Chân dung Thái hậu 'lâu đời' nhất lịch sử Việt Nam: Làm vợ duy nhất một hoàng đế nhưng kinh qua 10 đời vua

2022-08-25 22:25
- Sinh thời, thái hậu Từ Dũ nổi tiếng là người đoan chính, nhã nhặn, đức độ.

Hoàng thái hậu Từ Dũ (Tự Dụ, 1810-1902), tên húy là Phạm Thị Hằng, là trưởng nữ của Lễ bộ thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và Đức Quốc phu nhân Phạm thị. Gia đình bà sống tại Sơn Quy (Gò Rùa), huyện Tân Hòa, Gia Định, ngày nay là thị xã Gò Công, Tiền Giang.

Chân dung Hoàng hậu 'lâu đời' nhất lịch sử Việt Nam, kinh qua 10 đời vua

Tranh phác hoạ thái hậu Từ Dũ.

Từ nhỏ thái hậu Từ Dũ đã nổi tiếng thông minh, hiền hậu, xinh đẹp. Năm 12 tuổi, khi mẹ bà lâm bệnh nặng, chỉ thích nằm một mình thì bà là người duy nhất được gần gũi hầu hạ chăm sóc mẹ ngày đêm. Đến khi mẹ qua đời, dù còn nhỏ nhưng bà vẫn giữ tang như người trưởng thành khiến bên ngoài tấm tắc khen ngợi.

Năm 14 tuổi, bà được cho vào cung hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị). Năm Tân Sửu (1841), sau khi vua Minh Mạng băng hà, hoàng tử Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà Phạm Thị Hằng được phong làm Cung tần, giữ chức Thượng nghi để coi sóc lục thượng, dần dần qua thời gian được phong làm Thần phi, Giai phi, rồi Nhất giai phi.

Chân dung Hoàng hậu 'lâu đời' nhất lịch sử Việt Nam, kinh qua 10 đời vua

Vua Thiệu Trị.

Tương truyền, sinh thời hoàng đế Thiệu Trị rất yêu mến người vợ của mình. Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập ghi chép lại, vua rất tin vào kiến thức và sự nhạy cảm chính trị của vợ dù lúc đó theo chủ trương “hậu cung không can triều chính”. Khi thiết triều, vua ngồi ở điện Khâm Văn nghe chính sự, cho bà Từ Dũ ngồi sau tường nghe các quan tâu việc, nghe vua phán. Sau đó, bà sẽ nhận xét cho vua từng việc một.

Khi vua Thiệu Trị đau yếu, mọi việc triều chính đều ủy thác cho bà đảm trách. Cuối năm 1847, vua Thiệu Trị qua đời, để lại di chiếu tôn bà làm hoàng hậu và lời căn dặn rằng: “Ta tiếc là không được cùng ái phi chung hưởng phúc lâu dài”, để lại di chiếu tôn bà làm hoàng hậu. Cùng năm đó, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, tức vua Tự Đức.

Chân dung Hoàng hậu 'lâu đời' nhất lịch sử Việt Nam, kinh qua 10 đời vua

Bà Từ Dũ được vua Thiệu Trị yêu thương hết mực.

Cách giáo dục con người đáng ngưỡng mộ

Một giai thoại khác cho biết, vào một đêm nọ, bà Từ Dũ mộng thấy một vị thần áo rộng đai to, đầu tóc bạc, lông mày trắng, mang một tờ giấy vàng viết chữ son có đóng dấu và một chuỗi minh châu trao cho bà, bảo là: “Xem đây để nghiệm về sau”, bà nhận lấy. Ngày 25/8 năm Kỷ Sửu (tức 22/9/1929), hoàng hậu sinh ra vua Tự Đức giống như giấc mộng, từ đó mọi người cho rằng hoàng đế chính là thần nhân phái xuống làm con bà.

Vua Tự Đức được mẹ giáo dục kiến thức, lễ giáo từ nhỏ theo đạo lễ và nếp sinh hoạt Nho giáo. Từ nhỏ vua đã chăm đèn sách, dùi mài kinh sử, văn võ song toàn nên khi phong ngôi vua, lòng dân lúc bấy giờ rất đồng thuận. Khi nối ngôi, vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ nhưng bà Phạm Thị Hằng đều từ chối, mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Kỷ Dậu (1849), bà mới nhận tôn hiệu là hoàng thái hậu. 

Thái hậu Từ Dũ vẫn luôn ở bên vua Tự Đức để bảo ban, khuyên nhủ đạo lý làm vua, đồng thời rất nghiêm khắc. Truyện kể rằng một hôm rảnh việc nước, vua đi săn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt không về được, trong khi chỉ còn hai ngày nữa có kị vua Thiệu Trị. Thấy vua chưa về, Đức Từ Dũ nóng ruột, phải sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước.

Biết làm thái hậu lo lắng nên sau khi về đến cung lúc nửa đêm, nhà vua vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội bằng một cây roi mây mới được tha. Biết con trai thích săn bắn, thái hậu Từ Dũ nhắc nhở rằng: “Vật cũng như người, bắn chết con trống thời (thì) con mái thương nhớ, bắn con thời con mẹ thảm buồn, rứa thời bắn mà làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn. Tự hậu phải bớt bớt đi, chẳng nên sát hại sanh vật”.

Ngoài ra, vua Tự Đức là một người rất mê hát bội. Một lần vua cho đội tuồng cung đình diễn vở Tàu chuyện Phàn Lê Huê giết cha, giết anh. Bà Từ Dũ ngồi xem, nghiêm mặt bảo: “Sao lại diễn ra quá kỹ cái trò thất đức như vậy? Con giết cha, anh giết em thì còn gì là đạo lý nữa? Nước mình khác, nước người khác, không được bắt chước mà diễn xằng bậy!”. Vua Tự Đức phải nhận lỗi trước mẹ. 

 

Chính vì những đức tính tốt cũng như sự giáo dưỡng nghiêm khắc bà đã dành cho vua Tự Đức mà vua rất coi trọng ý kiến của thái hậu. Những lời mẹ dạy đều được nhà vua ghi vào sách Từ huấn lục. Cho dù về sau này hoàng thái hậu tuổi ngày một cao, bà vẫn luôn là người mẫn tuệ. Có những việc đã qua rất lâu, những lời ai nói lúc nào, năm nào, sử sách kinh điển thế nào, nói gì bà đều nhớ như in, nên vua Tự Đức có rất nhiều chuyện phải nhờ tới mẹ.

Bản tính tiết kiệm, thương dân

Theo sách sử ghi lại, bà Từ Dũ trong cuộc sống hàng ngày rất tiết kiệm tiêu dùng và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa. Hàng ngày, khi cung nhân dâng đèn sáp để thắp sáng cung Gia Thọ, bà thường dạy cất bớt đi. Mỗi ngày dành một ít, đến lúc dồn được số nhiều, bà lại sai người đem vào dự trữ trong kho của triều đình.

Có lần, nhân lễ ngũ tuần, vua Tự Đức cùng đình thần dâng sớ xin tổ chức lễ lạt, bà dụ rằng: “Ta đã được thiên hạ phụng sự, nên lo những việc thiên hạ đương lo. Năm nay chưa đặng mùa, nhân dân đều chưa được vui sướng, chính lúc hoàng đế phải chăm lo, lòng ta nào nỡ thản nhiên. Vả lại tính ta vốn kiệm ước chẳng chuộng phù hoa, không ngờ ngày nay hưởng được tôn vinh, ta thường e sợ, tu tỉnh chẳng rồi, huống chi còn gia thêm cho hư danh để ta còn nặng cái lỗi thất đức hay sao?”.

Có lần, vua Tự Đức đến cung Gia Thọ để thỉnh an mẹ, thấy cái đãy đựng kính đeo mắt đã cũ mềm, nhiều chỗ đã bị sứt chỉ, vua Tự Đức đề nghị xin cho đổi cái khác. Bà nói: "Kiếng thủy tinh ấy đeo vào chỉ mát con mắt trong chốc lát thôi chớ chẳng hiệu nghiệm chi hơn. Nếu đổi cái đãy mới thì lâu rồi nó cũng sẽ cũ như rứa. Chi bằng cứ để nó mà dùng có tiện hơn không". Khi chuyển tới cung Gia Thọ, bà vẫn giữ những đồ cũ từ trước để dùng, mặc cho người ta đã sắm sửa đủ thứ thì bà vẫn nhất mực chối từ.

Ngoài đức tính tiết kiệm, bà nổi tiếng là thái hậu rất thương dân. Hàng năm đến lễ mừng thăng cấp, mừng thọ của bà, bà đều tìm cách thoái thác hoặc trì hoãn, thực chất là sợ khổ dân. Khi người Pháp cho bắc lại cây cầu Trường Tiền bằng sắt và bắt dân phải nộp thêm thuế, nói là lấy kinh phí làm cầu, bà Từ Dũ tự nguyện thay mặt cho dân viết lá đơn xin quan Tây miễn thuế.

Cuối đời tháo chạy, ra đi thầm lặng không ai hay

Tháng 6 năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức mất, để lại di chiếu tôn bà làm Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu nhưng ngay sau đó đã xảy ra tình trạng “tứ nguyệt tam vương” (4 tháng 3 vua), vì thế mãi đến năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi mới làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu. Tháng 5 năm Ất Dậu (1885), kinh đô thất thủ, bà Từ Dũ đã theo vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, nhưng sau đó vì già yếu nên bà đã phải theo quay lại kinh thành, sống âm thầm, lặng lẽ cho đến khi qua đời.

 Chân dung Hoàng hậu 'lâu đời' nhất lịch sử Việt Nam, kinh qua 10 đời vua

Tượng thái hậu Từ Dũ ở bệnh viện Từ Dũ ngày nay.

Thái hậu Từ Dũ mất ngày 12/5/1902, thọ 93 tuổi. Bà được dâng tên thụy là Nghi thiên Tán thánh Từ Dũ Bác Huệ Trai túc Tuệ đạt Thọ đức Nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dũ Nghi thiên Chương hoàng hậu. Hiện toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân núi thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài vị của bà được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành Huế. Ngày nay, tên bà được đặt cho bệnh viện phụ sản nổi tiếng ở TP.HCM - Bệnh viện Từ Dũ. 

Chi Trần (tổng hợp)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên