Lời kể của những nhân viên trực tiếp cứu người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử
Tin liên quan
Ngày 4/5, ông Nguyễn Minh Thuận, nhân viên Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, một trong những người phát hiện nữ du khách bị mắc kẹt dưới vực sâu đầu tiên và xuống cứu cho biết, sáng 3/5, ông đi ra khu vực cách chùa Đồng khoảng 50 mét về phía Tây Nam để kiểm tra an ninh và công tác dọn vệ sinh môi trường thì bất ngờ nghe thấy tiếng bà N.T.B.L. (60 tuổi, ở Hà Nội) kêu cứu.
Ông Nguyễn Minh Thuận, nhân viên phòng Quản lý di tích - Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, vẫn còn chưa hết sửng sốt: “Sáng hôm qua (3/5), tôi cùng anh em đi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại khu vực chùa Đồng, Yên Tử. Mấy hôm trước gió to, mưa rét, nhưng hôm qua chùa Đồng lặng gió và nắng ấm. Đến gần chùa thì tôi nghe thấy tiếng người đâu đó vọng lại: "Cứu… Cứu tôi…" cùng với đó là tiếng lanh canh của đồ vật gì đó gõ vào nhau vọng lên từ dưới vực…”.
Theo ông Thuận, lúc đầu ông và mọi người chưa xác định được tiếng kêu cứu ở đâu nên đã đi tìm xung quanh. Khi đi xuống dưới vực nơi có các hàng rào ngăn cách với vực đá phía dưới thì tiếng kêu ngày một rõ hơn.
Hai vợ chồng bà L. tại nhà ở Hà Nội
Sau khi xác định được vị trí người kêu cứu ở tảng đá phía dưới, ông Thuận cùng nhóm cứu hộ thả dây thừng bám xuống dưới vách đá. Hai người của Ban quản lý Yên Tử trực tiếp xuống dưới vực để tìm kiếm nạn nhân và kéo lên phía trên.
“Nhìn từ trên xuống dưới không thể thấy được phiến đá nơi bà L. đang ngồi. Chỉ khi chúng tôi dòng dây xuống mới phát hiện ra bà ấy. Nếu không có phiến đá này có thể bà L. đã rơi xuống vực sâu rồi. Lúc chúng tôi tiếp cận được, bà L. quấn áo mưa quanh người, bên trong mặc áo phao lông vũ dài đến đầu gối”, ông Thuận kể.
Lúc được kéo lên, bà L. vẫn tỉnh táo, chỉ hoảng sợ và mệt, trong người còn giữ vé cáp treo và vé vãn cảnh Yên Tử từ ngày 27/4. Nạn nhân đi được vài bước rồi không đi được nữa. Lúc này, 4 người thay phiên nhau cõng bà L. từ trên đỉnh chùa Đồng xuống nhà của Ban Quản lý ở dưới chân núi.
Ông Thuận gọi đây là kỳ tích vì trước đây cũng từng có 5 vụ tai nạn rơi xuống vực, nạn nhân hoặc bị gãy chân, gãy tay, đa chấn thương. Riêng bà Liên chỉ bị xây xước chân tay do bám víu cây rừng để leo lên.
"Nếu như không có phiến đá, chắc nạn nhân đã rơi xuống vực sâu. Bà không bị gãy tay hay gãy chân là do tụt xuống vực theo kiểu nằm sấp. Còn nếu ngã tự do thì sẽ không may mắn sống sót do đây là vách dốc đứng", ông Thuận nói.
Ông Thuận nói thêm: "Việc bà L. rơi xuống vực và sinh tồn 7 ngày chỉ bị xước xát nhẹ là kỳ tích ở Yên Tử. Theo chúng tôi suy đoán, nạn nhân không bị gãy chân tay là do ngã theo kiểu nằm sấp tụt xuống nên mắc vào cây rừng. Nói thật, khu vực bà L. bị rơi xuống có cho tiền tỷ cũng không ai dám xuống đâu, chúng tôi là cứu hộ nên phải bất chấp nguy hiểm dòng dây xuống cứu người thôi".
Chia sẻ với PV, bà N.T.B.L. bật khóc khẳng định, câu chuyện của bà hoàn toàn là sự thật. Bà không bịa chuyện việc rơi xuống vực và sinh tồn 7 ngày ở Yên Tử.
“Không có lý do gì để tôi bịa ra chuyện này, nếu như mọi người không tin thì tuỳ. Tôi kể ra để cho mọi người biết được kiến thức sinh tồn khi gặp phải trường hợp như tôi thôi. Tôi không câu like làm gì cả, cuộc sống tôi đang yên ổn chứ có sao đâu mà phải bịa chuyện để làm đảo lộn cuộc sống gia đình”, bà L. bật khóc nói.
Ngoài ra, bà L. cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, sư thầy trên chùa Đồng, công an, y tế xã và bà con xung quanh khu vực Yên Tử đã tận tình giúp đỡ bà để trở về với gia đình.
Ni Trần (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất