Gợi ý mâm cúng giao thừa tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đầy đủ nhất

2024-02-08 17:36
- Theo quan niệm, giao thừa là thời khắc thiêng liêng, chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Mục đích cúng giao thừa không chỉ chào đón một năm mới bắt đầu, mà còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mọi sự tốt lành, làm ăn phát đạt, cuộc sống bình an.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng chỉ ra rằng, giao thừa còn có nghĩa là “trao” và “nhận”. Theo 12 địa chi trong lịch pháp, mỗi năm sẽ có một vị được gọi là Đương nhiên Thái Tuế hay còn được gọi là vị Hành khiển. Vị này là ông thần trông coi, cai quản, điều hành tất cả các hệ thống thần tiên và mọi thứ ở trong năm cũ.

Khi thời khắc giao thừa đến, có nghĩa là năm cũ đã kết thúc. Lúc đó vị Hành khiển này cũng sẽ hết một nhiệm kỳ cai quản. Thời khắc giao thừa là lúc vị Hành khiển cũ trao lại cho vị Hành khiển mới đến nhận nhiệm vụ. Cũng chính vì lý do đó nên thời khắc giao thừa đó có nghĩa nghĩa là trao và nhận.

Gợi ý mâm cúng giao thừa tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đầy đủ nhất

Còn với phong thủy chính phái, cúng giao thừa phải được thực hiện ở cả hai nơi đó là trong nhà và ngoài trời, theo trình tự cúng ngoài trời trước, trong nhà sau. Đối với các gia đình ở chung cư, mọi người có thể cúng ở sảnh chung cư sau đó về cúng gia tiên tại nhà. Với gia đình có không gian ban công rộng, mọi người có thể cúng giao thừa ngoài ban công trước, sau đó cúng trong nhà sau.

 Phần lớn mọi người chuẩn bị 2 mâm cúng: cỗ chay ngoài trời và cỗ mặn trong nhà. Tuy nhiên, cũng có gia đình cúng cỗ mặn ngoài trời.

Mâm cúng giao thừa ngoài trời

Theo nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết, người Việt thường dâng mâm cỗ chay ngoài sân để lễ trời, Phật nhằm tống tiễn năm cũ, đón chào năm mới.

Tùy quan niệm và vùng miền, mâm cúng giao thừa ngoài trời có thể bày bánh, mứt, xôi gấc, hoa, quả, nhang đèn, trầu cau, rượu, vàng mã… Một số nơi cúng thêm gà luộc ngậm hoa hồng (chọn gà giò hoặc gà thiến cho thanh tịnh), thủ lợn, bánh chưng…

Mâm cúng giao thừa ngoài trời

Mâm cỗ cúng trong nhà được chuẩn bị đầy đủ hơn và tùy từng gia đình sẽ chuẩn bị các món khác nhau. Thông thường, cỗ mặn đêm giao thừa sẽ có bánh chưng, gà luộc, giò, thịt đông, đĩa xôi gấc…

Ở miền Bắc, mâm cỗ cúng giao thừa truyền thống thường có “4 bát 4 đĩa” hoặc “8 bát 8 đĩa” đối với gia đình có điều kiện. Các món ăn rất phong phú như canh bóng, canh măng, miến xào, nem, nộm…

Ở miền Trung, mâm cúng có bánh tét, dưa món, chả lụa Huế, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, miến Huế, cá chiên hay chả ram...

Ở miền Nam, mâm cúng đơn giản hơn, chỉ có hương thắp, hoa, đèn, bánh, mứt, trái cây, trà… Nếu gia chủ chuẩn bị thêm mâm cúng mặn thì sẽ có các món như thịt heo luộc, gà luộc, xôi, bánh tét, thịt kho trứng, canh khổ qua…

5 lưu ý khi cúng giao thừa

1. Chuẩn bị mâm lễ cúng Giao thừa chỉn chu, mâm cúng cần chuẩn bị tươm tất. Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị mâm cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà hợp lý.

2. Thời gian thực hiện nghi lễ cúng Giao Thừa nên diễn ra trong khoảng từ 23h - 1h sáng mùng 1.

3. Sau khi thực hiện lễ cúng giao thừa ngoài trời nhằm đón quan Hành khiển mới, tiễn quan Hành khiển cũ thì gia chủ mới làm lễ cúng giao thừa trong nhà.

4. Bên cạnh đó, vào đêm cúng giao thừa, người trong gia đình cần hòa thuận, tránh tình trạng cãi vã, to tiếng với nhau, tránh làm đổ vỡ đồ vật,...

5. Tùy phong tục vùng miền và địa phương sẽ có mâm cỗ cúng khác nhau nhưng trên cơ bản bạn cần có hương, đèn, trà rượu, muối gạo, hoa quả, xôi, bánh chưng,...

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 cung hoàng đạo càng yêu xa càng yêu sâu đậm, dù có thế nào vẫn giữ trong tim lòng chung thủy