Bé sơ sinh vừa chào đời đã mắc giang mai

2023-01-13 13:57
- Bé được sinh ra từ mẹ bị bệnh giang mai. Tuy nhiên, người phụ nữ này không được phát hiện và điều trị sớm trước sinh.

Ngày 12/1, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ cho biết đơn vị này đang điều trị cho một trẻ sơ sinh mắc bệnh lý giang mai nghi do lây truyền bẩm sinh từ mẹ, theo Tri thức trực tuyến.

Đại diện bệnh viện cho biết trước đó, thai phụ trẻ được chuyển đến đơn vị này trong tình trạng chuyển dạ sinh non và vượt cạn thành công. Tuy nhiên, sau khi bé chào đời với thể trạng non yếu, các bác sĩ phát hiện em có một số viêm nhiễm da, tổn thương thần kinh, vùng lách to. Qua xét nghiệm ban đầu, trẻ được chẩn đoán mắc giang mai bẩm sinh.

"Trường hợp này hoàn toàn có thể tầm soát phát hiện sớm và điều trị trước sinh để em bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, gia đình đã chủ quan bỏ sót khâu siêu âm và tầm soát bệnh lý bẩm sinh cho trẻ", đại diện bệnh viện chia sẻ.

Trước đó, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận điều trị trường hợp em bé lây giang mai từ trong bụng mẹ. Người phụ nữ 25 tuổi chỉ biết mình bị giang mai khi chuẩn bị sinh tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội. Việc can thiệp điều trị lúc này để phòng lây nhiễm cho con là muộn.

Bé sơ sinh vừa chào đời đã mắc giang mai

Biểu hiện bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh trước và sau điều trị ở một bệnh viện Nghệ An

Một tháng sau khi sinh, chị cùng bé đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, xét nghiệm, định lượng kháng thể giang mai để xem liệu tình trạng ở bé là giang mai do huyết thanh từ mẹ truyền sang hay bị giang mai thực sự.

Kết quả em bé sơ sinh bị giang mai bẩm sinh. Bé và mẹ được điều trị bằng kháng sinh đường tiêm, kết quả tốt. Chồng chị cũng được đưa đến để xét nghiệm, điều trị bởi đây là bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục.

TS.BS Trần Thị Huyền cho hay trẻ có thể lây nhiễm giang mai từ mẹ, thường xảy ra từ tháng 4-5 của thai kỳ, không phải lây truyền trong quá trình sinh nở, chuyển dạ như một số bệnh truyền nhiễm khác. Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào bào thai có thể xảy ra các trường hợp sảy thai hoặc thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong.

Nếu nhiễm xoắn khuẩn nhẹ hơn, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng, xuất hiện các thương tổn của bệnh giang mai. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn, lây qua các vết xước trên da, niêm mạc, lây qua truyền máu.

Theo TS Huyền, trẻ mắc giang mai bẩm sinh có biểu hiện sớm trước 2 tuổi, các dấu hiệu nhận diện thường là có phỏng nước, bong vảy lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, xương to, đau các đầu xương làm trở ngại vận động.

Trẻ sinh ra nhỏ hơn bình thường, da nhăn nheo như người già, bụng to, có các mạch máu tím trên da bụng, gan to, lách to, trẻ có thể sụt cân nhanh, thậm chí chết bất thình lình.

Bác sĩ này khuyến cáo cần thực hiện sàng lọc bệnh giang mai với các bà mẹ khi mang thai. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh giang mai cho phụ nữ mang thai trước tháng thứ 4-5 thai kỳ sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên