Khi bạn đã nỗ lực nhưng vẫn cảm thấy mình chẳng đi đến đâu, đừng vội nản!

I Am NGA 2022-11-26 08:00
- Bạn nỗ lực không phải để chinh phục mục tiêu bằng được mà để bạn trở thành kiểu người có đủ phẩm chất để làm được những điều bạn muốn. Có thể bạn chưa thành công như mình muốn nhưng chắc chắn bạn đã tiến bộ hơn phiên bản của chính mình trong quá khứ.

Trong cuộc sống, có lẽ ai cũng muốn nỗ lực để bản thân trở nên tốt hơn và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng chúng ta khó tránh khỏi những lúc mệt mỏi, chán nản, cảm giác như mình đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức mà vẫn chẳng đi đến đâu. Và thế là nhiều người chọn cách từ bỏ, không muốn tiếp tục nữa.

Từ bỏ khi chỉ còn cách kho báu một bước chân

Tôi còn nhớ mình từng xem một bức tranh vẽ một người đào kim cương đã từ bỏ khi chỉ còn cách kho báu một bước chân. Thông điệp của bức tranh thì quá rõ ràng, đó là bài học về sự kiên trì và không từ bỏ. Là người xem tranh, hay ở vị trí đứng ngoài quan sát, ta cảm thấy tiếc hùi hụi cho người đi tìm kho báu. Nếu họ cố gắng thêm một chút nữa thôi thì đã đổi đời rồi. Thế nhưng ở vị trí của họ, khi đang ở trong đường hầm tăm tối, khi đã quá mệt mỏi và chán nản, họ không thể biết thứ gì đang chờ đợi mình phía trước.

Câu chuyện cách vàng một thước cũng được kể trong cuốn sách Think and grow rich (Nghĩ giàu và làm giàu) của Napoleon Hill. Chuyện kể về một người bạn của Hill là R.U. Darby. Vào thời điểm người ta đổ xô đi đào vàng, Darby cũng bị cuốn theo cơn sốt và đến Colorado đào vàng với tham vọng sẽ trở nên giàu có. Sau nhiều tuần đào miệt mài, Darby phát hiện ra dấu hiệu một mỏ quặng lấp lánh, cần có đủ thiết bị mới có thể đưa quặng lên mặt đất. Darby đã trở về hùn vốn với vài người hàng xóm để mua máy móc đến mỏ vàng tiềm năng.

Khi bạn đã nỗ lực nhưng vẫn cảm thấy mình chẳng đi đến đâu, đừng vội nản!

Họ đã tìm được một trong những hầm mỏ có lượng vàng cao nhất Colarado, chỉ cần vài xe quặng nữa thôi là họ sẽ thanh toán hết nợ nần và tha hồ làm giàu. Nhưng sau đó các mạch vàng bỗng dưng biến mất, hy vọng của họ cũng tắt ngấm. Họ cố gắng đào sâu hơn nữa nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Họ bán hết máy móc cho một người mua phế liệu với giá vài trăm đô rồi trở về nhà.

Người mua phế liệu mời một kỹ sư mỏ đến xem xét lại, kết quả là những tuyến đứt gãy địa chất đã làm những mạch vàng trước đó bị di chuyển. Tính toán cho thấy mỏ quặng chỉ cách nơi hội Darby đã ngừng đào chưa đầy một thước. Đó mới chính là cái túi chứa vàng.

Người mua phế liệu sau đó đã kiếm được hàng triệu đô la từ hầm mỏ bởi ông ta biết tìm tới chuyên gia tư vấn. Còn Darby thì học được một bài học đắt giá. Tuy nhiên, sau đó Darby cũng tìm được một “mỏ vàng” khác có giá trị lớn hơn nhiều kho báu hụt trước đó. Ông nhận ra khát vọng cũng có thể biến thành vàng và đã làm giàu nhờ việc kinh doanh bảo hiểm.

Câu chuyện về khối nước đá tan chảy

Trong cuốn Atomic habits (Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ) của James Clear, tác giả lấy ví dụ về khối nước đá tan chảy. Hãy tưởng tượng khối nước đá được đặt trong căn phòng lạnh lẽo 25 độ F (khoảng -4 độ C). Căn phòng được làm ấm lên từ từ, 26 độ, 27 độ, 28 độ, khối nước đá vẫn y nguyên. Nhiệt độ tiếp tục tăng lên 31 độ và vẫn không có chuyện gì xảy ra cả. Khi nhiệt độ tăng lên 32 độ (tương đương 0 độ C), khối đá bắt đầu tan chảy.

Mỗi nhiệt độ nhích lên dường như rất khó nhận ra sự khác biệt nhưng nó vẫn mang đến sự thay đổi âm thầm. Thời điểm đột phá là kết quả của nhiều hành động trước đó, những hành động đặt nền móng cho sự thay đổi. Cây trúc chỉ là măng trong vòng 5 năm, đây là giai đoạn nó phát triển hệ thống rễ bám sâu trong lòng đất trước khi phát triển nhảy vọt tới chiều cao 90 feet chỉ trong 6 tuần.

Những hành động của bạn dường như không đem lại sự khác biệt nào cho đến khi bạn vượt qua ngưỡng giới hạn và đạt tới mức biểu hiện có thể nhìn thấy được. Công sức của bạn không phí hoài, nó chỉ được tích lũy lại, giống như khối nước đá không tan khi tăng từ -4 lên - 0.5 độ C, vì nó sẽ tan ở 0 độ.

Khi bạn đã nỗ lực nhưng vẫn cảm thấy mình chẳng đi đến đâu, đừng vội nản!

Chỉ cần cố gắng từng chút mỗi ngày cũng tạo ra sự thay đổi lớn

Theo James Clear, nếu bạn tiến bộ 1% mỗi ngày, bạn sẽ tiến bộ gấp 37 lần so với thời gian bạn bỏ ra. Đôi khi phải sau 2 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm bạn mới thấy giá trị của những thói quen tốt và cái giá phải trả của những thói quen xấu.

Thành công là kết quả của những thói quen được tích lũy trong thời gian đủ dài chứ không phải là sự lột xác một lần trong đời. Học một điều mới không làm bạn trở thành thiên tài nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ khiến bạn thay đổi. Mỗi cuốn sách bạn đọc không chỉ đem đến cho bạn kiến thức mà còn mở ra góc nhìn mới về vấn đề cũ. "Đó chính là tác dụng của kiến thức, nó đem lại sự sinh sôi nảy nở, giống như lãi suất kép vậy". (Warren Buffets)

Vậy nên đừng vội nản khi bạn đã cố gắng mà vẫn chưa thấy thành quả. Đừng dừng lại nếu bạn đang vật lộn với việc từ bỏ những thói quen xấu và xây dựng những thói quen tốt. Bởi bạn đang đi đúng hướng rồi. Có những lúc bạn tưởng như mọi cố gắng của mình không đem lại kết quả gì, nhưng chính điều đó đã đem đến những bước nhảy vọt hôm nay.

Kể từ khi biết đến phương pháp Kaizen và thói quen nguyên tử, tôi đã vận dụng để thay đổi cuộc sống của mình. Bản chất của phương pháp này là duy trì những thói quen tốt, tạo ra những thay đổi nhỏ nhưng tích cực. May mắn là tôi không phải đợi tới vài năm để nhận ra sự thay đổi mà chỉ vài tháng, thậm chí vài tuần đã thấy khác rất nhiều rồi.

Khi bạn đã nỗ lực nhưng vẫn cảm thấy mình chẳng đi đến đâu, đừng vội nản!

Chẳng hạn trước đây tôi không có thói quen đọc sách và không thể đọc nổi quá 10 phút. Tôi ý thức được rằng mình khó phát triển bản thân nếu không có thói quen này. Dù tôi có nghe sách nói, nghe podcast hay xem video bài giảng thì tất cả đều không thể thay thế hoàn toàn việc đọc sách chủ động. Vì thế tôi đã quyết định xây dựng thói quen đọc sách 5 phút mỗi ngày, bắt đầu bằng việc xây dựng một hệ thống đọc, giúp việc đọc trở nên dễ dàng nhất có thể. Và chính nhờ chuỗi ngày đọc sách 5 phút đó, giờ tôi đã có thể tập trung đọc trong 50 phút mà không buồn ngủ.

Hay như việc học ngoại ngữ, không cần biết bạn có thích tiếng Anh hay không nhưng đây là ngoại ngữ mà hầu hết chúng ta đều nên biết. Tuy nhiên việc học một thứ mình không quá thích sẽ khá nhàm chán. Nếu chỉ học mà không được thực hành, không sử dụng mỗi ngày thì sẽ rất khó tiến bộ. Tôi bắt đầu bằng việc học tiếng Anh 10 phút mỗi ngày qua app, xem phim Mỹ, cố gắng đưa tiếng Anh vào cuộc sống bằng việc viết nhật ký, ghi chú bằng tiếng Anh. Tôi cứ nghĩ mình chẳng đi đến đâu cho đến khi nhận ra mình đã có thể nghe podcast tiếng Anh, xem video tiếng Anh không cần phụ đề mà vẫn hiểu hầu hết nội dung. Vốn từ của tôi cũng tăng lên rõ rệt và có thể tìm nhanh từ mình cần trong trí nhớ chứ không phải căng não ra nghĩ như trước kia.

Đó chính là sức mạnh của những thói quen nhỏ bé. Bạn nỗ lực không phải để chinh phục mục tiêu bằng được mà để bạn trở thành kiểu người có đủ phẩm chất để làm được những điều bạn muốn. Có thể bạn chưa thành công như mình muốn nhưng chắc chắn bạn đã tiến bộ hơn phiên bản của chính mình trong quá khứ.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Điểm mặt 3 con giáp 'lắm mối tối nằm không'