Tại sao đủ triệu chứng mắc Covid-19, nhiều lần test nhanh vẫn âm tính?

2022-03-14 14:57
- Xét nghiệm nhanh có thể âm tính giả do lấy mẫu sai cách, xét nghiệm quá sớm trong giai đoạn phơi nhiễm hoặc bộ kit kém nhạy cảm với Omicron.

Ngày 2/3, sau một ngày làm việc trở về nhà, chị Hoàng Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) cảm giác cơ thể mệt mỏi, ớn rét dù lúc đó nhiệt độ trong phòng là 23 độ C. Chị nhanh chóng mặc thêm áo khoác, đắp chăn nhưng vẫn không giảm được cảm giác rét buốt trong người.

Ngày hôm sau, chị tiếp tục xuất hiện các triệu chứng ho, đau rát họng và sốt. Do trước đó không có lý do dẫn đến cảm cúm như mắc mưa, thay đổi thời tiết... nên chị đoán mình đã mắc Covid-19. Chị Hải test nhanh tại nhà nhưng kết quả vẫn 1 vạch (âm tính). Sau 3 ngày sốt liên tục và dù đã đầy đủ các triệu chứng của Covid-19, kết quả test nhanh của chị vẫn là âm tính.

Tương tự, gia đình chị Hoài Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con trai mắc Covid-19. Khi bản thân xuất hiện các triệu chứng như đau họng, sốt, mệt mỏi, chị Hoài Anh tự làm test nhanh. Dù test 2 lần với các ngày cách nhau nhưng chị vẫn chỉ nhận kết quả âm tính. Chị Hoài Anh gọi dịch vụ test PCR về tận nhà, kết quả mới là dương tính.

Tại sao đủ triệu chứng mắc Covid-19, nhiều lần test nhanh vẫn âm tính?

Đây là hiện tượng âm tính giả. Theo tiến sĩ Gerald W. Fischer, tỷ lệ âm tính giả phụ thuộc vào loại kit xét nghiệm và giai đoạn nhiễm nCoV. Thông thường, xét nghiệm PCR có độ nhạy cao và chẩn đoán chính xác hơn, song chi phí cao và thời gian chờ kết quả dài.

"Nếu virus đang trong giai đoạn đầu của quá trình nhân lên (tức là người bệnh xét nghiệm quá sớm), kit kháng nguyên cũng có thể cho kết quả âm tính giả", ông nói thêm.

Ông trích dẫn nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy tỷ lệ xét nghiệm âm tính giả ở người bệnh có triệu chứng là 20%, người không triệu chứng là 59%. Xét nghiệm PCR có tỷ lệ âm tính giả thấp hơn.

Nghiên cứu trước đó của Viện Johns Hopkins cũng chỉ ra rằng lấy mẫu quá sớm trong giai đoạn đầu mắc bệnh có thể dẫn đến kết quả sai. Một số bệnh nhân thao tác không đúng cũng gây ra âm tính giả.

Tiến sĩ Jaquelin Dudley, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm LaMontagne tại Đại học Texas, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc kỹ và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bà khuyến cáo người dân chờ một vài ngày sau khi tiếp xúc F0 rồi mới xét nghiệm, giúp giảm nguy cơ âm tính giả.

"Điều quan trọng nhất là xét nghiệm virus ở thời điểm nó đang sinh sôi nhiều nhất, cứ không phải lúc hệ miễn dịch kiểm soát được nó dưới ngưỡng dễ phát hiện", bà nói.

Tiến sĩ Fissher nhận định: "Khi thuốc kháng nCoV đường uống được chấp thuận, việc hạn chế số xét nghiệm âm tính giả là rất quan trọng đối với người bệnh có và không triệu chứng. Thuốc viên molnupiravir ngăn chặn virus tái tạo. Bệnh nhân càng được phát hiện sớm, thuốc càng hiệu quả trong việc giảm thiểu cả triệu chứng lẫn khả năng lây lan".

Hầu hết xét nghiệm kháng nguyên có thể phát hiện ca nhiễm biến chủng. Song có nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại kit kém nhạy cảm hơn với Omicron, đặc biệt trong những ngày đầu mắc Covid-19.

Còn bác sĩ Huynh Wynn Trần, Phó giáo sư Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California, Mỹ, Lý do xuất hiện tình trạng âm tính giả được bác sĩ giải thích với 4 nguyên nhân:

Thứ nhất, do mật độ virus trong cơ thể người bệnh. Với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, cơ thể đã có kháng thể đặc hiệu. Khi bị nhiễm virus, ngay lập tức, cơ thể phản ứng chống lại virus này. Như vậy mật độ virus sẽ thấp hơn bình thường.

“Do mật độ virus thấp nên khi chúng ta test nhanh tìm kháng nguyên, không thể tìm được. Ví dụ đơn giản như chúng ta bắt cá trong hồ, do ít quá, bạn thả lưới nhưng không tìm thấy cá. Khi cá nhiều hơn, bạn thả lưới mới có thể tìm thấy”, bác sĩ Huynh Wynn Trần phân tích.

Lý do thứ 2 là vị trí lấy mẫu xét nghiệm sai. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi mắc Omicron, chúng ta thường bị đau rát họng, nhức đầu - nhiều vị trí phần trên của hệ hô hấp. Vì vậy, bạn nhiễm Omicron sẽ có virus nhiều ở họng, nước bọt hơn là ở mũi. Nếu xét nghiệm tìm virus ở mũi sẽ không có kết quả. Điều này khiến cho không ít người mặc dù nhiễm nhưng xét nghiệm vẫn âm tính.

Thứ 3 là do sai kỹ thuật xét nghiệm, đây là nguyên nhân quan trọng nhất. Theo bác sĩ Huynh Wynn Trần, muốn xét nghiệm đúng, người tiến hành xét nghiệm phải cho que lấy mẫu vào đúng vị trí. Nếu que lấy mẫu vào chưa đủ sâu, kỹ thuật sai sẽ không tìm thấy virus dẫn đến kết quả sai.

Thứ 4, lý do cuối cùng, là chúng ta dùng loại test chất lượng kém. Hiện có nhiều loại test nhanh và hiệu quả khác nhau nên cũng làm tăng tỷ lệ âm tính giả. “Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh tác hại của việc dùng que test nhanh kém chất lượng, khi làm bỏ sót các ca bệnh”, anh nói.

Chi Nguyễn (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên