Trong khi con cái của bạn bè tôi đi lại ầm ầm thì con tôi mới tập đi. Tôi không ngờ cho con chơi đồ công nghệ quá nhiều cũng có ảnh hưởng như vậy. Lẽ ra những lúc con chơi các đồ điện tử thì bố mẹ phải hướng dẫn con tập đi. Bây giờ tôi phải vất vả để tập tành cho con, kể cả việc giảm bớt thời gian chơi đồ công nghệ, tiến tới không cho chơi nữa", chị Na nói.

Cũng tâm lý ngại dỗ dành con như chị Na, vợ chồng anh Hòa (Đống Đa, Hà Nội) cưng chiều con hết mức. Thế nhưng, cu Tôm lại rất biếng ăn. Mỗi bữa cơm như "cực hình" với con và vợ chồng anh chị. Thậm chí, vợ chồng phải cùng nhau đưa con đi dạo khắp ngõ, ra đường lớn, ra công viên... lê la cả tiếng đồng hồ mới ăn hết bát cơm. Tìm đủ mọi cách dỗ dành nhưng cu Tôm vẫn không chịu ăn. Nghe chị đồng nghiệp cùng cơ quan mách nước cho con xem máy tính khi ăn sẽ ăn nhanh hơn, anh Hòa nhất định áp dụng theo. 

Ngay từ khi áp dụng lần đầu, cu Tôm ăn nhanh hơn và không vật vã như trước để dỗ dành. Thế nhưng, anh Hòa đâu ngờ rằng, điều này khiến cho con không có thói quen tự ăn. Cách đây 1 tháng, máy tính đột nhiên hỏng, tự cài lại máy không xong, anh phải đưa đi sửa gần 2 tuần. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cả tuần, cu Tôm không chịu ăn, anh chị lại chật vật đưa con đi khắp nơi để bón cơm, bón cháo.

"Cả tuần lễ không có máy tính, vợ chồng tôi không biết xoay sở thế nào. Con không chịu ăn dù gào khản cả giọng. Dỗ dành có, mắng có mà vẫn không có gì thay đổi. Đúng là không có gì bằng tập cho con thói quen ăn uống đúng giờ, tự nhiên", anh Hòa nói.

Lợi bất cập hại?

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tâm lý Nguyễn Đăng An cho hay, việc cho con chơi đồ công nghệ, làm quen với các thiết bị điện tử là điều phổ biến trong các gia đình có điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, nhiều gia đình lạm dụng để con chơi nhằm dỗ dành con, cho con ăn, cho con uống thuốc... đây là điều không nên. Bởi làm như vậy sẽ tạo cho trẻ thói quen xấu chỉ khi được chơi các thiết bị điện tử mới chịu ăn, uống. 

"Khi trẻ  không được chơi sẽ khóc lóc, giận dỗi...sẽ hình thành tính tình hay cáu kỉnh. Lúc đó, bố mẹ rất khó để uốn nắn hoặc uốn nắn mất nhiều thời gian", chuyên gia nói.

Mặt khác, các thiết bị điện tử chủ yếu nghe - nhìn tức là phát triển thị giác, thính giác, trong khi đó trẻ cần phát triển các giác quan, bộ phận trên cơ thể. Cho nên khi trẻ ngồi chơi đồ công nghệ nhiều sẽ lười vận động.

Nếu người lớn cho trẻ xem tivi, điện thoại, máy tính cầm tay quá nhiều sẽ rất không tốt đối với tâm lý và sức khỏe của trẻ. Trẻ nhỏ từ 3 chưa có khả năng nhận thức được vấn đề, những chuyển động trên màn hình đã thu hút trẻ theo dõi, nếu thường xuyên cho trẻ chơi các thiết bị điện tử trẻ sẽ quen được nhìn các màn hình điện tử và nhìn lâu sẽ dẫn tới nhiều tác hại khác.

Phụ huynh phải xây dựng thói quen cho trẻ. Thường xuyên đưa con cái đi chơi ở công viên, các khu vui chơi giải trí hoặc chơi các trò vận động đơn giản trong nhà để cơ thể trẻ phát triển toàn diện nhất.

Thùy Linh

(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cảnh Điềm hóa 'thiên nga đen' khoe đường cong quyến rũ khiến fan mê mẩn