Phận đời sau những quán cà phê ở xóm đường tàu giữa Thủ đô

2022-09-16 15:05
- Đằng sau những quán cà phê từng huyên náo, rộn rã tiếng nói cười là biết bao phận đời và hoàn cảnh chứng kiến nhiều đổi thay của xóm đường tàu tại Hà Nội.

15h chiều 15/9 - khung giờ mà lẽ ra các quán cà phê dọc tuyến đường tàu chạy qua phố Phùng Hưng - Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) huyên náo tiếng nói cười và rộn rã âm nhạc, nhưng hôm nay tất cả tĩnh lặng lạ thường.

Sự yên ắng bao trùm. Nhiều người dân ngồi thẫn thờ nhìn ra đường với ánh mắt chất chứa âu lo.

Lâu nay, người ta chỉ biết đến cung đường với những quán cà phê mở ra cho khách ngắm tàu chạy qua. Nhưng không phải ai cũng biết, đằng sau mỗi mái nhà tại khu vực này là vô vàn những câu chuyện buồn, vui về số phận, cuộc đời của những cư dân xóm đường tàu. Họ đã đi qua những ngày đầu tiên phát quang cỏ lút đầu người để dựng lên chỗ ở và sinh sống cho đến ngày nay. 

Hơn 60 năm và căn nhà tuềnh toàng bên đường sắt

Bà Loan, 85 tuổi, cư dân khu tập thể chắn 5A, Hà Nội tấp tễnh bước từ bên này đường ray sang phía đối diện để chuẩn bị nấu cơm chiều. Mấy ngày trước, 15h-16h chiều, bà vẫn ngồi bán nón, bưu ảnh cho khách Tây. Hôm nay, bà nấu sớm hơn vì lối vào đã bị rào chắn nên không có khách du lịch.  

Ngôi nhà của bà nằm lọt thỏm giữa các hộ xung quanh, bên ngoài xập xệ thấy rõ còn bên trong tuềnh toàng như hồi những năm 1980-1990. Nhà chật đến nỗi, cả gia đình phải tận dụng mảnh đất nhỏ ở phía đối diện làm chỗ vệ sinh và bếp đun nấu.

 

Vất vả là vậy mà bà Loan đã sống trong xóm đường tàu hơn 60 năm. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà chẳng mong dời đi mà chỉ ước có một không gian tươm tất hơn. Nhưng, lực bất tòng tâm, kinh tế của con cái không dư dả nên đành sống trong ngôi nhà đang xuống cấp từng ngày, nơi mà các con bà hay nói đùa rằng: Ngoài cửa là thế kỷ 21, sau cánh cửa vẫn là những năm 80 – 90.

Bà Loan là một trong những hộ dân đầu tiên của xóm đường tàu giữa lòng Thủ đô. Bà rời quê Thanh Hoá hồi những năm 1960, ra Hà Nội làm công nhân kho vận đường sắt rồi quen chồng làm cùng ngành. Đất cát chẳng có, vợ chồng dựng vội căn nhà bên đường sắt để ở. Ngày đó, khó khăn chồng chất, có nơi chui ra chui vào đã là hạnh phúc. Vợ chồng ở thế nào cũng xong, nhưng 3 đứa con lần lượt chào đời, không thể cứ tạm bợ mãi.

"Ngày đó, tôi về đây sinh sống, xung quanh chẳng có ai. Cỏ mọc cao hơn đầu người, phải phát quang để trồng rau nuôi các con. Ở mãi căn nhà tạm chẳng được, sau giờ làm, vợ xúc xỉ để trộn với nước, chồng đóng 10-15 viên gạch/ngày rồi đem phơi. Khi có đủ gạch để xây nhà, vợ chồng huy động con cháu đến hỗ trợ, xây được căn nhà chắc chắn. Sau hơn 60 năm, nhà xuống cấp, tường hỏng nham nhở, chẳng có tiền sửa sang nên đành ở vậy qua ngày", bà Loan nhớ lại.

Nhà xây xong, bên trong trống huơ trống hoác, chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cà tàng mà bà dùng để đi làm ở ga Giáp Bát. Trong ký ức, cụ bà 85 tuổi vẫn còn nhớ như in tiếng gọi nhau í ới, tất tả chạy xuống hầm mỗi khi nghe tiếng máy bay.

"Có lúc vừa đi làm về, xe đạp còn chưa kịp dựng đã phải chạy xuống hầm trú ẩn. Lúc đó, khổ và vất vả lắm, nghĩ lại mà trào nước mắt nhưng chẳng có cách nào khác", bà Loan vừa than thở vừa buông ánh nhìn xa xăm theo cung đường tàu. 

Cuộc đời bà Loan vất vả đã nhiều, về già chẳng lấy gì làm an nhàn. Từ ngày các quán cà phê, bia mọc lên hai bên tuyến đường sắt, gia đình bà cũng tranh thủ bán được thêm vài thứ đồ lưu niệm cho khách Tây. Tiền kiếm được chẳng phải để làm giàu, nhưng giúp bà có thêm để mua thuốc thang chữa bệnh. 

"Buôn bán nhỏ nên gia đình tôi chẳng kiếm được bao nhiêu. Mấy năm trở lại đây, có khách du lịch đến, không khí cả khu tập thể vui vẻ, rộn rã hơn. Tôi già rồi, nhìn mọi người vui vẻ cũng thấy đỡ hiu quạnh", bà Loan chia sẻ.

Sau khi biết chính quyền quận Hoàn Kiếm sẽ thu giấy phép kinh doanh của các hộ hai bên đường tàu, bà Loan không khỏi lo lắng. Mấy ngày nay, bà đứng ngồi không yên, nhìn khung cảnh vắng lặng mà lòng chùng xuống.

"Rồi không biết sẽ ra sao... Mỗi tuần, chỉ có nhiều chuyến tàu chạy qua vào thứ 7, Chủ nhật thì nên cho các hộ kinh doanh từ thứ 2 đến thứ 6 để có thêm đồng ra đồng vào. Tôi cũng mong cơ quan chức năng có cách để phát triển du lịch mà cuộc sống của mọi người không bị ảnh hưởng", bà Loan vừa nói vừa bước đi đầy nhọc nhằn. 

Cách đó không xa, cô Hương (50 tuổi, nhân viên đường sắt nghỉ hưu) cũng là một trong những người đầu tiên về xóm đường tàu sinh sống. Hiện, căn nhà 2 tầng nho nhỏ của gia đình cô Hương khá kiên cố, thoáng mát. Thế nhưng, mấy ai hình dung được cách đây hơn 30 năm, trên nền đất đó từng là nơi ở được dựng bằng các tấm cót ép. Mỗi khi tàu chạy qua, cả căn nhà rung lên. Ban đầu, cả nhà cũng lo lắng nhưng rồi quen dần. 

31 năm 8 tháng là thời gian cô Hương làm nhân viên gác chắn, nhiều đêm thức trắng, chỉ ước được ngủ một giấc trọn vẹn như người ta. Tiếng còi tàu dường như là một phần trong máu thịt của người phụ nữ này, đi đâu vài ba ngày bỗng thấy nhớ khôn nguôi.

"Thời của chúng tôi, làm nhân viên gác chắn vất vả vì không có thiết bị hỗ trợ như bây giờ, công cụ làm việc thô sơ. Có những đêm mưa đứng giữa trời cho bà con đi qua an toàn mới yên tâm. Mỗi ca làm việc kéo dài 12 tiếng, chưa bao giờ dám ngủ gật vì luôn xác định đã làm là phải đặt an toàn và trách nhiệm lên hàng đầu", cô Hương nhớ lại.

Sau giờ làm, có 24 tiếng nghỉ ngơi, cô Hương lại bươn chải đủ nghề để có thể nuôi con. Đồng lương ba cọc ba đồng chẳng đủ trang trải, vợ chồng nai lưng ra làm thêm.

Cô Hương còn nhớ cuộc sống những năm 1980 thiếu thốn đủ bề, các hộ dân ở xóm đường tàu, ai cũng nghèo, nhưng quý nhất là tình người gắn bó. Kết thúc ca trực gác chắn cũng là lúc trời tảng sáng, cô Hương lại quẩy gánh đi lấy nước cách nhà cả cây số. Nhiều năm trời vất vả như vậy, mãi cho đến khi có điện, nước, cuộc sống mới dần ổn định. 

Cách đây vài ba chục năm, dọc xóm đường tàu, vẫn còn cảnh nhếch nhác, rác thải. Bây giờ, người dân có ý thức nên môi trường sống sạch đẹp, an toàn hơn. Thời xưa, cứ nghĩ đến đường tàu, ai cũng ngại vì nhiều chuyện phức tạp nhất là an ninh - trật tự. Hiện tại, mọi thứ khang trang, an ninh đảm bảo, bà con yên tâm và chí thú làm ăn.

"Trước đây, các chuyến tàu đi qua đây rất nhiều, mỗi khi nghe tiếng còi, bà con lại í ới nhau dọn dẹp, chú ý an toàn. Sau vài phút, cuộc sống trở lại bình thường, người lớn nấu bếp than tổ ong, trẻ con nô đùa chạy nhảy. Bây giờ, tàu đã chạy hướng khác, mỗi tuần chỉ có mấy chuyến đi vào đây nhưng cũng giúp chúng tôi được nghe tiếng còi. Tiếng còi tàu với nhiều người có lẽ hơi khó chịu, nhưng với chúng tôi, nó như một thanh âm đi sâu vào tiềm thức", cô Hương chia sẻ. 

Gia đình cô Hương không kinh doanh cà phê cho khách du lịch nhưng cũng trăn trở với thông tin các quán hai bên đường sắt sẽ bị đóng cửa. "Tôi cũng mong cơ quan chức năng có cách nào đó thật hợp tình hợp lý để bà con có thêm thu nhập. Thực tế, có một số hộ khó khăn, chẳng có công ăn việc làm ổn định, tiền bạc và chi tiêu trông cả vào quán hàng nên nếu đóng cửa cũng ảnh hưởng đến họ", cô Hương bày tỏ ý kiến.

Những dự định dang dở

Thông tin quận Hoàn Kiếm sẽ thu hồi giấy phép của các hộ kinh doanh ở phố đường tàu xôn xao mấy ngày nay khiến anh Văn Đồng (sinh năm 1970, khu tập thể chắn 5A) cũng thở dài ngao ngán.

Căn nhà của anh rộng gần 25m2 đủ để bài trí ghế ngồi cho du khách ngồi vừa uống nước, vừa ngắm tàu chạy qua. Trước dịch Covid-19, quán của người đàn ông này đã mở, khách Tây đến rất đông. Từ ngày hết cảnh phong toả và giãn cách, anh Đồng chưa mở cửa trở lại. 

"Tôi chờ khách đông hơn mới mở thì cơ quan chức năng có quyết định như vậy. Trước đây, tôi làm công việc khác. Gần đây, tôi xin nghỉ để  chuyên tâm kinh doanh quán cà phê tại nhà. Bây giờ, mọi dự định xem như tan tành. Hy vọng sẽ có cuộc trao đổi giữa các bên cùng với cư dân để đưa hoạt động kinh doanh ở khu vực đường tàu đi vào quy củ, nộp thuế đầy đủ và đảm bảo an toàn cho người kinh doanh cũng như khách hàng", anh Đồng chia sẻ.

Theo anh Đồng, mỗi ngày trong tuần chỉ có một chuyến vào khoảng 21h, riêng thứ 7 và chủ nhật có 4-5 chuyến/mỗi ngày. Nếu không cho phép các quán được kinh doanh, đón khách vào các khung giờ khác từ thứ 2 đến thứ 6 sẽ là một sự lãng phí.

 

"Qua quá trình tiếp xúc với khách, tôi được biết, có những khách đến cà phê đường tàu đầu tiên khi đặt chân tới Hà Nội. Vì họ nghe được từ bạn bè và cảm thấy khung cảnh ở đây độc đáo, lạ lẫm. Không cần quảng bá, khách tự đến để ngắm nghía, tôi thấy đó là điều rất thú vị", anh Đồng chia sẻ quan điểm.

Trong quá trình phỏng vấn và ghi nhận tại khu vực đường tàu chạy qua phố Phùng Hưng, Trần Phú, nhiều cư dân cho rằng, một bộ phận khách Việt khá thiếu ý thức khi đến đây. Lúc có tàu chay qua, khách Tây chỉ ngồi tại chỗ chụp ảnh, trong khi nhiều bạn trẻ Việt Nam lại cố nhoài người cố để có được khoảnh khắc đoàn tàu phía sau lưng. Hành động đó rất nguy hiểm, các hộ kinh doanh ở đây phải thường xuyên nhắc nhở.

"Tôi nhận thấy khách Tây rất có ý thức. Họ chỉ cầm máy điện thoại chụp đoàn tàu từ trong quán. Còn nhiều bạn trẻ là khách Việt Nam cố nhoài người để chụp, bất chấp nguy hiểm, chụp xong chưa ưng ý lại cố gắng chụp thêm... Chúng tôi buôn bán ở đây phải nhắc nhở rất nhiều, đôi khi cảm thấy rất cáu", con dâu bà Loan chia sẻ.

Một người kinh doanh khác xin giấu tên cho rằng, chỉ nên cấm các khung giờ có tàu chạy qua còn những khung giờ khác nên cho bà con kinh doanh để tạo một điểm đến cho du khách. "Chúng tôi sẵn sàng lập đội và cử người đứng ra nhắc nhở khách khi có tàu đến. Ai kinh doanh ở đây cũng nghĩ đến chuyện an toàn cho khách hàng đầu tiên, nên những năm qua chưa bao giờ có sự cố nào xảy ra", người này bày tỏ với chúng tôi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 15/9, đoạn đường tàu thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm đã bị đóng cửa, lưc lượng chức năng dựng rào chắn. Cho nên, khách du lịch đã đổ về phía đường tàu thuộc quận Ba Đình để check in. 

Chị Lee Yun Ah (khách du lịch Hàn Quốc) cho hay: "Tôi chưa đọc được thông tin về chuyện đóng các quán hàng hai bên đường sắt ở đây. Tôi lấy làm tiếc nếu đóng cửa như vậy. Không gian ở đây lạ và đặc biệt, ở Hàn Quốc hay nhiều nước không có. Tôi nghĩ nên có cách nào đó đảm bảo an toàn cho mọi người và vẫn hút được du khách".

Chúng tôi rời phố đường tàu khi trời tối dần... Các quán hàng đóng cửa im lìm càng khiến cho không gian ở đây thêm phần tĩnh lặng, khác biệt với những ngày trước đây. Tối nay, có lẽ sẽ dài hơn với những hộ kinh doanh 2 bên đường sắt. Lòng ai cũng thấp thỏm, chờ một quyết định hợp tình, hợp lý từ phía cơ quan chức năng... 

 

 

 Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Sáng 15/9, Công an 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) đã đồng loạt ra quân lập hàng rào ngăn người dân và du khách đến các quán cà phê đường tàu thuộc 2 phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm và phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Theo thống kê, hiện có hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê ngay sát tuyến đường tàu đi qua phường Hàng Bông, phường Cửa Đông, phường Cửa Nam, phường Hàng Mã và phường Đồng Xuân của quận Hoàn Kiếm.

Tất cả các hộ đang kinh doanh này đã vi phạm hành lang an toàn đường sắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Còn trên địa bàn quận Ba Đình, "phố đường tàu" chỉ kéo dài 1 đoạn ngắn từ nơi giao cắt đường Điện Biên đến Lê Duẩn, nơi đây tập trung ít hàng quán hơn khu vực giáp ranh nhưng cũng được đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và du khách.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Vũ Linh - chủ tịch phường Hàng Bông - cho biết hiện phường đang tham mưu cùng quận để xây dựng đề án trình các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp phù hợp đối với việc đóng hay mở cửa tuyến "phố cà phê đường tàu".

"Trong tuần thì có ba khung giờ tàu chạy, cuối tuần có bảy khung giờ, chúng tôi sẽ xây dựng đề án báo cáo Bộ Giao thông vận tải và UBND TP làm sao đưa ra được phương án để tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh trong khu vực này trên nguyên tắc đảm bảo an toàn.

Nếu được các cấp phê duyệt đề án thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh, thời điểm hiện tại chúng tôi sẽ tạm thời yêu cầu đóng cửa các quán cà phê sau văn bản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam" - ông Linh nói.

Bài, ảnh: Anh Minh

 

 

 

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Mẹo khắc phục điều hoà chảy nước gây nấm mốc khó chịu