6 việc nên làm trong tháng 7 âm sẽ mang lại nhiều may mắn, thuận lợi nhưng nhiều người không biết
Tin liên quan
Tháng cô hồn là cách gọi dân gian của tháng 7 âm lịch, một số quốc gia khác còn gọi là "tháng ma đói" là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của nhiều quốc gia Á Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore...
Trong năm 2024, tháng cô hồn kéo dài từ ngày 4/8 (tức 1/7 Âm lịch) đến hết ngày 2/9 (tức 30/7 Âm lịch).
Theo phong tục, vào tháng 7 Âm lịch, các gia đình Việt Nam thường làm một số hoạt động như: Làm Lễ cúng cô hồn, thả đèn hoa đăng, phóng sinh, thăm mộ tổ tiên và người đã khuất...
Lễ cúng cô hồn
Một trong những hoạt động quan trọng và phổ biến nhất trong tháng 7 Âm lịch của các gia đình Việt là lễ cúng cô hồn. Lễ cúng cô hồn thường diễn ra vào ngày 14 hoặc 15.
Mâm cúng cô hồn được bày biện trước cổng nhà, ngoài trời, hoặc tại các điểm thờ cúng công cộng với mong muốn cho các linh hồn được no đủ, không quấy phá gia chủ, đồng thời cầu bình an cho gia đình.
Tùy theo phong tục tập quán của từng địa phương mà mâm cúng cô hồn có sự khác biệt. Mâm cúng bao gồm các món ăn truyền thống, trái cây, hoa...
Một số gia đình còn chuẩn bị những món ăn mà họ tin là linh hồn sẽ ưa thích như cháo trắng, gạo và muối.
Khi cúng cô hồn xong, gia chủ hãy tung một nắm gạo hoặc muối từ trong nhà ra khỏi cửa. Hành động này giống như tiễn cô hồn, xua tan âm khí. Chú ý, không ném gạo muối từ ngoài vào trong nhà.
Tăng cường sinh khí trước tháng 7 âm
Ngay từ bây giờ, hoặc chậm nhất là 1 tuần trước khi sang tháng 7 âm lịch gia chủ nên chuẩn bị một số việc cơ bản cho bản thân, gia đình và nơi mình đang sinh sống để đón tháng 7 âm lịch bình an.
Theo các chuyên gia, từ trước đến nay chưa có thống kê nào khẳng định tháng 7 âm là xui xẻo, nhưng nhiều hoạt động lớn như khai trương, động thổ, mua bán tài sản giá trị lớn… người dân đều né tháng 7 âm.
Để tránh xui rủi, đau ốm, mệt mỏi... dẫn tới hậu quả không tốt, tốn kém cả tiền tài, sức khỏe thì ngay từ bây giờ người dân hãy tăng cường sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe, năng tập thể dục... cả trước - trong và sau tháng 7 âm để có sức khỏe tốt đi qua thời điểm giao mùa hạ sang thu, và bạn sẽ thấy tháng 7 âm không đáng sợ như đã nhầm tưởng.
Báo hiếu cha mẹ
Tháng 7 Âm lịch là tháng Vu lan với ý nghĩa báo hiếu cha mẹ. Đây chính là dịp để con cái thể hiện lòng biết ơn những người sinh thành, dưỡng dục mình và có hành động báo đáp, sao cho cha mẹ có được cảm giác hạnh phúc, an vui.
Phóng sinh
Nhiều người quan niệm, ngày rằm tháng bảy phải thực hiện nghi thức phóng sinh.
Phóng sinh là hành động thả các sinh vật đang bị bắt, giam cầm trở về với môi trường tự nhiên, chẳng hạn như cá, chim, rùa. Đây cũng là một hành động thể hiện thiện tâm trong tháng cô hồn, nhằm phủ lòng từ bi lên vạn vật.
Quan niệm của người xưa, một trong những việc làm giúp tăng tuổi thọ, sức khỏe là phóng sinh. Phóng sinh đã trở thành việc hành thiện phổ biến diễn ra mỗi dịp đầu năm, rằm tháng 7 âm lịch... tại các chùa, gia đình hoặc từ mỗi cá nhân.
Thăm mộ
Theo quan niệm cổ xưa, việc thăm mộ thắp hương cho người đã mất được coi là một điều cần thiết. Điều này giúp chúng ta thể hiện sự nhớ nhung, tôn trọng và biết ơn đối với những người thân đã ra đi, đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình gắn kết hơn.
Các gia đình có thể ra mộ thắp hương vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, cần chuẩn bị 2 lễ cúng là lễ cúng chư vị thần linh và lễ cúng người thân đã khuất.
Lễ cúng thần linh đặt ở bàn thờ thần linh của nghĩa trang hoặc đặt cạnh bàn lễ gia tiên nhưng ở vị trí cao hơn. Lễ vật gồm: nến, hương (nhang), hoa quả, thịt luộc...
Lễ cúng gia tiên chuẩn bị các Lễ vật: Nến, hương (nhang), hoa, trái cây, bánh kẹo, trà...
Đi chùa và cúng tại chùa
Ngoài hoạt động viếng mộ, nhiều người còn đến các chùa để tham gia lễ Vu lan báo hiếu và cầu siêu cho những linh hồn cô đơn.
Đi chùa cũng là một việc nên làm trong Rằm tháng 7, vừa để thắp nhang cầu siêu cho người đã khuất vừa tiếp nhận được năng lượng bình yên từ nhà chùa, vừa để làm công đức hoặc dọn dẹp, nhổ cỏ cùng các sư trong chùa.
Những việc làm này sẽ khiến tâm hồn thư thái và bình an hơn nhiều. Nhiều người không phải là Phật tử cũng hay đến chùa dịp này, góp công góp của làm việc phúc thiện.
Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè… Không được sắm sửa lễ mặn như: thịt gà, giò, chả…
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa.
Ni Trần (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất