8/3 nghĩ về bình đẳng giới: ‘Giỏi việc nước, đảm việc nhà’ không nên là thước đo giá trị phụ nữ

Cẩm Mịch 2023-03-08 08:00
- Có nhất thiết phải tung hô đàn ông vào bếp nội trợ, còn những gì phụ nữ làm được thì bị coi là điều đương nhiên?

Nội trợ là việc của mọi thành viên trong gia đình

Lại thêm một mùa 8/3 và như thường lệ, các chị em đến hẹn lại… khoe hình những đức ông chồng lúi húi dọn nhà, rửa bát (mà cả năm hiếm lắm mới có dịp làm) “tặng” vợ. Đi kèm với những bức hình đó là loạt caption tự hào và ca tụng, là niềm hạnh phúc khi chồng mình biết san sẻ việc nhà để chiều lòng vợ trong ngày Quốc tế Phụ nữ.

Nhìn thấy những status ấy, là một người phụ nữ, tôi không thấy vui.

Ngược lại, lòng tôi nặng trĩu. Chừng nào người ta vẫn tung hô đàn ông biết rửa bát, tán dương đàn ông biết chăm con, chừng đó cán cân bình đẳng giới vẫn còn chênh lệch rất lớn.

Định kiến “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vốn đã là quan niệm thâm căn cố đế thể hiện sự phân biệt rạch ròi vai trò về giới của người xưa: Đàn ông phải đi làm kiếm tiền, còn đàn bà lệ thuộc vào kinh tế của đàn ông - bắt buộc ở nhà làm nội trợ. Nhưng ngày nay thời thế đã khác, cơ cấu lao động đã thay đổi, cả đàn ông lẫn đàn bà đều phải đi làm và kiếm ra kinh tế, nhưng định kiến “đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn đó.

8/3 nghĩ về bình đẳng giới: Rửa bát không còn là trách nhiệm của riêng ai

Một người vợ quanh năm đầu tắt mặt tối, vừa rời công sở đã vội lao vào bếp thì được coi là chuyện bình thường, thậm chí còn bị đem ra soi xét. Nhưng một người đàn ông vừa rời công sở đã vội về chăm con dọn dẹp thì lại được nhiều người tấm tắc “Biết PHỤ VỢ làm việc nhà”, “Là đàn ông mà đảm…”. Trong tâm tưởng của họ, khi đàn ông nội trợ là đang "phụ giúp việc nhà" chứ không phải "làm việc nhà". Dưới lời khen ấy, bạn có nhận ra sự phân biệt giới rất lớn?

Dẫu rằng có những việc đàn ông làm tốt hơn phụ nữ và ngược lại - có những việc phụ nữ làm tốt hơn đàn ông, nhưng có nhất thiết phải tung hô đàn ông trong mọi việc nội trợ, còn những gì phụ nữ làm được thì bị coi là điều đương nhiên? Hay để “được” làm việc nhà một cách bình thường, chúng ta nhất thiết cần phải có một “buồng trứng”?

Nhìn những status khoe chồng rửa bát ngày 8/3, tôi ngậm ngùi vì có thể người vợ ấy chỉ được nhàn nhã trong một ngày, còn các ngày khác trong năm lại trở về với việc nấu cơm, giặt giũ, rửa bát, chăm con. Vì sao xã hội vẫn còn nhiều quan niệm rằng chỉ đàn bà phải "xây tổ ấm", còn đàn ông thì không? Không giới tính nào có đặc quyền hay nghĩa vụ chỉ làm cái này mà không làm cái kia. “Xây tổ ấm” hay “xây nhà”, tựu trung lại đều là trách nhiệm của cả hai người.

‘Giỏi việc nước, đảm việc nhà’ không nên là thước đo giá trị của một người phụ nữ

Năm 1989, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” để lực lượng lao động nữ đáp ứng được nhu cầu của thời chiến: khi đàn ông phải ra chiến trường, phụ nữ làm hậu phương vừa tăng gia sản xuất để đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.

Giờ đây thời cuộc đã đổi thay, nhưng khẩu hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vẫn được xem như một thước đo đánh giá phụ nữ thời đại mới.

Trong một cuộc phỏng vấn, Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nhận được một câu hỏi: “Bà chu toàn thế nào giữa công việc và vai trò một phụ nữ trong gia đình?”. Có lẽ bạn sẽ coi đây là một câu hỏi bình thường, cho đến khi sực nhớ ra, rằng hình như các bộ trưởng nam giới chưa bao giờ bị đặt câu hỏi: “Ông làm sao để cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình?”.

Một người phụ nữ cáng đáng việc nhà chu tất nhưng nếu không có một công việc với thu nhập cao, cũng lại bị đánh giá là “ăn bám chồng”, “không có năng lực”. Ngược lại, một người phụ nữ dẫu có thành công trong công việc vẫn bị đặt định kiến rằng phải chu toàn cả nội trợ, nếu không làm được nghĩa là họ chỉ thành công một nửa. 

Không ít người phụ nữ Việt đã và đang phải gồng mình để xứng với danh xưng “giỏi việc nước đảm việc nhà”. Mỗi ngày, họ làm việc hết tốc lực theo 2 ca: ca 1 ở chốn công sở, ca 2 ở nhà, cốt lấy trách nhiệm ngàn cân ấy như một lẽ sống vẻ vang. Để rồi một ngày họ kiệt quệ sức lực, còn xã hội lại tiếp tục trách móc họ chưa phải là một người vợ, người mẹ đủ tốt.

8/3 nghĩ về bình đẳng giới: Rửa bát không còn là trách nhiệm của riêng ai

Thực tế, không có một khuôn mẫu hoàn hảo nào cho tất cả. “Giỏi việc nước” cũng được, “đảm việc nhà” cũng được, hoặc cả hai cùng lúc cũng được, miễn là bạn tự do lựa chọn cách sống cho riêng mình. Tự do lựa chọn cách sống chính là: bạn làm điều gì đó vì BẢN THÂN MUỐN LÀM, mà không phải vì NGƯỜI TA CHO RẰNG MÌNH PHẢI LÀM. Đừng để bản thân bị phỉnh phờ bằng những lời có cánh rồi dồn ép chính mình vào nỗi bất hạnh.

Bất kể là đàn ông hay phụ nữ, chỉ khi làm điều mình thật sự mong muốn, chúng ta mới có thể hạnh phúc.

Đừng tự giới hạn năng lực của chính mình với suy nghĩ: “Mình chỉ là phụ nữ…”

Những định kiến về giới sẽ không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai, có thể nó còn tiếp diễn cho đến nhiều năm sau nữa. Nhưng muốn thiết lập cán cân bình đẳng giới, trước hết phụ nữ phải thay đổi cách nhìn nhận về giá trị chính mình và lấy lại sự độc lập, tự tin. Bởi bạn không thể đứng lên đòi nữ quyền trong khi bản thân vẫn ôm tất thảy việc nội trợ về mình, hay dựa dẫm và phó mặc hoàn toàn chuyện kinh tế vào đàn ông được. Chỉ khi phụ nữ biết đề cao và tôn trọng bản thân, xã hội mới có cơ hội xoay chuyển và coi trọng phụ nữ hơn hiện tại.

8/3 nghĩ về bình đẳng giới: Rửa bát không còn là trách nhiệm của riêng ai

Đừng ngần ngại trước những cơ hội hay thử thách mới chỉ vì suy nghĩ: “Mình chỉ là phụ nữ”, “Mình còn phải lấy chồng sinh con, không nên phấn đấu thăng tiến”… Trong nhiều tình huống, tôi tin rằng bạn có đủ năng lực và kinh nghiệm, cho nên đừng tự ngăn mình đạt tới những thành tựu cao hơn trong sự nghiệp chỉ vì những mặc cảm về giới.

Tôi hy vọng ngày 8/3 hay 20/10 trong tương lai sẽ không cần thiết phải “làm quá” chỉ để tôn vinh phụ nữ, bởi dù là ngày nào trong năm phụ nữ cũng nên được yêu thương và tôn trọng. Sự bình đẳng nếu tồn tại, nó cần được tồn tại mỗi ngày mỗi giờ, chứ không phải ngày một, ngày hai.

Cẩm Mịch

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 bài tập Pilates tại nhà giúp giảm mỡ toàn thân, đặc biệt là bụng dưới, cánh tay và bắp chân