Đề xuất người chuyển giới nam sinh con được hưởng chế độ thai sản

2022-08-29 12:38
- Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đề xuất người chuyển giới nam được công nhận mà mang thai, sinh con thì hưởng chế độ thai sản theo quy định pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội.

Theo đề xuất trong Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, người chuyển giới không bị bắt buộc phải triệt sản khi phẫu thuật bộ phận sinh dục, trừ trường hợp tự nguyện.

Đối với người chuyển đổi giới tính nam sau khi được công nhận mà mang thai, sinh con thì được hưởng các chế độ thai sản theo quy định của pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội. Họ cũng được bảo đảm quyền kết hôn theo giới tính mới sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một người sử dụng nội tiết tố sinh dục và/hoặc phẫu thuật ngực và/hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục với mong muốn chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ cơ thể đang có giới tính sinh học hoàn thiện sang giới tính khác phù hợp với nhận diện giới của họ.

Theo dự thảo Luật, có 5 điều kiện đối với người đề nghị sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính, trong đó, có yêu cầu phải là người độc thân; từ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp; có nhận diện giới khác với giới tính sinh học hiện có.

Đề xuất người chuyển giới nam sinh con được hưởng chế độ thai sản

(Ảnh minh họa)

Với người đề nghị phẫu thuật ngực hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính, dự Luật đề xuất 4 điều kiện, trong đó phải đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; đã điều trị nội tiết tố sinh dục liên tục trong 1 năm, trừ trường hợp phẫu thuật ngực từ nữ sang nam.

Theo Bộ Y tế, ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới tại Việt Nam, song con số thực tế cao hơn rất nhiều bởi đa số giấu kín, chưa công khai. Người chuyển giới phải đối mặt với kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử trên nhiều bình diện (gia đình, trường học, công sở, khu vực công cộng, dịch vụ y tế/khám chữa bệnh...). Trung bình có khoảng 3 người gặp phải tình trạng trên trong vòng 12 tháng.

Gần 40% người tham gia một cuộc khảo sát của Bộ Y tế cho biết họ đã từng nỗ lực tự tử. Nỗi sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử cũng cản trở người chuyển giới tìm kiếm thông tin, dịch vụ liên quan tới chăm sóc sức khỏe khi họ mắc bệnh. 18% người sống chung với HIV và giang mai, 4% chưa từng xét nghiệm HIV, 42% cho biết đang có mức độ trầm cảm cao.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc xóa bỏ kỳ thị đối với cộng đồng LGBT, như năm 2015, Bộ luật Dân sự được sửa đổi, đã công nhận quyền được chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên cá nhân nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép thực hiện chuyển đổi giới tính, quy trình chuyển đổi giới tính như thế nào, thủ tục công nhận người chuyển đổi giới tính để thay đổi giấy tờ hộ tịch... thì chưa được quy định cụ thể.

"Do vậy, việc công nhận đối với người chuyển đổi giới tính hiện nay chưa được triển khai trong thực tiễn", bà Thúy nói và thêm rằng môi trường pháp lý cần được cải thiện để tạo thuận lợi cho họ trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, giáo dục, y tế, việc làm.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên