Người mua kit test của Việt Á có thể yêu cầu trả lại tiền chênh lệch không?
Tin liên quan
Vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hải Dương đang được Cơ quan CSĐT mở rộng. Vụ án này đặt ra một tình huống pháp lý là người dân đã được xét nghiệm Covid-19 với mức giá “trên trời” thuộc phạm vi vụ án có được trả lại số tiền chênh lệch hay không?
Trao đổi với báo Dân Trí, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết: Khoản 1, điều 433 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về giá của tài sản tại Hợp đồng mua bán tài sản như sau: "1. Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó".
(Ảnh minh họa)
Các trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước ngày 01/01/2022 (ngày Nghị định số 98/2021/NĐ-CP có hiệu lực) không thuộc mặt hàng Nhà nước quản lý giá. Doanh nghiệp chỉ cần công khai thông tin về giá. Đến tháng 7/2020, Bộ Y Tế cũng chỉ yêu cầu công ty có kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Giá doanh nghiệp công bố là cơ sở để bên mua tham khảo lựa chọn để giao kết hợp đồng mua bán.
Như vậy có thể hiểu là giá kit test xét nghiệm do Công ty Việt Á tự xác định và công bố, không chịu ràng buộc nào về giới hạn giá theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Người mua dựa trên giá đơn vị công bố để lựa chọn việc giao kết Hợp đồng mua bán. Đây là quá trình thuận mua vừa bán.
Do vậy nếu chỉ dựa trên yếu tố giá thành sản phẩm kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á cao bất thường để cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu trả lại tiền chênh lệch, bồi thường thiệt hại thì không đảm bảo cơ sở pháp lý.
Trong khi đó, trao đổi với PV Infonet, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động xét nghiệm là dịch vụ y tế phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận. Pháp luật cũng quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ y tế.
Trong trường hợp cơ sở y tế xác định giá dịch vụ không đúng theo quy định pháp luật, gây thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ thì đơn vị cung cấp dịch vụ y tế có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Tất cả những vấn đề này phải tuân thủ các quy định của Luật Khám chữa bệnh và các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng chống dịch bệnh để xác định hoạt động xét nghiệm, giá dịch vụ xét nghiệm và các vấn đề khác có liên quan.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Trong trường hợp có gian dối, thực hiện không đúng thủ tục, xác định không đúng giá dẫn đến thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì bên gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Bộ luật Hình sự quy định trường hợp người phạm tội thu lợi bất chính thì phải giao nộp số tiền đó để trả cho người bị hại. Bởi vậy trong vụ án hình sự xảy ra tại CDC Hải Dương, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc xác định giá bộ kit test xét nghiệm Covid-19 để tiến hành xét nghiệm cho người dân có đúng pháp luật hay không, số tiền mà người dân phải chi trả có vượt quá cách tính giá theo quy định pháp luật hay không, các bị can, bị cáo có thu lợi bất chính hay không... Nếu trong dịch vụ y tế đó có gian dối, xác định không đúng giá dịch vụ, có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cơ quan tố tụng cũng sẽ buộc các bị can, bị cáo, các cơ quan tổ chức đang chiếm giữ số tiền đó phải trả lại tiền cho các nạn nhân”.
Kit xét nghiệm Covid-19 có giá thế nào?
Theo Danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-C0V-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu và khả năng cung ứng, giá bán do đơn vị cung ứng công bố mà Bộ Y tế cập nhật đến ngày 2-7-2021, sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền virus SARS-CoV-2 do công ty trong nước sản xuất có 5 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm của Công ty Việt Á.
Cụ thể, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2) LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR (phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất có giá 470.000 đồng/test.
Bên cạnh báo giá cũng ghi chú: giá 470.000 đồng/test đối với đơn hàng dưới 500.000 test, giá 367.000 đồng/test đối với đơn hàng từ 500.000 test đến 1 triệu test; giá 315.000 đồng đối với đơn hàng từ 1 triệu đến 5 triệu test và giá 220.000 đồng/test với đơn hàng từ 5 triệu test trở lên.
Theo quy định, Công ty Việt Á đã công khai báo giá 470.000 đồng/ test trên cổng thông tin điện tử của Bộ.
Cũng trên trang này, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2) (phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) do Công ty Cổ phần Sao Thái Dương công khai có giá 300.000 đồng/test.
Như vậy, theo bảng kê khai, 2 bộ xét nghiệm do Việt Nam sản xuất với tác dụng, phương pháp như nhau nhưng đã có giá thành chênh lệch đến 170.000 đồng/test.
Hòa Nguyễn (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất