'Biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam chỉ là thời gian, cần sẵn sàng ứng phó'

2021-12-20 15:12
- Biến thể Omicron được cho là có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta. Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, song nguy cơ xâm nhập và lây lan là rất lớn

Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến chủng Omicron đã được báo cáo ở 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca mắc mới gia tăng nhanh chóng, trung bình tăng gấp đôi trong 1,5 đến 3 ngày tại các khu vực có sự lây truyền trong cộng đồng.

Đến nay, Omicron được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại biến thể cần quan tâm bởi có khoảng 50 đột biến và có thể dễ lây nhiễm hơn biến thể Delta. Đáng chú ý, giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo nhiều ca mắc biến thể Omicron đầu tiên đã được ghi nhận ở những người có sức khỏe tốt và những người nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Những người cao tuổi, những người có mức độ suy giảm miễn dịch khác nhau và những người có bệnh nền là những đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ cao. Ông Jorge Rodriguez, chuyên gia nội khoa Bệnh viện Los Angeles A (Mỹ), nói: "Biến thể Omicron sẽ tìm kiếm và tấn công những người dễ tổn thương nhất. Đó là những người chưa được tiêm phòng và cả những người chưa được tiêm tăng cường. Vấn đề chỉ là thời gian".

Biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam chỉ là thời gian, cần sẵn sàng ứng phó

(Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, biến chủng Omicron không chỉ xâm nhập qua duy nhất đường hàng không mà còn rất nhiều con đường khác. Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc biến chủng này đến Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Nhiều báo cáo đã nhận định biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh nhưng không làm tăng mức độ bệnh nặng. "Thế giới đã sẵn sàng đón nhận biến chủng mới, vậy không lý do gì Việt Nam vẫn tiếp tục thu mình?", BS Khanh cho hay.

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ Y tế, đại diện WHO tại Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á đề xuất 4 yếu tố ứng phó biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam. Trong đó có việc đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vắc-xin Covid-19 và tăng cường hệ thống y tế, nâng cao năng lực ứng phó.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, khuyến nghị: "Hiện tại, WHO vẫn cảnh báo chủng virus mới này ở mức nguy cơ rất cao cho các nước và khuyến cáo nếu không có đáp ứng tốt sẽ thành thảm hoạ. Do đó Việt Nam cần chuẩn bị theo hướng đáp ứng với dịch tốt hơn nữa".

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC Mỹ trong công tác phòng chống dịch, ứng phó với Omicron. Người dân cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch, không nên quá hoang mang, lo lắng.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virut SARS-CoV-2.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ; không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng. Khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.

2. Tất cả các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch như nêu ở điểm 1 trên đây, căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

3. Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Bộ Y tế đảm bảo phân bố đủ vaccine cho các địa phương. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vaccine.

4. Bộ Y tế đảm bảo cấp đủ thuốc kháng rút (túi thuốc C) cho các địa phương. Các địa phương tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.

5. Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế ở tất cả các tuyến; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện các công cụ công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các Bộ, ngành, địa phương để triển khai ứng dụng đồng bộ, hiệu quả, thực chất; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch trong toàn xã hội trước nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến chủng Omicron.

Phương Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên