Từ 1-7-2023 khi lương cơ bản tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng: Hàng loạt khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ tăng mạnh
Tin liên quan
Ngày 11.11.2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Trong đó, quyết nghị nhiều phương án liên quan đến lương cơ sở 2023, chính sách lương hưu, bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau:
Cụ thể, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng chính thức vào ngày 1.7.2023.
Trong khi đó, mức lương cơ sở đang áp dụng hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội bao gồm: Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau; Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con; Mức dưỡng sức sau thai sản; Mức trợ cấp mai táng; Mức trợ cấp tuất hằng tháng được căn cứ dựa trên mức lương cơ sở:
Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau
Theo Điều 29 Luật BHXH 2014, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày trong một năm.
Trong những ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, người lao động được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau với mức hưởng 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, mức trợ cấp hiện nay là 447.000 đồng/ngày. Với mức lương cơ sở mới (1.800.000 đồng/tháng), mức trợ cấp từ ngày 1/7/2013 là 540.000 đồng/ngày.
Trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi
Theo Điều 38 Luật BHXH 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được hưởng khoản trợ cấp một lần trên.
Theo mức lương cơ sở cũ (1.490.000 đồng/tháng), mức trợ cấp này là 2.980.000 đồng/con. Với mức lương cơ sở mới (1.800.000 đồng/tháng), mức trợ cấp này là 3.600.000 đồng/con.
Mức dưỡng sức sau thai sản
Theo Điều 41 Luật BHXH 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày.
Trong những ngày nghỉ dưỡng sức, lao động nữ được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau thai sản với mức hưởng 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo mức lương cơ sở cũ (1.490.000 đồng/tháng), mức trợ cấp này là 447.000 đồng/ngày. Với mức lương cơ sở mới (1.800.000 đồng/tháng), mức trợ cấp này là 540.000 đồng/ngày.
Trợ cấp mai táng
Theo Điều 66 Luật BHXH 2014, những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng: Người lao động đang đóng BHXH hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở. Do đó, mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/tháng thành 1.800.000 đồng/tháng thì khoản tiền trợ cấp này tăng từ 14,9 triệu đồng lên 18 triệu đồng.
Trợ cấp tuất hằng tháng
Tiền tuất là khoản tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội trả từ quỹ bảo hiểm xã hội cho thân nhân của người lao động, người có công bị chết, theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 68 Luật BHXH 2014, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
Như vậy, nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng thì thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng nhận trợ cấp tuất hằng tháng tăng từ 1.043.000 đồng lên thành 1.260.000 triệu đồng; trường hợp còn lại, trợ cấp tuất hằng tháng tăng từ 745.000 đồng lên thành 900.000 đồng.
Trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Khi áp dụng lương cơ sở mới, người lao động suy giảm 5% khả năng lao động thì trợ cấp tăng từ 7,45 triệu đồng lên 9 triệu đồng. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 900.000 đồng (hiện nay là 745.000 đồng).
Trợ cấp hằng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 49 Luật ATVSLĐ 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Khi áp dụng lương cơ sở mới, người lao động suy giảm 31% khả năng lao động thì mức trợ cấp hàng tháng tăng từ 447.000 đồng/tháng lên thành 540.000 đồng/tháng. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 36.000 đồng/tháng (hiện nay là 29.800 đồng/tháng).
Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 52 Luật ATVSLĐ 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 của luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức trợ cấp phục vụ là 1.490.000 đồng/tháng, khi áp dụng mức lương cơ sở mới sẽ tăng lên 1.800.000 tháng.
Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 53 Luật ATVSLĐ 2015, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật BHXH.
Khi mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/tháng thành 1.800.000 đồng/tháng thì mức trợ cấp này cũng tăng từ 53,64 triệu đồng lên 64,8 triệu đồng.
Mức dưỡng sức sau điều trị
Theo Điều 54 Luật ATVSLĐ 2015, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong những ngày nghỉ dưỡng sức, người lao động được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau với mức hưởng 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, mức trợ cấp hiện nay là 447.000 đồng/ngày. Với mức lương cơ sở mới (1.800.000 đồng/tháng), mức trợ cấp từ ngày 1/7/2013 là 540.000 đồng/ngày.
Ni Trần (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất