Siêu bão giật trên cấp 17 ảnh hưởng đến Hà Nội thế nào?
Tin liên quan
Vào 9h sáng nay, bão YAGI (bão số 3) tiệm cận mức siêu bão khi đạt cường độ cấp 15-16, giật trên cấp 17. Dự báo ngày mai (6/9), khi vào vịnh Bắc Bộ, bão vẫn giữ cường độ rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 17 và không suy giảm nhiều khi đổ bộ đất liền nước ta ngày 7/9.
Hà Nội được dự báo nằm trên đường đi của tâm bão. Theo ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thuỷ văn Khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, từ đêm 6/9, Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng của rìa xa phía tây siêu bão YAGI. Từ ngày 7-9/9, Hà Nội đón một đợt mưa vừa, mưa to đến rất to.
Trong đó các quận/huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và các huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì có mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 350mm. Các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh mưa từ 150 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Hà Nội có thể đón mưa rất lớn, gió giật mạnh do siêu bão YAGI gây ra. (Ảnh minh họa)
Theo ông Dương, do bão đi rất nhanh khi vào đất liền nên mưa rất lớn xảy ra trong thời gian ngắn có thể gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dẫn đến ngập úng ở nhiều nơi. Các sông nội tỉnh như Cà Lồ, sông Bùi, sông Tích của Hà Nội có nguy cơ cao xuất hiện lũ. Vùng trũng thấp tại Chương Mỹ có thể tái diễn tình trạng ngập sâu dài ngày như từng xảy ra do ảnh hưởng của bão số 2.
Ông Dương lưu ý, trước khi bão vào, khoảng chiều 6/9, Hà Nội có thể xuất hiện dông mạnh trước bão gây đổ cây. Điều này đã từng xảy ra trong một số cơn bão trước đây, gây đổ cây xanh, cột điện khá nhiều.
2 ngày chuẩn bị các phương án chống bão
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, theo các dự báo hiện nay, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, lâu lắm mới có cơn bão mạnh thế này. Khu vực bão đổ bộ cũng chính là vùng trọng điểm về công nghiệp và nông nghiệp phía Bắc ở nước ta.
"Có khoảng 20 nghìn lồng cá, 1 triệu ha lúa mùa, trong đó một nửa lúa đang trổ đòng, chỉ cần mưa ngập khoảng 24 tiếng là hư hỏng. Chưa tính đến hoa màu, do đó nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn nếu chúng ta không có phương án phòng chống kỹ càng", ông Hiệp cho hay.
Theo ông Hiệp, hiện nay rủi ro cấp thiên tai do bão số 3 đánh giá ở cấp 4, ở mức Chính phủ chỉ đạo. Nhưng nếu lên cấp 5, Chủ tịch nước phải ban bố lệnh khẩn cấp.
Ông Hiệp đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng cần dự báo sát, đúng tình hình bão số 3. Vào chiều nay (5/9) sẽ tròn 48 tiếng trước khi bão đổ bộ nên phải có dự báo chuẩn để có thể ra các kịch bản phòng chống. Bởi đây là thời điểm quyết định.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đây là cơn bão mạnh hiếm gặp trong vòng 10 năm trở lại đây. Do đó, các địa phương cần chủ động công tác phòng chống, với tinh thần "không nuối tiếc" để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.
TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo, hiện người dân còn khoảng 2 ngày để chuẩn bị chống bão. Cần lên kế hoạch sơ tán và thực hiện việc sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương muộn nhất là vào 21 giờ ngày 6/9. Dự báo đến sáng ngày 7/9, tâm bão đã cận kề Quảng Ninh và Hải Phòng rồi. Vùng gió mạnh bao gồm cả Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội.
Ni Trần (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất