Học hỏi triết lý sống 'vô vi' của Lão Tử: không phải 'không làm gì' mà nên để mọi thứ tự nhiên

I Am NGA 2023-11-25 07:33
- Lời của bậc thánh nhân thường “ý tại ngôn ngoại”, cùng một câu chữ đó nhưng mỗi người lại nghiệm ra được một bài học khác nhau và vận dụng vào cuộc sống của mình theo cách phù hợp nhất.

Học hỏi triết lý sống "vô vi" của Lão Tử: không phải "không làm gì" mà nên để mọi thứ tự nhiên

Lão Tử, Khai tổ của Đạo giáo thường được biết đến là tác giả của cuốn Đạo đức kinh và triết lý sống “vô vi” vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày nay. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu thấu bản chất của cái “vô vi” mà Lão Tử đề cập tới. Cuốn sách Đạo đức kinh đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, ở Việt Nam ấn bản Lão Tử Đạo đức kinh do Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú đã cho người đọc hiểu rõ hơn về những triết lý mà Lão Tử đã để lại cho hậu thế.

“Vô vi” có phải là “không làm gì”?

Nhiều người thường hiểu lầm về hai từ “vô vi” (無為) là không làm gì cả, xa lánh cõi đời, im lìm bất động và an phận thủ thường. Nếu vô vi là không làm gì cả thì Lão Tử cũng chẳng cần viết ra Đạo đức kinh làm chi.

Học giả Nguyễn Duy Cần lý giải “Vô vi là không làm gì trái với tự nhiên, không để thân tâm lụy vì ngoại vật, tức là gìn giữ thiên chân, không đem tư tâm mà can thiệp đến việc người”.

Học hỏi triết lý sống 'vô vi' của Lão Tử: không phải 'không làm gì' mà nên để mọi thứ tự nhiên

Vô vi không phải không làm gì mà làm một cách kín đáo, giúp một cách tự nhiên, không tư tâm, không vị kỷ, người thi ân không biết là thi ân, người thọ ân không dè là thọ ân.

Tóm lại “vô vi” không phải là “không làm” theo cách hiểu của người đời mà là “làm theo Đạo”.

Mọi sự trên đời cái gì cũng có hai mặt, có tốt phải có xấu, có lớn ắt có nhỏ, có sướng ắt phải có khổ, cái gì cũng có mặt trái.

“Vậy nên,
Thánh nhơn
Dùng “vô vi” mà xử sự
Dùng “bất ngôn” mà dạy dỗ.
Để cho vạn vật nên mà không cản,
Tạo ra mà không chiếm đoạt,
Làm mà không cậy công;
Thành công mà không ở lại.”
(Lão Tử)

“Bất ngôn” tức là không nói đến thị phi, thiện ác. “Bất ngôn chi giáo” là giáo lý không có giáo điều cố định.

“Để cho vạn vật nên mà không cản” là để vạn vật yên trong chỗ sinh thành tự nhiên mà không dụng tư tâm (ý riêng) xen vào sự tự sinh hóa của nó, không chiếm làm của riêng.

“Làm mà không cậy công” là hành động tự nhiên giúp đời mà không cho đó là công riêng của mình, không nghĩ rằng không có mình thì không có ai làm được.

“Thành công mà không ở lại” nghĩa là cần khiêm tốn và rút lui khi cần thiết, không nên tham lam mà nên biết đủ, như vậy mới thuận theo quy luật tự nhiên.

Học hỏi triết lý sống 'vô vi' của Lão Tử: không phải 'không làm gì' mà nên để mọi thứ tự nhiên

Sống “vô vi” để hạnh phúc hơn

Đạo giáo, cùng với Phật giáo và Nho giáo là Tam giáo lớn nhất Trung Quốc và có ảnh hưởng sâu rộng đến các nước đồng văn, trong đó có Việt Nam. Con người cần biết đến Đạo để bớt sống vô minh, bớt chìm đắm trong mê mờ để rồi khổ sở vì do chính nghiệp của mình tạo ra. Cho đến nay, những gì Lão Tử viết trong Đạo đức kinh vẫn còn nguyên giá trị để ta có thể áp dụng vào lối sống hiện đại. Chỉ cần hiểu và thực hành được 1% những gì Lão Tử viết cũng đủ giúp ta có một đời sống tốt đẹp hơn. Vậy ta có thể làm gì sống vô vi?

Thuận theo tự nhiên mà làm

Hành động thuận tự nhiên, không dụng tư tâm, hợp nhân lực với thiên lực thì đâu phải dùng đến chí. Giống như cá và nước, thuận với nhau nên cá không hay là có nước, cá đâu cần cố gắng. Người làm việc phù hợp với sở trường, thế mạnh của mình thì thuận lợi, dễ gặt gái thành công hơn. Còn nếu chạy theo tiền bạc, danh vọng hay muốn thử thách mà làm việc trái sở trường của mình thì như cá bơi ngược dòng, hao tâm tổn sức.

Học hỏi triết lý sống 'vô vi' của Lão Tử: không phải 'không làm gì' mà nên để mọi thứ tự nhiên

Không rạch ròi đen trắng

Lão Tử dạy:

Dứt học, không lo.
“Dạ” với “ơi”, khác nhau chỗ nào?
Lành với dữ, khác nhau ở đâu?”

“Dứt học” ở đây là đừng tán tâm chạy theo cái học bên ngoài, cái học “nhị nguyên” phân biệt thiện ác, thị phi. Càng chạy theo những cái đó thì tâm trí càng thêm rối loạn vì hay phân biệt vinh nhục, thiện ác. Người hiểu Đạo sẽ biết vạn vật trên đời cái gì cũng có hai mặt đối lập cùng nhau tồn tại, có thiện tất phải có ác, có thành ắt sẽ có bại, có lên rồi sẽ có xuống, trong họa có phúc, trong phúc có họa. Cho nên trải qua thăng trầm là chuyện bình thường ở đời. Ngừng phán xét vì mọi sự đều có hai mặt tốt xấu.

Không lo sợ vô ích

Chỗ mà người sợ,
Ta há chẳng sợ,
Nhưng chưa có chi, sợ cũng vô ích.”

Người đời ai chẳng có những nỗi lo sợ, nhưng đừng để nỗi sợ khiến thần trí bấn loạn. Có người sợ ốm đau bệnh tật, sợ tai ương, sợ chết. Hiền giả Tây phương có câu: “Chết không đáng sợ. Cái lòng sợ chết mới đáng sợ”. Việc chưa xảy đến đã lo sợ thì dù có sợ cũng vô ích. Ta phải hiểu trên đời có những thứ ta kiểm soát được, cũng có những thứ ta không kiểm soát được, nên cứ để mọi việc tự nhiên.

Học hỏi triết lý sống 'vô vi' của Lão Tử: không phải 'không làm gì' mà nên để mọi thứ tự nhiên

Đừng để người đời dễ bề lợi dụng

Người đời sáng chói,
Riêng ta mịt mờ.
Người đời phân biện,
Riêng ta hỗn độn.
Điềm tĩnh dường tối tăm,
Vùn vụt dường không lặng.
Người đời đều có chỗ dùng,
Riêng ta ngu dốt, thô lậu.”

Ở đây, Lão Tử có ý nói người đời phân biệt thị phi, thiện ác nên dường như lòng họ “sáng chói”, riêng ta lại không thấy sự phân chia ấy nên ta “mịt mờ”, “hỗn độn”. Nhờ vậy mà lòng ta luôn điềm đạm, trầm mặc, còn lòng người náo động, vùn vụt không ngừng.

Kết quả, “người đời đều có chỗ dùng” (hữu dụng), “riêng ta ngu dốt, thô lậu” (vô dụng) vì không chạy theo thị hiếu của người đời. Còn tham danh thì người đời lấy danh mà lợi dụng, còn tham lợi thì người đời lấy lợi mà sai khiến. Cái “ngu” ở đây chỉ cái “ngu” của bậc Thánh nhân. Người đời thường cho bọn người đắc Đạo là “vô dụng” vì không lợi dụng được.

Học hỏi triết lý sống 'vô vi' của Lão Tử: không phải 'không làm gì' mà nên để mọi thứ tự nhiên

Làm mà không làm

“Vi vô vi” là làm cái Đạo vô vi, không dùng tư tâm mà xen vào việc kẻ khác, không lấy tư lợi mà can thiệp vào việc của người. Có giúp thì giúp một cách tự nhiên, làm mà như không làm, như mặt trời giúp hoa nở mà hoa không hay là được nhờ ánh nắng.

Đi khéo, không để dấu chân;
Nói khéo, không để lỗi lầm;
Tính khéo, không dùng bàn toán;
Đóng khéo, không cần khóa mà không mở đặng;
Thắt khéo, không cần buộc mà không tháo đặng.”

Lão Tử chủ trương “vô vi, nhi vô bất vi”, “không làm, nhưng không có gì là không làm”. Đi khéo, nói khéo, tính khéo, đóng khéo, thắt khéo là chỉ cái toàn thiện trong hành động vô vi, không để ai thấy dấu vết của việc mình làm. Người đời lại khác, làm việc gì cũng khoa trương, sợ người khác không hay.

Học hỏi triết lý sống 'vô vi' của Lão Tử: không phải 'không làm gì' mà nên để mọi thứ tự nhiên

Kết

Lời của bậc thánh nhân thường “ý tại ngôn ngoại”, cùng một câu chữ đó nhưng mỗi người lại nghiệm ra được một bài học khác nhau và vận dụng vào cuộc sống của mình theo cách phù hợp nhất. Thậm chí ở mỗi thời điểm, khi chiêm nghiệm lại, ta lại có ngộ ra thêm được một góc nhìn mới, một bài học mới. Phần bình chú của học giả Nguyễn Duy Cần đã giúp những triết lý uyên thâm của Lão Tử trở nên dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn. Nếu có thời gian, ta có thể đọc trọn vẹn cuốn Đạo đức kinh để nghiệm ra những bài học tâm đắc với mình.

I Am NGA

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

2 lỗi sai cơ bản rất dễ mắc phải khi tập mông