Người phụ nữ đi dép lê, cầm xấp tiền phát ở Bình Thuận: Sống tiết kiệm, cả năm có khi không mua quần áo mới

2021-08-01 17:00
- Chị Trần Huệ (Phan Thiết, Bình Thuận) lấy số tiền tích góp được lên đến cả trăm triệu đồng phát cho những người đi xe máy về quê. Nhìn hình ảnh của họ vất vả, lòng chị Huệ xót xa và thương cảm.

Hình ảnh người phụ nữ  với đôi dép lê đã cũ, cầm xấp tiền cả trăm triệu đồng phát cho những người đi xe máy về quê ở Phan Thiết, Bình Thuận đã gây xúc động với cư dân mạng. 

Người phụ nữ có hành động nhân ái đó là chị Trần Huệ (chủ vựa hải sản Trần Huệ ở Phan Thiết, Bình Thuận). Trò chuyện mới cảm nhận được cuộc đời chìm nổi của người phụ nữ này mấy chục năm qua. Tuy vậy, dù ở hoàn cảnh nào, chị Huệ luôn hướng tới những điều thiện tâm, giúp đỡ mọi người và cố gắng vươn lên.

Dùng tiền tiết kiệm phát cho người đi về quê

Trò chuyện với chúng tôi, chị Huệ cho biết, việc phát tiền xuất phát từ tâm, hoàn toàn không có ai đóng góp. Toàn bộ số tiền do mẹ, con  tự tích góp, tiết kiệm được. 

Nói về những người đi xe máy hàng trăm km về quê, chị Huệ không giấu được nỗi xót xa và rơi nước mắt. "Nhìn những người dân đi xe máy về quê, tôi đau lòng và xót xa lắm. Tối nào tôi cũng khóc, nên muốn góp một phần giúp họ. Tôi cầm theo 2 lần, mỗi lần 100 triệu đồng để phát. Tôi làm không phải để mọi người biết mà muốn san sẻ khó khăn và tích đức cho con cái", chị Huệ bày tỏ.

Mấy ngày trước đây, khi nhìn thấy từng dòng người đi về quê, 2 con của chị bàn với mẹ lấy số tiền tiết kiệm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. "Khi phát tiền, tôi thấy có vợ chồng ẵm con còn nhỏ về quê, đau lòng lắm. Mấy ngày nay tôi luôn mong mỏi dịch bệnh sớm qua đi, chỉ cần có bình an và sức khoẻ là được", chị Huệ chia sẻ. 

 Người phụ nữ đi dép lê, cầm xấp tiền phát ở Bình Thuận: Sống tiết kiệm, cả năm không mua quần áo mới

Mỗi ngày, không biết lời lãi bao nhiêu, chị Huệ đều trích 1 triệu đồng để tiết kiệm, phòng thân và giúp người khó khăn. Từ khi còn nhỏ, ba chị đã dạy con cái phải có ý chí và sống tốt, những lời răn đó cứ theo suốt cuộc đời. 

Sinh năm 1980, nay là chủ của vựa hải sản nhưng chị Huệ sống tiết kiệm, giản dị. Cuộc đời chị từng trải qua không biết bao nhiêu vất vả. Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu này quê gốc ở Bình Định. Thời xưa, gia đình làm ăn khá giả, nhưng rồi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Lúc đó, chị Huệ tất tả sớm hôm, bán hàng rong ở ngã ba Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định) để lo cho đàn em. 

Trong thâm tâm, chị Huệ luôn nuôi ước mơ làm đầu bếp. Tuy nhiên, ba không ủng hộ vì sợ con gái vất vả với công việc "làm dâu trăm họ" này. Để thực hiện được ước mơ, chị quyết định rời nhà ra đi. Với chỉ vỏn vẹn 50.000 đồng trong túi, chị Huệ cùng một người bạn nữa bắt xe lên Nha Trang.

Nơi đất khách, chị Huệ đi rửa chén cho quán cà phê, sau đó học làm bếp. Công việc làm bếp vất vả nhưng đúng mơ ước, nên người phụ nữ này không nề hà. Sau một thời gian, chị được nhận vào một nhà hàng ở Nha Trang. Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì bị nghỉ việc do chưa có bằng cấp về đầu bếp.

Nuốt nỗi buồn vào trong, chị Huệ quyết tâm làm lại từ đầu. Nhờ được sự chỉ dẫn của một người tốt bụng, chị xuống Sài Gòn vừa đi làm vừa đi học. Ngoài thời gian làm ở nhà hàng, chị đi học mỗi tuần 3 buổi tối về nghề bếp. Trong những ngày tháng ở Sài Gòn, người phụ nữ này đã phải vượt qua không ít khó khăn, có lúc phải ăn cơm thừa. Vậy nhưng, với chị, điều đó không khuất phục được ý chí.

Vừa làm tại nhà hàng vừa học, chị Huệ dành dụm, dè sẻn từng đồng từ số lương ít ỏi. Mỗi tháng chị dành tiền mua 1 chỉ vàng (giá khoảng 360.000 đồng) gửi về quê cho ba mẹ. Nhờ số tiền của người con hiếu thảo, ba mẹ chị đỡ vất vả, có đồng vốn để vực lại công việc kinh doanh gỗ.

Ở lại Sài Gòn được 5 năm, ngoài tiền gửi về cho gia đình, chị còn đành dụm được "lưng vốn". Nghĩ cảnh con gái phải vất vả làm thuê, ba không đành lòng nên gọi chị Huệ về mở quán cà phê. Sau nhiều năm, chị trở vê Bình Định sống bên cạnh ba mẹ. 

Về lại Bình Định, chị mở quán cà phê ở ngã ba Phú Tài (Quy Nhơn) rất đông khách. Tuy nhiên, do chưa học hết lớp 3, nên chị Huệ dành thời gian đi học lớp bổ túc văn hoá để có thể đọc, viết thành thạo. Nghị lực của người phụ nữ này là mỗi ngày đều cố gắng, không bao giờ từ bỏ.

Làm được bao nhiêu đều tiết kiệm, cả năm không mua  quần áo

Ngã rẽ cuộc đời lại sang trang mới khi chị lấy chồng. Một thời gian sau, chị cùng chồng con chuyển về Phan Thiết (quê chồng) với bàn tay trắng. Vì cuộc sống vất vả, chị nhận làm đủ nghề, từ pha chế, dọn nhà cho người ta, đầu bếp... Cả ngày đầu tắt mặt tối, có lúc muốn gục ngã nhưng nghĩ đến 2 đứa con cần sữa, chị lại đạp xe để đi làm.

Cách đây 4 năm, khi làm đầu bếp tại một trường đại học ở Bình Thuận, chị Huệ đăng bán hải sản trên mạng. Mục đích chỉ muốn bán để kiếm thêm đồng ra đồng vào, may mắn nhờ được nhiều người quen ủng hộ chị nên rất đắt khách.

Người phụ nữ đi dép lê, cầm xấp tiền phát ở Bình Thuận: Sống tiết kiệm, cả năm không mua quần áo mới

Chị Huệ mong muốn mở quán chay khi con đã trưởng thành.

Năm đầu tiên, việc buôn bán còn khó khăn. Từ năm thứ hai, mọi việc thuận lợi hơn. Chị không chỉ bán cá, hải sản tươi sống mà còn tự làm các loại nước sốt để cung cấp cho khách nấu nên được nhiều người yêu mến. 

"Vựa hải sản của tôi đã được hơn 4 năm, hiện tại bỏ mối cho một bên rồi họ tự phân phối cho khách lẻ. Làm được bao nhiêu tôi dành dụm tiết kiệm, cả năm chẳng mua một bộ quần áo nào", chị Huệ chia sẻ.

Thương mẹ vất vả, các con của chị Huệ cũng nỗ lực, ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập. Bản thân chị Huệ không được học hành đến nơi đến chốn nên khó khăn đến mấy cũng nỗ lực vì con. Chưa bao giờ chị để con thiếu sách, vở, chịu khổ để con học tiếng Anh như bạn bè.

"Tôi luôn tâm niệm, chỉ mong con cái trưởng thành, sẽ chuyển sang mở một nhà hàng chay vừa bán vừa cho. Với người có tiền thì bán, với những người nghèo thì cho để làm việc thiện cho đời", chị Huệ cho biết.

Anh Minh 

 

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 5 tập tục hôn nhân dị nhất Việt Nam