WHO: Tuổi thọ toàn cầu giảm mạnh, thụt lùi về mức của năm 2012
Theo báo cáo từ WHO công bố ngày 24/5, tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,8 năm xuống còn 71,4 tuổi vào giai đoạn 2019-2021 - thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, ngang với mức tuổi thọ trung bình vào năm 2012.
Báo cáo Thống kê Y tế thế giới 2024 cũng nêu bật những tác động được cảm nhận không đồng đều trên toàn thế giới.
Trong đó, các khu vực dịch tễ Châu Mỹ và Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tuổi thọ giảm khoảng 3 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm 2,5 năm trong những năm 2019-2021.
Ngược lại, khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng tối thiểu trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, với mức giảm tuổi thọ dưới 0,1 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm 0,2 năm.
Khu vực dịch tễ vốn có sự khác biệt với khu vực địa lý. Trong đó, Việt Nam được WHO xếp vào khu vực Tây Thái Bình Dương, là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất này.
Tuổi thọ là số năm sống đơn thuần, trong khi tuổi thọ khỏe mạnh là số năm một người có thể sống khỏe mạnh và độc lập, tức không bị hạn chế về khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày do bệnh tật hoặc suy giảm chức năng.
Tuổi thọ trong thập kỷ qua sụt giảm mạnh, chủ yếu trong giai đoạn 2019-2021 xảy ra đại COVID-19. Đại dịch này là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 trên toàn cầu vào năm 2020 và thứ 2 vào năm 2021. Gần 13 triệu người đã thiệt mạng trong giai đoạn này.
Các ước tính mới nhất tiết lộ rằng ngoại trừ khu vực châu Phi và Tây Thái Bình Dương, COVID-19 nằm trong số 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nơi khác, đặc biệt trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu Mỹ trong cả 2 năm 2020-2021.
Tuy vậy, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở mọi khu vực vẫn là bệnh không lây nhiễm (NCD).
Ni Trần (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất